Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Tránh gây tốn kém, lãng phí cho cả cơ sở khám, chữa bệnh lẫn người bệnh
(BL-KP) Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 13/6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Quốc hội dành toàn bộ thời gian để thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Để hoàn thiện dự án Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về 9 nhóm vấn đề trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội. Đó là các chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề; sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam; các quy định liên quan đến người hành nghề khám, chữa bệnh; kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh... và các vấn đề được các đại biểu quan tâm.
Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 13/6 do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn điều hành. Ảnh: T.L
Góp ý liên quan đến dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) đề nghị cần phải xem xét để mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để làm cơ sở cho việc quy định trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên quan cũng như bao phủ quản lý được hết các hoạt động cung ứng dịch vụ. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan của Nhà nước trong việc đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực y tế và các chế độ chính sách đặc thù cho cán bộ và nhân viên y tế phục vụ tại các vùng này, nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ việc chăm sóc sức khỏe theo quy định tại Điều 38 của Hiến pháp.
Đối với những vấn đề cụ thể, đại biểu Hoa Ry đề nghị Ban soạn thảo nên bổ sung quyền của người bệnh được khiếu nại đối với những sai sót về chất lượng dịch vụ, hay về thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Đây là một trong những quyền của công dân được Hiến pháp ghi nhận. Nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm điều kiện cấp giấy phép hành nghề tại Điều 19 là phải sinh hoạt trong một hội nghề nghiệp như Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Y học các tỉnh, thành phố, các hội chuyên ngành… Đối với việc chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc tại Điều 54, đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung nội dung liên quan đến việc khai thác, sử dụng kết quả cận lâm sàng từ các cơ sở y tế khác trong quá trình khám, chữa bệnh. Tức là đảm bảo thực hiện chủ trương liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, tránh việc lạm dụng các kỹ thuật cận lâm sàng, gây tốn kém, lãng phí cho cả cơ sở khám, chữa bệnh lẫn người bệnh.
Cùng có ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét lại việc loại trừ nội dung “các hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe bao gồm sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh, tật và các can thiệp để hạn chế tỷ lệ mắc bệnh, tật” ra khỏi phạm vi điều chỉnh cần cân nhắc kỹ hơn. Bởi lẽ, hiện nay tình trạng người dân khám sức khỏe tổng quát định kỳ thông qua các biện pháp xét nghiệm sàng lọc để kịp thời phát hiện sớm các bệnh là rất phổ biến. Cần được xem các hoạt động này là một trong những hoạt động “khám bệnh, chữa bệnh”, điều này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, thực hiện phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh cũng băn khoăn với tình trạng cán bộ, nhân viên y tế ở nhiều nơi đã và đang xin nghỉ việc với nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân mức lương thấp không đảm bảo cuộc sống (theo thống kê, trong năm 2021 có 420 viên chức y tế thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế xin thôi việc; và tại các bệnh viện trực thuộc các Sở Y tế là 4.864 người). Bên cạnh đó, mức phụ cấp cho cộng tác viên y tế ở thôn, ấp, bản, buôn, làng, sóc theo quy định hiện hành chỉ dao động từ 447.000 - 745.000 đồng/tháng. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn đến chính sách cho đội ngũ này để họ có thêm điều kiện, an tâm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ, qua đó góp phần trong hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tốt hơn.
Chiều 13/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
- Quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Tăng cường công tác y tế đảm bảo đón tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Mức xử phạt hành chính với hành vi vi phạm quy định về môi giới bảo hiểm
- Huyện Đông Hải: Vận động Quỹ Vì người nghèo được hơn 2 tỷ đồng
- Tập trung triển khai Dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số