Phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đồng bào tôn giáo: Khi việc đạo đã thành chuyện đời

Thứ Hai, 07/12/2015 | 15:24

Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, chính sách “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, làm nên những chiến thắng vĩ đại trước kẻ thù xâm lược. Trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội hôm nay, tinh thần ấy của Người tiếp tục làm nên những thành quả âm thầm mà to lớn bởi sự đồng lòng của các tôn giáo trong việc chăm lo đời sống nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Minh Chiến tặng quà và chúc mừng lễ Giáng sinh năm 2014 tại Nhà thờ Công giáo phường 2 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: M.Đ

MỞ RỘNG VÒNG TAY NHÂN ÁI

Không khoa trương ồn ào, không làm để lấy thành tích, các tổ chức tôn giáo và đồng bào có đạo có những việc làm rất thiết thực để biến những lời dạy của Bác Hồ, cũng chính là triết lý của đạo thành hành động đẹp giúp ích cho cuộc sống.

Sư cô Thích Nữ Nghiêm Thành ở chùa Giác Hoa (huyện Vĩnh Lợi) tâm nguyện rằng, còn làm được bao nhiêu việc thiện cho người nghèo thì phải cố gắng làm. Khi chúng tôi đến theo lời hẹn trước, vị sư nữ này đang xem lại các hoạt động chuẩn bị cho đợt phát gạo từ thiện ở một xã vùng sâu trong huyện. Những chuyến đi như thế được sư cô tổ chức đều đặn hàng tháng, có khi chỉ trong địa bàn huyện Vĩnh Lợi, có khi lại đi xa hơn. Nơi nào có người nghèo, có người cần được giúp đỡ, đoàn từ thiện do sư cô Nghiêm Thành dẫn đầu lại có mặt để trao một vòng tay nhân ái bằng những phần quà rất thiết thực. Đó có thể là gạo, thùng mì gói, dầu ăn cùng với tiền mặt. Những món quà luôn đủ để người nhận cảm thấy ấm áp và thỏa lòng, bởi theo cô “Đức Phật, Bác Hồ đều dạy làm việc thiện, việc dù nhỏ nhưng phải tròn trách nhiệm, không chỉ làm để lấy hình thức”. Phân tích sự tương đồng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với triết lý nhà Phật, sư cô nói rất giản dị: “Bác Hồ đã hy sinh một đời cho nước, cho dân. Đức Phật cũng dành một đời cho chúng sanh. Theo lời Bác hay lời Phật, là người tu hành thì phải biết chia sẻ hết khả năng với những hoàn cảnh khó khăn trong đời”. Trách nhiệm của người tu hành như vị sư cô này không chỉ là những chuyến làm từ thiện đến khắp nơi mà trước hết là đưa cuộc sống của người dân cư ngụ quanh chùa được tốt đẹp hơn. Cái xóm nhỏ trước đây rất nghèo, nhiều tệ nạn xã hội. Bằng cách giúp công ăn việc làm, lo khi lấy vợ gả chồng, giúp đỡ khi đau yếu bệnh tật, sư cô Thích Nữ Nghiêm Thành đã cảm hóa những con người lầm lỡ, mở con đường cho những người có lối sống không tốt trở về nẻo thiện.

Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu tặng quà người khuyết tật trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ

ĐẸP TỪ ĐẠO ĐẾN ĐỜI

Có thể nói công tác từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo trong tỉnh chính là để kết hợp giữa đạo với đời, để mang đến hạnh phúc cho mọi người. Không riêng một tôn giáo nào mà gần như tất cả các tổ chức tôn giáo, các cơ sở thờ tự và bà con theo đạo đều ít nhiều tham gia xây dựng xã hội tốt đẹp theo khả năng của mình. Với đồng bào công giáo Bạc Liêu, 10 nội dung trong phong trào thi đua yêu nước như phát triển kinh tế, nếp sống tốt, trật tự xã hội tốt, đẹp trong đạo đức lối sống, đẹp trong nếp sống đạo… đều hướng về mục tiêu “sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” theo đường hướng mục vụ. Đặc biệt, trong việc thi đua xây dựng nếp sống tốt, thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các xứ đạo đã tích cực tuyên truyền, vận động trong mỗi gia đình công giáo làm theo tấm gương của Bác, xây dựng tình làng nghĩa xóm, vận động gia đình không có người mắc các tệ nạn xã hội… Linh mục Giuse Võ Văn Hoài, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Bạc Liêu, khẳng định: “Bác Hồ luôn hướng đến phục vụ nhân dân, lo cho nhân dân. Công giáo nói riêng, các tôn giáo nói chung cũng vậy”. Tinh thần đó đã được các họ đạo Công giáo trong tỉnh hiện thực hóa thông qua các hoạt động bác ái, yêu thương như giúp đỡ xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có công với nước, tham gia công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương… Tinh thần dân tộc “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “lá lành đùm lá rách” thấm nhuần trong mỗi việc làm sẻ chia khó khăn của người công giáo với những người nghèo, neo đơn, tàn tật như tặng gạo hàng tháng hay các dịp lễ, tết. Và không chỉ có Phật giáo, Công giáo, mọi tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đều có những việc làm rất thiết thực để giúp ích cho xã hội như xây cầu nông thôn, tặng nhà, tiếp sức trẻ em đến trường…

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng, lòng yêu nước và đức tin tôn giáo không có gì mâu thuẫn, trái lại còn gắn bó chặt chẽ với nhau. Một người dù theo tôn giáo nào thì trước hết người đó phải là công dân, có nghĩa vụ với dân tộc, đất nước. Người cũng đã viết: “Chúa Jesus dạy: Đạo đức là bác ái; Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi; Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa” khi khẳng định đạo đức tôn giáo có giá trị nhân bản, phù hợp với đạo đức của xã hội. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện ra sự tương đồng giữa học thuyết tôn giáo và cách mạng, đó là sự mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trước đây và chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh những năm gần đây, thông qua vai trò của tổ chức MTTQ, đã thấm vào đời sống của đồng bào dân tộc, đồng bào tôn giáo một cách tự nhiên bởi chính sự tương đồng này. Ông Quảng Trọng Ninh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhận định: “Sự ủng hộ của các tổ chức tôn giáo với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội”. Còn theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong 4 năm qua đã quy tụ được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn dân cư cũng như công tác chăm lo đời sống người dân.

Tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần bác ái, yêu thương mọi người của Người không chỉ dẫn lối cho cán bộ, đảng viên mà còn được các tôn giáo và đồng bào có đạo ngưỡng mộ, làm theo. Chuyện đạo trở thành những việc làm tốt cho đời cũng xuất phát từ sự tôn kính, ngưỡng mộ ấy.

LÂM ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.