Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá, đưa Bạc Liêu phát triển nhanh, bền vững
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI đã thành công tốt đẹp và mở ra một giai đoạn mới cho Bạc Liêu chủ động tăng tốc, bứt phá. Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm và những đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, Báo Bạc Liêu đã ghi nhận những ý kiến, đề xuất và giải pháp tâm huyết để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và đột phá quan trọng này.
Đại biểu Nguyễn Chí Thiện - Bí thư Huyện ủy Phước Long: Xây dựng nông thôn mới phải tạo sức lan tỏa trong Nhân dân
Cuối năm 2010, huyện Phước Long vinh dự được Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chọn là một trong 5 huyện chỉ đạo điểm của cả nước về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện gặp không ít khó khăn, nhất là về nguồn lực, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, sức cạnh tranh hàng hóa thấp… Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ngành, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh; với nỗ lực quyết tâm cao của Đảng bộ, Chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đề ra các giải pháp hữu hiệu, thiết thực phù hợp với điều kiện thực tế của huyện, tập trung tuyên truyền tạo sự thống nhất cao trong các ngành, các cấp, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong quá trình triển khai thực hiện…
Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, Đảng bộ huyện Phước Long rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, phải tranh thủ mọi nguồn lực, nhất là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện; sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ; phát động sâu rộng phong trào, tạo sức lan tỏa lớn, được Nhân dân đồng thuận hưởng ứng tham gia tích cực, từ đó phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao sẽ đạt kết quả cao nhất.
Hai là, Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, mà chủ thể là Nhân dân. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động để cán bộ và Nhân dân nhận thức rõ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới là người dân. Người dân phải tự làm là chính và họ là người được hưởng thụ, Nhà nước chỉ có vai trò hỗ trợ, lợi ích của người dân là động lực và sự tham gia của cộng đồng dân cư là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công.
Ba là, phải thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, đảm bảo công khai cho các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên và mọi người dân được tham gia đóng góp xây dựng, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Phát huy vai trò giám sát của Ban giám sát cộng đồng để đảm bảo chất lượng công trình, phát huy hiệu quả vốn đầu tư để Nhân dân tin tưởng và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Bốn là, phải lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện của huyện, chọn điểm chỉ đạo và xây dựng mô hình chỉ đạo, trong đó lựa chọn những xã điểm có ưu thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội để xây dựng điển hình, qua đó, đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đồng thời là nơi tham quan, học tập cho cán bộ và người dân trực tiếp nhìn thấy hiệu quả, lợi ích của việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Năm là, phải thường xuyên sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có nhiều đóng góp xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên diễn đàn và trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên hệ thống truyền thanh, cống thông tin điện tử của huyện.
* Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT: Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước
Đối với tỉnh Bạc Liêu, nuôi trồng thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt mô hình nuôi tôm siêu thâm canh là điểm nhấn và tạo ra bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Năm 2020, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh là 25.800ha, tăng 31,41% so với năm 2015 (trong đó nuôi siêu thâm canh năm 2020 là 2.250ha, tăng gấp 29,6 lần so với năm 2015). Đến nay, Bạc Liêu là tỉnh có nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao hàng đầu quốc gia và có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á (tỉnh có 4 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 7 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản). Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao cho năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm thông thường; trong chuyển dịch cơ cấu mô hình canh tác tôm - lúa đều tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng (năm 2020 diện tích 39.578ha, tăng 10.000ha so với năm 2015) - đây là mô hình phát triển bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa. Bạc Liêu còn là tỉnh đứng đầu khu vực ĐBSCL và là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao (chiếm hơn 50% của vùng ĐBSCL và khoảng 20% cả nước), có 23 nhà máy chế biến, xuất khẩu tôm với tổng công suất thiết kế 135.000 tấn/năm, đứng thứ 3 cả nước. Đã đầu tư hoàn thành gần 90% hạ tầng kỹ thuật Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và tuyển chọn được 9 doanh nghiệp, nhà đầu tư vào khu này.
Nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra là: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; xây dựng mô hình nông nghiệp điển hình dựa trên các lợi thế, đặc thù của tỉnh. Sở NN&PTNT sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; trọng tâm là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất sạch, hữu cơ. Phát triển các đối tượng chủ lực theo VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao…; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo môi trường, dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh để giảm thiểu rủi ro, nâng cao thu nhập cho người nuôi.
Bên cạnh đó, tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, tôm - lúa... có các giải pháp hiệu quả hơn xử lý môi trường trong nuôi tôm. Thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tập trung xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp, chất lượng, thuận thiên, phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh; xây dựng mối liên kết bao tiêu bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân, chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao, tôm sạch mang thương hiệu Bạc Liêu; xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, sạch bệnh. Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thủy lợi, nhất là hệ thống công trình phân ranh mặn - ngọt; các ô đê bao khép kín; hệ thống trạm bơm điện vừa và nhỏ... đáp ứng được yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP.
* Ông Phan Văn Sáu - Giám đốc Sở Công thương: Đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi đầu tư phát triển năng lượng sạch
Hiện nay, cùng với các dự án điện gió đang hoạt động và đã khởi công - thi công, Bạc Liêu đang trình bổ sung thêm 2 dự án điện gió với tổng công suất 200MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Còn lại đề nghị đưa vào Quy hoạch điện VIII với tổng quy mô công suất các nguồn điện là 8.690,6MW (trong đó: điện gió là 7.160,6MW, điện mặt trời là 1.500MW, điện sinh khối là 30MW) để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, Bạc Liêu đã mời gọi, thu hút được Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu công suất 3.200MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh; tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và nhà đầu tư đang khẩn trương triển khai các thủ tục có liên quan, phấn đấu khởi công vào đầu năm 2021, vận hành tổ máy đầu tiên 750MW vào năm 2024 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2027.
Có thể nói, các dự án năng lượng này khi đưa vào khai thác sẽ đóng góp giá trị gia tăng rất lớn cho ngành công nghiệp của tỉnh và tạo nên khâu đột phá rất quan trọng thúc đẩy phát kinh tế - xã hội, cũng như góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách. Qua đó, tạo nên những tiền đề vững chắc đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của quốc gia.
Để thực hiện thắng lợi đột phá quan trọng này, Sở Công thương sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị của Bộ Công thương tổng hợp đưa vào Quy hoạch điện VIII các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải 500kV, 220kV; đẩy nhanh công tác lập Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trong đó có tích hợp quy hoạch phát triển năng lượng, đặc biệt trong phân ngành Điện, đảm bảo tính ổn định, đồng bộ và linh hoạt, gắn kết với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và một số ngành khác); kịp thời rà soát các quy hoạch liên quan trên địa bàn để tránh chồng lấn, ảnh hưởng đến việc bố trí quỹ đất cho các dự án năng lượng, đảm bảo thực hiện theo quy hoạch được duyệt.
Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh; kể cả chính sách đặc thù phải thống nhất đồng bộ, cụ thể, dễ hiểu, dễ làm; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái. Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong tỉnh, chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường.
Song song đó, đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi đầu tư để huy động mọi nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư các dự án năng lượng, nhà máy sản xuất trang thiết bị về điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh để cung cấp cho các tỉnh, thành trong cả nước (vốn của các doanh nghiệp trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn vay ưu đãi...); đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Ngoài ra, kịp thời hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để có đất sạch triển khai thực hiện các dự án năng lượng; giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án theo kế hoạch…
- Ngân hàng BIDV chi nhánh Bạc Liêu: Mang tết đến với 500 hộ dân bị thiệt hại do thiên tai
- Huyện Hồng Dân: Tặng 135 suất quà tết cho hộ nghèo, cận nghèo
- Lãnh đạo tỉnh thăm gia đình thanh niên chuẩn bị nhập ngũ
- Báo Bạc Liêu triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Tổng kết Tết Quân - dân năm 2025 tại xã Định Thành