Quản lý trật tự xây dựng: Gặp khó vì các quy định chồng chéo

Thứ Hai, 26/04/2021 | 15:21

Có thể nói, một trong những vấn đề nóng được dư luận quan tâm hiện nay chính là công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD). Với việc hàng loạt các công trình xây dựng không phép và sai quy hoạch đã tạo nên những hệ lụy không nhỏ cho phát triển bền vững. Đồng thời, làm ảnh hưởng đến quy hoạch chung và hình thành nên những “hòn đá tảng” gây khó cho công tác giải phóng mặt bằng khi giao đất để thực hiện các dự án trong lương lai.

Xây dựng công trình đúng quy hoạch tại Khu dân cư Tràng An (TP. Bạc Liêu). Ảnh: K.T

XỬ LÝ KIỂU “BẮT CÓC BỎ DĨA”

Có một thực tế phải thừa nhận rằng, công tác quản lý TTXD trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chưa tốt và điều này được minh chứng bằng hàng loạt các vụ vi phạm về TTXD. Đặc biệt, sự hình thành các khu dân cư tự phát đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch và kiến trúc chung mà nguyên nhân chính là việc xử lý chẳng khác nào “bắt cóc bỏ dĩa”?! Năm 2020, Bạc Liêu có tổng số hơn 150 trường hợp vi phạm về TTXD được phát hiện và xử lý, với tổng số tiền xử phạt hơn 3,4 tỷ đồng. Riêng quý 1/2021, phát hiện thêm 30 trường hợp vi phạm về TTXD và xử lý với số tiền xử phạt trên 780 triệu đồng.

Điều đáng nói, trong số vụ vi phạm TTXD từ năm 2020 đến nay chỉ có 42% các chủ đầu tư  chấp hành nộp phạt với số tiền 1 tỷ 444 triệu đồng, số còn lại thì “phớt lờ”! Chỉ vấn đề này thôi đã phản ánh ý thức chấp hành pháp luật, việc giám sát thực thi pháp luật về TTXD còn chưa nghiêm và các chủ đầu tư vẫn “chưa sợ”. Như trường hợp vi phạm TTXD của hộ ông Đào Chí Tâm ở khóm Trà Khứa (Phường 8, TP. Bạc Liêu), UBND tỉnh đã chỉ đạo địa phương phải xử lý ngay và UBND TP. Bạc Liêu cũng ban hành văn bản xử lý vi phạm, thế nhưng công trình này vẫn tiếp tục thi công từ nhà thô cho đến nay đã được tô sơn.

Thực tế cho thấy, số vụ vi phạm về TTXD bị phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vì theo điều tra của chúng tôi đã xuất hiện nhiều vụ vi phạm về TTXD nhưng các địa phương đã cố tình làm lơ, nhất là ở địa bàn các huyện. Trong khi đó, nhiều địa phương hiện nay đã thành lập Ban chỉ đạo về công tác quản lý TTXD như: Huyện Vĩnh Lợi, huyện Đông Hải và TX. Giá Rai. Thậm chí, có địa phương còn ban hành cả chỉ thị chỉ đạo về công tác này. Như Ban Thường vụ Thị ủy Giá Rai đã ban hành Chỉ thị 08-CT/TU về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, TTXD trên địa bàn; và UBND thị xã ban hành Quyết định 410/QĐ-UBND về kiện toàn Tổ kiểm tra, xử lý trật tự đô thị, TTXD, sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn thị xã…

Qua đó cho thấy, về bộ máy quản lý và chỉ đạo đều đã có, vậy thì lý do gì các vụ vi phạm TTXD vẫn cứ diễn ra? Thậm chí có nhiều vụ vi phạm ngay ở cả những địa phương đã được công nhận là xã nông thôn mới với quy hoạch đã được phê duyệt, nhưng lãnh đạo, cán bộ quản lý địa chính, xây dựng của địa phương đó cứ bảo không biết hoặc chưa nghe báo. Có chăng, các công trình vi phạm này đã được “ém nhẹm” hay cố tình phớt lờ, cũng như đã được “bao che” nên phải nhắm mắt cho qua?!

