Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Quốc hội thảo luận tại tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 25/5/2022, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42.
Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Ông Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 16. Ảnh: quochoi.vn
TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐỂ TẠO ĐỘNG LỰC CHO QUÁ TRÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu thảo luận ở Tổ 16 về nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Đại biểu Nguyễn Huy Thái - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nêu rõ, thời điểm hiện nay Chính phủ mới đề nghị bổ sung dự toán cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn mà chưa hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong khi đó, Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế còn chậm, làm giảm đi hiệu quả và mất ý nghĩa của Chương trình. Do đó đại biểu đề nghị Quốc hội cần xem xét trách nhiệm của những bộ, cơ quan Trung ương liên quan trong việc thực hiện Chương trình. Bởi, nếu các chính sách hỗ trợ và nguồn vốn của Chương trình này không đi vào cuộc sống theo đúng kế hoạch sẽ không chỉ làm mất đi ý nghĩa cấp bách mà còn ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu quan tâm tới các vấn đề liên quan tới hệ thống y tế cơ sở, công tác giáo dục - đào tạo, tình trạng thiếu giáo viên, công tác hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra tại các địa phương, vấn đề an toàn giao thông đường sắt, đầu tư mạng lưới điện vùng nông thôn. Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.
CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI)
Chiều 25/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn cho biết, Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã nêu 9 nhóm vấn đề cơ bản và 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau về cung cấp dịch vụ về phổ biến phim trên không gian mạng, về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh và một số vấn đề khác của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 50 điều được hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan và người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Dự thảo Luật đạt được sự đồng thuận nhất trí giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan trình.
Để tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện dự án Luật, trong phiên thảo luận này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát biểu rõ quan điểm, ngắn gọn. Đồng thời, cuối phiên thảo luận đại diện cơ quan trình và cơ quan thẩm tra dự án Luật sẽ báo cáo giải trình để làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm.
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 9 và tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan hữu quan theo quy định.
Theo đó, về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, điện ảnh vừa là ngành văn hóa, nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa, do đó rất cần có các cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế. Vì vậy, dự thảo Luật được sửa đổi, chỉnh lý theo hướng kế thừa hợp lý một số chính sách của Luật hiện hành, quy định rõ hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; sửa đổi, bổ sung, chuyển một số nội dung về phát triển công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ; chỉnh lý quy định rõ hơn về chính sách phát triển nguồn nhân lực.
Đối với vấn đề đổi mới công tác quản lý, thẩm định và cấp Giấy phép phân loại phim, căn cứ yêu cầu thẩm định, phân loại đối với từng loại phim, điều kiện thực hiện, thẩm quyền và thực tế quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh, dự thảo Luật quy định Bộ VH-TT&DL cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trên toàn quốc; UBND cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trên địa bàn quản lý. Quá trình xin ý kiến cơ bản nhận được sự đồng thuận của các địa phương, các cơ quan, tổ chức và các cơ sở điện ảnh.
Về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, dự thảo Luật bổ sung quy định về các hình thức đầu tư về vốn theo Luật Đầu tư; quy định cụ thể tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với cơ sở điện ảnh của Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim không vượt quá 51% vốn điều lệ để bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế và phù hợp yếu tố đặc thù của ngành điện ảnh…
Về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam, Dự thảo Luật đã mở rộng chủ thể được tổ chức các cuộc liên hoan, giải thưởng, cuộc thi phim. Liên hoan Phim Việt Nam và Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội nhằm định hướng tác phẩm nghệ thuật điện ảnh, định hướng sáng tác trong lĩnh vực nghệ thuật.
P.B.T (tổng hợp)