Quốc hội thảo luận tại tổ về các Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Thứ Bảy, 08/06/2024 | 17:17

Sáng 8/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Thảo luận Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Tiền Giang, Bạc Liêu), các vị ĐBQH tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người cũng như việc ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Đồng chí Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu điều hành các phiên thảo luận tại tổ.

Đồng chí Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu điều hành các phiên thảo luận tại tổ.

Trong buổi sáng, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) tham gia thảo luận ở 2 nội dung cần lấy ý kiến. Theo đó, đại biểu Linh đồng ý với việc dự thảo chỉ nên tập trung điều chỉnh việc xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm tạo điều kiện cho họ sửa chữa lỗi lầm, thúc đẩy sự phục hồi của họ. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát để có quy định chặt chẽ hơn đối với hình phạt tiền không áp dụng cho người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi. Thay vào đó, để đảm bảo chủ trương giảm án phạt tù, chỉ nên áp dụng cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn nhưng cho hưởng án treo cho nhóm độ tuổi này.

Đối với Dự án Luật Phòng, chống mua bán người, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh thống nhất với nội dung bổ sung vào phạm vi điều chỉnh nêu trên và cho rằng việc bổ sung các nội dung trên vào phạm vi điều chỉnh của Luật là cần thiết, toàn diện và phù hợp với 3 nhóm chính sách lớn: Hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân. Sự bổ sung này cơ bản bao quát được các nội dung có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát và có sự đánh giá sát hơn, cụ thể hơn; quy định phạm vi cần có sự bao quát hơn. Đặc biệt là khi hiện nay, nạn nhân của tội phạm mua bán người không chỉ là phụ nữ và trẻ em gái như trước đây, mà còn là nam giới trong độ tuổi thanh thiếu niên.

Ở Dự án Luật này, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại khái niệm mua bán người trong dự thảo với quy định về tội Mua bán người theo quy định tại Bộ luật Hình sự, vì theo đại biểu, không phải mọi trường hợp thực hiện hành vi được mô tả trong Luật Phòng, chống mua bán người đều bị coi là tội phạm. Đại biểu cho rằng, việc giải thích cụm từ “mua bán người” phải bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và là cơ sở để quy định các biện pháp phòng ngừa và chống hành vi mua bán người. Đại biểu cũng góp ý với một số quy định về các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc phòng, chống mua bán người; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác nhận là nạn nhân…

Chiều 8/6, các đại biểu Trần Thị Hoa Ry và Lê Thị Ngọc Linh tiếp tục cho ý kiến góp ý về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Trong đó, các đại biểu thống nhất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 cũng như sự cần thiết đầu tư chương trình này.

Các đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát để giảm thiểu sự trùng lắp về nội dung trong các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện. Tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính độc lập tương đối của chương trình và phải tranh thủ phù hợp nguồn lực của các chương trình khác, kể cả việc sử dụng nguồn lực chủ yếu từ xã hội và phát huy tối đa sức sáng tạo của Nhân dân. Cần quan tâm yếu tố thiết kế đảm bảo tính phù hợp, tính hiệu quả thông qua các chính sách cụ thể của chương trình, không thể thiếu tính khả thi.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, Chính phủ đề xuất có 21 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao những nhiệm vụ cụ thể; các bộ, cơ quan trung ương khác được giao một số nhiệm vụ chung. Các đại biểu cho rằng, nếu giao nhiều đầu mối như vậy sẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc cho chính quyền, địa phương khi triển khai ở cơ sở. Vì trong quá trình thực hiện chương trình thì địa phương sẽ không biết liên hệ với cơ quan nào, xin ý kiến cơ quan nào ở Trung ương vì Chính phủ giao quá nhiều cơ quan phụ trách, quá nhiều đầu mối. Còn chưa nói đến việc nếu trong quá trình triển khai thực hiện chương trình có xảy ra vấn đề gì thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm chính. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có sự phân công, phân quyền cụ thể, rõ ràng, hợp lý và gọn lại các đầu mối, tránh chồng chéo và cũng phù hợp với nhiệm vụ, chức năng để nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành ở Trung ương cũng như các địa phương trong thực hiện chương trình, góp phần thực hiện đạt hiệu quả và chất lượng của chương trình.

Tin, ảnh: K.P

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.