Qua kiểm tra thực trạng công tác quản lý TTXD ở các địa phương, Sở Xây dựng cho rằng: UBND cấp huyện, cấp xã chưa mạnh dạn xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân làm công tác quản lý TTXD, còn tồn tại tình trạng buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không kịp thời, còn dung túng, bao che, chưa thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định 13/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Từ đó chưa tạo tâm lý răn đe đối với cán bộ, công chức làm công tác quản lý.

Công trình vi phạm TTXD của hộ ông Đào Chí Tâm khi ban hành văn bản xử lý (ảnh trên) và đến nay công trình này đã được tô sơn.

KHÓ XỬ LÝ VÌ CÁC QUY ĐỊNH CHỒNG CHÉO

Phải thừa nhận rằng, công tác quản lý TTXD gặp khó trong thời gian qua, ngoài nguyên nhân chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm quản lý trực tiếp từ các địa phương, thì còn bị vướng bởi các quy định của pháp luật.

Theo ông Trần Văn Mậu - Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu: Việc ban hành văn bản để triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương đối với công tác quản lý nhà nước về TTXD đôi lúc chưa kịp thời, thiếu tính đồng bộ. Trung ương ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về TTXD từ năm 2017, nhưng đến năm 2019, UBND tỉnh mới ban hành các quyết định, quy định về phân cấp, phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về TTXD trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là việc xử lý các vi phạm TTXD hiện nay còn vướng rất nhiều về mặt pháp lý và cần phải có ngay các giải pháp tháo gỡ. Chẳng hạn như việc áp dụng các biện pháp dừng thi công đối với các công trình xây dựng được quy định tại Khoản 12, Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Theo quy định này và Điều 5 Thông tư số 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì đối với các hành vi xây dựng công trình sai nội dung giấy phép được cấp, hoặc xây dựng công trình không có giấy phép (theo quy định phải có giấy phép) mà đang thực hiện thì người có thẩm quyền phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình, đồng thời ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển đến người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng (GPXD). Hết thời hạn 60 ngày nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt GPXD hoặc GPXD được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Tuy nhiên, thực tế triển khai pháp luật không quy định cụ thể biện pháp dừng thi công công trình xây dựng vi phạm cụ thể là gì. Vì thế, có công trình đã ban hành văn bản xử phạt, nhưng tiến độ thi công vẫn cứ âm thầm diễn ra.

Bên cạnh đó, trước khi có Nghị định 139/2017/NĐ-CP, một trong các biện pháp để dừng việc thi công công trình vi phạm là ra quyết định đình chỉ việc thi công công trình và thực hiện việc cắt điện, cắt nước đối với công trình vi phạm. Nội dung này được quy định cụ thể tại Nghị định 180/2007/NĐ-CP và Nghị định này cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan công an, cơ quan cung cấp dịch vụ điện, nước và các cơ quan liên quan khác trong việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm TTXD. Biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đã phát huy hiệu quả trong việc xử lý các công trình vi phạm, là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện và ít tốn kém, giúp xử lý nhanh những địa bàn “nóng” về TTXD, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm, không để kéo dài.

Thế nhưng, việc áp dụng Luật Xây dựng hiện nay lại không quy định về việc áp dụng biện pháp ngừng cấp điện, nước đối với công trình vi phạm TTXD. Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng cũng không quy định việc ban hành quyết định đình chỉ thi công công trình xây dựng. Do vậy, trên thực tế, nhiều trường hợp mặc dù đã bị lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công xây dựng, tăng diện tích vi phạm, dẫn đến khi ban hành quyết định cưỡng chế, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và thời điểm tiến hành tháo dỡ thì công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cùng với đó, quy định về lập thủ tục xin cấp GPXD hoặc điều chỉnh GPXD đối với các công trình quy định tại khoản 12, khoản 13 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tế. Như theo quy định tại Khoản 12 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, Điều 5 Thông tư 03/2018/TT-BXD thì đối với các công trình xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp hoặc xây dựng công trình không có giấy phép (theo quy định phải có giấy phép) mà đang thực hiện thì trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm thực hiện thủ tục đề nghị cấp GPXD hoặc điều chỉnh GPXD và xuất trình người có thẩm quyền xử phạt GPXD được cấp hoặc được điều chỉnh. Như vậy, theo các quy định này thì không phân biệt trường hợp đủ điều kiện cấp phép hay không đủ điều kiện cấp phép, trong thời hạn 60 ngày tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm thủ tục xin cấp GPXD. Điều này chẳng khác nào cho thời hạn để hợp thức hóa những công trình không đủ điều kiện cấp phép!

