Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật

Thứ Bảy, 23/11/2024 | 10:23

(BL-KP) Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 22/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ 8 gồm 4 Chương, 12 Điều, bám sát theo 7 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng Dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý. Việc xây dựng Dự án Luật nhằm mục đích hoàn thiện quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để mở rộng cơ sở thu (như bổ sung vào đối tượng chịu thuế đối với nước giải khát có đường, áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia...), bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước, đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

Thảo luận tại phiên họp tổ, các đại biểu tán thành việc ban hành Luật nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế; điều tiết tiêu dùng phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo vệ môi trường.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại tổ sáng ngày 22/11. Ảnh: Thanh Phú

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) đề nghị nghiên cứu lại quy định về đối tượng chịu thuế “Hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này là sản phẩm hoàn chỉnh, không bao gồm linh kiện để lắp ráp các hàng hóa”; đại biểu cho rằng, chưa loại trừ các nguyên liệu để sản xuất ra thuốc lá, rượu bia, xăng, vàng mã, nước giải khát… Ngoài ra, theo đại biểu, về kỹ thuật lập pháp, thì nội dung này không nên quy định là một điểm độc lập của điều khoản.

Liên quan đến “giá tính thuế” tại điều 6 của dự thảo, đại biểu đề nghị sửa thành “Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ, bao gồm cả khoản thu thêm, được thu (nếu có) mà tổ chức, cá nhân kinh doanh được hưởng và chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng”.

* Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND).

Thảo luận tại Tổ, các đại biểu nhận thấy, qua 8 năm triển khai thi hành, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (Luật Hoạt động giám sát) đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đóng góp tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Do đó, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND; khắc phục những hạn chế, bất cập, những nội dung không còn phù hợp trong quy định của Luật hiện hành; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật, nghị quyết có liên quan mới được Quốc hội ban hành.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái phát biểu tại tổ chiều 22/11. Ảnh: Thanh Phú

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) cho ý kiến đối với quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Hoạt động giám sát. Cụ thể, đại biểu cho rằng, quy định Đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh phải có ít nhất 3 ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tham gia là thành viên là khó khả thi và cần xem xét lại. Đơn cử như tại khu vực ĐBSCL, có một số Đoàn ĐBQH, do quy mô dân số ít và một số điều kiện khác, chỉ được bầu tối đa 6 ĐBQH (trong đó về cơ cấu có 2 ĐBQH công tác ở Trung ương, 4 ĐBQH công tác tại địa phương). Quá trình hoạt động, không ít đại biểu được điều động về công tác ở Trung ương hoặc về địa phương khác, dẫn đến số lượng ĐBQH trong Đoàn giảm; cơ cấu ĐBQH công tác tại địa phương cũng giảm. Ngoài ra, trong cơ cấu ĐBQH công tác tại địa phương, có những ĐBQH giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, do tính chất công việc, không thể trực tiếp đi giám sát cùng Đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh được.

Từ đó đại biểu kiến nghị, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định mới, đó là: “Đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh phải có  ít nhất 2 ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tham gia là thành viên”. Và bổ sung quy định khi cần thiết, đối với những Đoàn ĐBQH tỉnh có số lượng ĐBQH không thuận lợi cho việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh tại địa phương, có thể mời ĐBQH có đủ điều kiện ở địa phương lân cận tham gia giám sát.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.