Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
SUY NGẪM ĐÔI ĐIỀU VỀ CHỮ LIÊM XƯA VÀ NAY
Từ xưa đến nay, khái niệm về chữ liêm dùng để chỉ phẩm chất con người sống trong sạch, coi của cải là phù du, trọng đức hạnh là cao cả. Cổ nhân dạy, những người làm quan phải thi hành liêm thiện (thanh liêm và lương thiện). Liêm nay (thanh liêm và năng động), liêm kính (thanh liêm và kính cẩn), liêm chính (thanh liêm và pháp độ), liêm biên (thanh liêm và biết cách tổ chức).
Ai không giữ được chữ liêm đến cùng gọi là bất liêm. Người bất liêm sẽ phải mắc 10 tội lỗi: Thập khiêm ham của cải, mê gái đẹp, hay chơi bời, thích săn bắn, kinh nhờn lời thánh, làm trái sự ngay thẳng, xa lánh bậc tài cao đức trọng, hành động như một đứa trẻ mất dạy. Theo Khổng Tử, người quân tử muốn làm điều nhân nghĩa mà không tư lợi, phải là người cần kiệm liêm khiết để thủ lợi, không lấy quyền hành mưu lợi riêng, không chứa đầy túi tham mới có thể làm tốt việc phụng sự dân.
Ngay sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước ta bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ. Báo Cứu Quốc ngày đó có đăng bài của Bác Hồ, trong đó có nói về chữ liêm như sau: “Liêm là trong sạch không tham lam”. Đồng thời, Người còn nêu rõ những biểu hiện trái với chữ liêm “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, tham sống yên… đều là bất liêm”.
Người nhấn mạnh: “Cán bộ cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút hoặc trộm của công làm của tư”. “Người buôn bán mua gian bán lận, chợ đen, đầu cơ tích trữ”. “Người có tiền cho vay cắt cổ, bóp bụng đồng bào”. Người làm nghề nhân lúc Nhân dân khó khăn mà bắt chẹt”. “Mong xoay của người làm của mình đều là bất liêm”.
Như vậy, nội dung chữ liêm xưa nay là sống cho thanh bạch, kể cả đời sống vật chất và tinh thần. Người biết giữ chữ liêm thì tinh thần sáng suốt, nhìn xa trông rộng, giữ được Đức - Trí và giữ được tiếng thơm lâu dài. Gia Cát Lượng (Trung Quốc) viết: Đạm bạc do mình trí, ninh tính di trí viễn (đạm bạc thì sáng suốt, yên tĩnh thì nhìn xa). Nguyễn Trãi giữ phẩm chất người “Chăn dân”, “Mãi chẳng khuyết muộn chẳng đen” và quen cuộc sống đạm bạc, từ chối của phi nghĩa “Cơm kẻ bất nhân ăn ấy chớ, áo người vô nghĩa mặc chẳng thà” và với Nguyễn Bỉnh Khiêm “Lòng chẳng mắc tham là của quý”, Bác Hồ cũng tâm niệm “Ở ăn thanh đạm nhẹ người, việc làm tháng rộng ngày dài ung dung”.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, bên cạnh những tấm gương sáng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, vẫn còn nhiều kẻ tham lam, nhũng nhiễu dân. Những kẻ không biết đến chữ liêm, chỉ biết đục khoét của cải, làm giàu trên xương máu, mồ hôi, nước mắt của dân lành, ắt sẽ sa vào vòng lao lý, để tiếng xấu ở đời.
Bác Hồ dạy: Để thực hiện chữ liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát giáo dục và luật pháp từ trên xuống, từ dưới lên. Cán bộ phải thực hiện chữ liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân. Dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ để giúp cán bộ thực hiện chữ liêm, pháp luật phải thẳng tay trừng trị kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở cương vị nào, làm nghề gì.
Nguyễn Hiền Lương