Trên thực tế, nhiều trường hợp vi phạm khi lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt đã biết trường hợp này là không thể và không được cấp GPXD (do không phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt; không phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng…)  nên việc quy định thời hạn 60 ngày đối với trường hợp này để xin phép xây dựng là không cần thiết và gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm, vì để thời gian càng dài thì sẽ phát sinh thêm vi phạm và khi cưỡng chế sẽ gây thiệt hại cho cả người vi phạm và cả Nhà nước…

Với những bất cập như hiện nay, để quản lý tốt TTXD thì giải pháp hàng đầu vẫn là phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý trực tiếp của các địa phương. Đồng thời, có ngay các đề xuất, kiến nghị và bỏ đi những quy định chưa phù hợp, còn gây chồng chéo trong công tác quản lý, thực thi pháp luật.

KIM TRUNG

Tổng hợp các vi phạm về TTXD cho thấy, phần lớn tập trung ở địa bàn TP. Bạc Liêu. Năm 2020, TP. Bạc Liêu đã  lập biên bản và đề nghị Chủ tịch UBND các cấp xử phạt 79 trường hợp vi phạm. Riêng Phòng Quản lý đô thị thành phố đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố ban hành 74 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và 5 quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với tổng số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng. Song, đến nay chỉ có 42 trường hợp đã thực hiện việc nộp phạt với số tiền trên 870 triệu đồng và còn 37 trường hợp chưa thực hiện quyết định xử phạt và quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Riêng quý 1/2021, TP. Bạc Liêu đã lập biên bản vi phạm hành chính 10 trường hợp vi phạm hành chính do UBND các phường chuyển đến để tham mưu, đề xuất  người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Ông Huỳnh Quốc  Ca -  Giám đốc Sở  Xây dựng: Vi phạm về TTXD phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm

Để thực hiện tốt công tác quản lý TTXD, các ngành, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về TTXD và quản lý đất đai; đảm bảo nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, triển khai nhanh chương trình phát triển đô thị, chương trình phát triển nhà ở…, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm TTXD giữa các ngành chức năng và chính quyền cơ sở, đảm bảo mọi hành vi vi phạm về TTXD phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, nhằm hạn chế tối đa việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý; kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý xây dựng các cấp phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế của địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng trên địa bàn. Tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và GPXD. Cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý TTXD, quản lý đất đai đối với các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết tháo dỡ các công trình vi phạm, tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép, vi phạm quy hoạch, lấn chiếm đất công, đất hành lang an toàn giao thông, đất bảo lưu kênh, rạch, sông, công cộng…

Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện cho công tác lập quy hoạch xây dựng nhằm đẩy nhanh tiến độ lập và triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu đô thị và điểm dân cư nông thôn. Tập trung chỉ đạo lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng tại các đô thị, khu tập trung đông dân cư đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ. Đồng thời, giải quyết dứt điểm các khiếu kiện, khiếu nại, tranh chấp về đất đai, xây dựng tại các dự án, khu dân cư trên địa bàn. Kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất công, tái chiếm đất đã được Nhà nước thu hồi, lấn đất bảo vệ hành lang an toàn giao thông, đất bảo lưu kênh rạch, sông, các công trình vi phạm TTXD còn tồn đọng để làm gương và lập lại kỷ cương về TTXD trên địa bàn tỉnh.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.