Sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính: Bước đi chiến lược cho sự phát triển bền vững

Thứ Sáu, 28/03/2025 | 16:30

Việc sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính (ĐVHC) là một chủ trương lớn, mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, nhằm xây dựng một nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Đây không chỉ là một nhiệm vụ chính trị quan trọng mà còn là bước đi cần thiết để tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Chủ trương đúng đắn, cách làm bài bản

Chủ trương sắp xếp, tinh gọn ĐVHC được thực hiện theo Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Mục tiêu đặt ra là giảm đầu mối, giảm biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Để thực hiện chủ trương này, các cấp chính quyền đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên cả nước. Từ đó, xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC không đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số và các tiêu chuẩn khác. Việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ CBCCVC sau khi sáp nhập cũng được thực hiện một cách bài bản, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Việc sắp xếp, tinh gọn ĐVHC mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển lâu dài của đất nước. Trước hết, nó tạo ra một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn, giúp nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Tiếp đến là việc tiết kiệm chi ngân sách nhà nước từ việc giảm đầu mối, giảm biên chế sẽ tạo điều kiện để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Thứ ba, việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC sẽ giúp nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân. Cuối cùng, việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ công sẽ góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước.

Người dân đến liên hệ làm việc tại UBND Phường 8 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: N.Q

Cả hệ thống chính trị nước ta đang khẩn trương triển khai nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Giai đoạn 1 đã hoàn thành việc sắp xếp các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và một số luật. Nếu việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được thông qua, ĐVHC cấp huyện sẽ không còn. Song song đó, sẽ diễn ra việc sáp nhập, hợp nhất một số ĐVHC cấp tỉnh và sắp xếp ĐVHC cấp xã.

Cán bộ, Nhân dân đồng thuận

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, việc định hướng sáp nhập tỉnh, thành phố ven biển được xem là một bước đi chiến lược, mở ra nhiều cơ hội phát triển vượt bậc. Hầu hết các tỉnh, thành sau gộp lại đều sở hữu những vùng biển mang ý nghĩa chiến lược sâu sắc, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cho quốc gia.

Việc hợp nhất giúp mở rộng đáng kể không gian ven biển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch và phát triển các ngành kinh tế biển đa dạng như: du lịch, vận tải biển, khai thác khoáng sản và nuôi trồng thủy sản. Các trung tâm kinh tế biển mạnh mẽ sẽ được hình thành, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế. Lợi thế giao thông đường biển được tận dụng tối đa, tối ưu hóa hệ thống cảng biển và logistics, nâng cao hiệu quả xuất, nhập khẩu. Vị thế cửa ngõ giao thương quan trọng với thế giới được củng cố. Bờ biển dài và nhiều bãi biển đẹp là tiềm năng du lịch biển vô giá. Kết hợp giúp tạo ra các khu du lịch biển tích hợp, đồng bộ, thu hút đầu tư và khách du lịch.

Việc nhập chung lại giúp tập trung nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ, tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển KT-XH. Tình trạng phân tán nguồn lực, chồng chéo quy hoạch và kém hiệu quả sẽ được khắc phục. Quy mô kinh tế lớn hơn, năng lực quản lý tốt hơn, các tỉnh, thành phố sau sáp nhập sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ. Phát triển KT-XH một cách bài bản, đồng bộ, đảm bảo tính bền vững là mục tiêu hàng đầu. Việc bảo vệ môi trường biển và ứng phó với biến đổi khí hậu được đặc biệt chú trọng.

Định hướng hợp nhất các địa phương cấp tỉnh của Bộ Chính trị không ngoài mục đích phát triển kinh tế biển tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Chất lượng dịch vụ công và cơ sở hạ tầng được cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Quốc phòng - an ninh trên biển được tăng cường, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.

Chủ trương sắp xếp, tinh gọn ĐVHC nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, Nhân dân. Họ nhận thức được đây là một việc làm cần thiết để xây dựng một nền hành chính hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, việc sáp nhập cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là xáo trộn về tổ chức bộ máy. Việc sắp xếp lại tổ chức, CBCCVC đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và giải pháp toàn diện để đảm bảo tính ổn định và hiệu quả. Cho nên, đã có một số ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về những xáo trộn, bất tiện trong thời gian đầu sau khi hợp nhất. Họ mong muốn các cấp chính quyền đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ công không bị gián đoạn và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho CBCCVC bị ảnh hưởng.

Việc sắp xếp, tinh gọn ĐVHC là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn xã hội. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của Nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng chủ trương này sẽ thành công, góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của đất nước.

Dự kiến, 11 tỉnh, thành phố giữ nguyên, 52 ĐVHC cấp tỉnh thuộc diện sáp nhập, trong đó có toàn bộ 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sau sắp xếp, dự định số lượng ĐVHC cấp tỉnh là 34 và ĐVHC cấp xã giảm từ 60 - 70% so với hiện nay. Quốc hội sẽ xem xét và thông qua nghị quyết về việc sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh trước ngày 30/6, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ thông qua nghị quyết về sắp xếp, tổ chức lại cấp xã trước cùng thời điểm. Các nghị quyết về sắp xếp, sáp nhập tỉnh và xã sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.

Văn Quốc - Tiến Phước

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.