Quan tâm bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer

Thứ Tư, 21/08/2024 | 15:20

Bạc Liêu có hơn 78.000 người Khmer, chiếm 7,6% dân số toàn tỉnh. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong những năm qua, việc dạy ngôn ngữ Khmer tại các trường học, điểm chùa vùng có đông đồng bào sinh sống luôn được quan tâm.

Chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) dạy chữ Khmer dịp hè 2024. Ảnh: N.Q

DUY TRÌ VIỆC DẠY CHỮ KHMER

Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các DTTS trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, hiện Bạc Liêu có 13 trường, 70 lớp dạy tiếng nói, chữ viết DTTS (Khmer, Hoa) cho 1.788 học sinh. Công tác xóa mù chữ được các cấp đặc biệt quan tâm, tất cả trẻ em trong độ tuổi tiểu học đều biết đọc, biết viết; hơn 80% trường học đạt chuẩn quốc gia; toàn bộ các xã vùng DTTS đều có các cấp học từ mầm non đến THCS; duy trì việc dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc ở một số trường.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer, trong những năm qua, việc dạy ngôn ngữ Khmer cho con em đồng bào DTTS tại các trường học, nhà chùa Phật giáo Nam tông luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Đặc biệt là các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Achar, Ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer luôn quan tâm truyền dạy, góp phần quan trọng trong gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer.

Tại vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống, hằng năm, vào các dịp hè, các chùa Phật giáo Nam tông lại mở những lớp dạy ngữ văn Khmer, tin học, tiếng Anh cho con em đồng bào. Trong những “mái chùa - mái trường” này, con em đồng bào sẽ được các vị sư, Achar, Ban quản trị chùa dạy tiếng nói, chữ viết; được giáo dục về đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Hòa thượng Dương Quân - Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Trụ trì chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) cung cấp thông tin: Các chùa còn dạy dỗ, định hướng các em nâng cao nhận thức, từng bước tiếp thu và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để trở thành công dân tốt, hữu ích, xứng đáng là đệ tử Phật môn “tốt đời, đẹp đạo”.

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ

Là một tỉnh còn khó khăn, song Bạc Liêu dành sự quan tâm thỏa đáng và ưu tiên cho công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS. Từ đó, đời sống tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt; phong tục, tập quán, lễ nghi của đồng bào được bảo tồn, phát huy và duy trì tổ chức hằng năm, chung sức tạo nên một nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong thống nhất, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Trong năm 2023, UBND tỉnh đã hỗ trợ trên 520 triệu đồng cho 19 ngôi chùa Khmer trên địa bàn tỉnh (mở 51 lớp) để chi trả cho người trực tiếp dạy tiếng và chữ viết Khmer trong dịp hè. Đây là chính sách đặc thù của tỉnh đối với đồng bào dân tộc Khmer.

Nghị định 05, ngày 14/1/2011 của Chính phủ đã khẳng định một trong những nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc là: “Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc”. Từ đó, tiếng nói, chữ viết và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các DTTS được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên… Chính phủ cũng nhấn mạnh: “Hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết. Các DTTS có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình”.

Để tiếp tục thực hiện Nghị định 05, UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc và Tôn giáo phối hợp tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer, Hoa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Dự thảo Nghị quyết đang được lấy ý kiến các sở, ngành, dự kiến UBND tỉnh sẽ trình, đề nghị ban hành Nghị quyết HĐND tỉnh tại kỳ họp HĐND tỉnh vào tháng 9 tới. 

NGUYỄN QUỐC

Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh (khóa X) quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer, Hoa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu:

Đối tượng áp dụng:

a) Người tham gia giảng dạy tiếng và chữ Khmer trong dịp hè trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu gồm: Các vị sư, Achar, Ban Quản trị chùa.

b) Giáo viên dạy tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài hệ thống các trường công lập trong dịp hè trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

c) Các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện chính sách hỗ trợ.

Nội dung chính sách hỗ trợ:

a) Định mức hỗ trợ: 42.000 đồng/tiết dạy.

b) Số lượng tiết hỗ trợ: Mỗi lớp học được hỗ trợ không quá 200 tiết dạy/lớp (cụ thể là không quá 4 tiết dạy/ngày/lớp, 5 ngày/tuần/lớp và 10 tuần/lớp).

c) Số lượng người học trong mỗi lớp học: Mỗi khối lớp học có tối thiểu từ 15 người học được tổ chức 1 lớp học. Trường hợp, số lượng người học trong cùng 1 khối lớp học có trên 35 người học thì được tổ chức thêm 1 lớp học.

d) Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ 1 lần sau khi kết thúc khóa học. Mỗi người tham gia giảng dạy chỉ được hỗ trợ tối đa 200 tiết dạy/năm học.

e) Thời gian thực hiện: 5 năm (từ năm 2025 - 2030).

g) Kinh phí thực hiện: Do ngân sách nhà nước cấp tỉnh đảm bảo.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.