Quốc hội thảo luận Dự án Luật Nhà giáo và chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam

Thứ Tư, 20/11/2024 | 19:38

(BL-KP) Sáng 20/11, đúng dịp Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh phát biểu về dự thảo Luật Nhà giáo sáng 20/11. Ảnh: Q.H

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho biết, đây là chính sách mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục giữa các vùng, nhất là đối với các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Bên cạnh đó, việc quy định điều động nhà giáo nhằm kịp thời giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ  giữa các trường, và cũng hạn chế việc lựa chọn trường của một số nhà giáo. Vì vậy, việc điều động cần phải đảm bảo tính dân chủ, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của nhà giáo; bảo đảm công khai, minh bạch và phải đảm bảo sự đồng thuận.

Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về thẩm quyền, nguyên tắc và điều kiện trong việc điều động nhà giáo. Đồng thời, có quy định cụ thể đối với chính sách hỗ trợ cho nhà giáo được điều động đến vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo (Điều 30), đại biểu Lê Thị Ngọc Linh bày tỏ thống nhất với quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm nghỉ hưu và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi. Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ cho các đối tượng này nhằm kịp thời động viên, khuyến khích để họ có thêm động lực trong quá trình tham gia công tác.

Về chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo (Điều 27), đại biểu cho rằng, các chế độ chính sách đối với nhà giáo như lương và các phụ cấp… còn thấp, dẫn đến tình trạng nhà giáo không an tâm công tác, một bộ phận không nhỏ nhà giáo bỏ việc, nhất là nhà giáo trẻ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, nhiều địa phương thiếu nguồn giáo viên. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật lần này quy định về chính sách ưu tiên về chế độ tiền lương và phụ cấp cho các đối tượng nhà giáo là cần thiết. Đồng thời, việc quy định chính sách ưu tiên về chế độ tiền lương và phụ cấp cho các đối tượng nhà giáo nhằm khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực và những người giỏi sẽ tham gia vào ngành sư phạm nhiều hơn, giúp ngành Giáo dục ngày càng đảm bảo số lượng và chất lượng.

* Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các ĐBQH, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9.

* Chiều cùng ngày, Quốc hội làm việc phiên toàn thể tại hội trường, nghe các báo cáo về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại hội trường chiều ngày 20/11 về Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao. Ảnh: Q.H

Phát biểu tại hội trường liên quan đến Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng, với những ưu thế vượt trội của đường sắc tốc độ cao tác động đối với phát triển kinh tế của đất nước, đại biểu tha thiết đề nghị Quốc hội nên mở rộng phạm vi đầu tư, kết nối đến 2 địa đầu của đất nước để tạo điều kiện cho các địa phương có tuyến đường đi qua có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch. Nếu chưa đảm bảo khả năng nguồn lực, thì ít nhất tuyến đường này cũng phải được kết nối đến TP. Cần Thơ (thay vì chỉ đến Thủ Thiêm như tờ trình), là thành phố trung tâm của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đại biểu chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân “điểm nghẽn” về phát triển đối với vùng ĐBSCL đã được Chính phủ, các chuyên gia kinh tế chỉ ra chính là kết cấu hạ tầng, trong đó trọng tâm là hạ tầng giao thông kết nối đến TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Với tiềm năng to lớn và lợi thế của mình, ĐBSCL hội tụ đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Tuy nhiên, đến nay ĐBSCL lại chưa phát triển tương xứng với lợi thế vốn có, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quan chung của cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng còn nhiều hạn chế, thiếu các hạ tầng quan trọng kết nối vùng làm động lực thúc đẩy phát triển. Những yếu tố này đã khiến cho chi phí logistics tăng cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa của vùng ĐBSCL.

Từ đó, đại biểu Hoa Ry khẳng định việc kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao đến TP. Cần Thơ có ý nghĩa  rất quan trọng, để giảm tải áp lực giao thông, chống ùn tắc các tuyến đường bộ kết nối từ TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ đi các tỉnh vùng ĐBSCL; đặc biệt là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thương mại, logistic, du lịch của vùng. Nhằm góp phần thực thắng lợi Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đối với sự phát triển vùng ĐBSCL; để ĐBSCL không bị bỏ lại phía sau với các vùng khác của cả nước.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.