Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5, Quốc hội làm việc ở hội trường để nghe và thảo luận về một số dự án Luật.
Quốc hội bàn giải pháp thuận lợi, minh bạch cho kinh doanh bảo hiểm. Ảnh: quochoi.vn
Đề nghị bổ sung xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú đối với một số đối tượng
Buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); đồng thời thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bạc Liêu có 2 ý kiến của 2 ĐBQH tại hội trường. Trong đó, ĐBQH Trần Thị Thu Đông đề nghị bổ sung xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) đối với kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia, soạn giả sân khấu. Đại biểu bày tỏ đồng thuận với việc xét danh hiệu thi đua đối với các nghệ sĩ nhiếp ảnh, kiến trúc và soạn giả của lĩnh vực sân khấu được quy định tại khoản 1 Điều 66 của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần đưa vào trong Luật danh hiệu Kiến trúc sư nhân dân, Kiến trúc sư ưu tú hoặc phong tặng là NSND, NSƯT vì lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo. Mỗi tác phẩm nghệ thuật có thể góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa. Ngoài ra, nhà văn cũng là nghệ sĩ, chiến sĩ trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Họ cũng nên là đối tượng được xem xét phong tặng các danh hiệu cao quý.
ĐBQH Trần Thị Thu Đông phát biểu tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn
Cùng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Huy Thái đề nghị không phân biệt giữa nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn trong đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Đại biểu ủng hộ phương án mở rộng đối tượng được trao danh hiệu “NSND, NSƯT”. Việc xét tặng Danh hiệu NSND, NSƯT cho những người hoạt động văn học, nghệ thuật có đủ điều kiện là hình thức tưởng thưởng xứng đáng, có tác dụng to lớn trong việc tạo động lực hoạt động văn hóa, nghệ thuật và cống hiến của giới văn nghệ sĩ; để rồi cho ra những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có chất lượng cao; bồi bổ tâm hồn và tình yêu quê hương, đất nước cho Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Thống nhất cách sử dụng và xác định rõ nội hàm thuật ngữ
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), ĐBQH Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại việc phân chia các loại hình bảo hiểm sao cho thống nhất theo hướng tiếp cận đối với loại hình bảo hiểm khác nhau như: bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ; bảo hiểm bắt buộc, tự nguyện; bảo hiểm tài sản, bảo hiểm con người… Đại biểu cũng đặt vấn đề về việc sử dụng các thuật ngữ tỷ lệ “an toàn vốn” và “an toàn tài chính” giống hay khác nhau? Ngoài ra, đối với tỷ lệ “an toàn tài chính”, đại biểu Hoa Ry băn khoăn: tỷ lệ này sẽ có giá trị gì trong việc áp dụng các biện pháp can thiệp của Bộ Tài chính? Hiện tại cũng chưa có sự thống nhất giữa các luật có liên quan nên ĐBQH đề nghị cần thống nhất cách sử dụng thuật ngữ, xác định rõ nội hàm, phạm vi của “an toàn vốn” và “an toàn tài chính” trong các điều luật.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định tại chương Quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng hiệu quả hơn, ban hành chính sách bảo hiểm, cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm…
ĐBQH Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại hội trường chiều 27/5. Ảnh: quochoi.vn
Cần quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở tư nhân
Trước đó, ngày 26/5, trong phiên thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh đã có ý kiến thảo luận về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tán thành sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Lê Thị Ngọc Linh cho biết, sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 không còn phù hợp với thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan; việc áp dụng một số quy định còn khó khăn, vướng mắc. Do đó, cần phải được điều chỉnh, cập nhật và quy định cụ thể hơn để phù hợp với tình hình thực tế trong công tác khám bệnh, chữa bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Liên quan đến quy định về thời hạn của giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh đề nghị cần quy định thời hạn của giấy phép hành nghề để tăng cường kiểm soát trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề. Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh đề nghị cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân nhằm đảm bảo sự thống nhất đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân giúp người bệnh dễ tiếp cận và cũng có được thông tin rõ hơn khi tham gia dịch vụ điều trị bệnh tại các cơ sở tư nhân.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến chính sách cho đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là đội ngũ ở cơ sở; các trạm y tế xã phường, thị trấn và đội ngũ y, bác sĩ được luân chuyển về các địa phương vùng sâu, vùng xa,… Có biện pháp cụ thể sớm cải thiện tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế cần có định hướng và giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo đối với lực lượng y sĩ, điều dưỡng, từ đó nâng cao tay nghề, công tác chuyên môn cho đội ngũ này, góp phần tạo thêm nguồn lực cho ngành Y tại cơ sở.
Kim Phượng