Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Tăng cường công tác truyền thông giảm nghèo về thông tin
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình), Bạc Liêu đã và đang chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện các dự án, tiểu dự án. Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu GNBV.
Sở LĐ-TB&XH thông tin, tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021- 2025 tại huyện Phước Long.
Nhiều hoạt động tuyên truyền
Tình trạng nghèo về thông tin không những gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước trong thực hiện Chương trình mà còn gây thiếu hụt thông tin về đời sống, kinh tế - xã hội. Do đó, để bù đắp những thiếu hụt về thông tin, Chương trình đã đặt ra trọng tâm truyền thông và giảm nghèo về thông tin (Dự án 6). Mục tiêu của Dự án là tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu GNBV; tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.
Để triển khai thực hiện Chương trình đạt được mục tiêu như đã đề ra, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, ban hành các văn bản, hướng dẫn, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về Chương trình. Nhiều hoạt động truyền thông nhằm giảm nghèo về thông tin đã được triển khai ở hầu hết các ngành, địa phương góp phần tích cực trong kết quả GNBV tại mỗi địa phương trong tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 100% tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ), trong đó có 64 tổ CNSCĐ cấp xã và 512 tổ CNSCĐ cấp khóm, ấp với hơn 4.177 thành viên. Nhiệm vụ của các thành viên trong tổ là tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến người dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống. Từ sự hỗ trợ của các thành viên tổ CNSCĐ, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đã biết cập nhật thông tin từ các phương tiện truyền thông, báo, đài, mạng xã hội... để học hỏi kinh nghiệm về trồng trọt và chăn nuôi, những mô hình kinh tế hiệu quả, kiến thức hữu ích để áp dụng, từ đó có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước tiếp cận, hòa nhịp chuyển đổi số.
Nhân viên Vinaphone Bạc Liêu hướng dẫn người dân cập nhật mô hình sản xuất qua thiết bị điện thoại di động. Ảnh: T.Q
Đa dạng các hoạt động truyền thông
Đẩy mạnh truyền thông là một trong những cách để GNBV, với tầm quan trọng đó, trong những năm qua, công tác truyền thông về Chương trình đã được Sở TT-TT phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với tình hình thực tiễn từng cơ sở. Thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều cuộc tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, tuyên truyền viên khóm, ấp về Chương trình trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2024, Sở TT-TT phối hợp với Báo Bạc Liêu thực hiện 21 bài viết và Đài PT-TH Bạc Liêu thực hiện 8 phóng sự; tổ chức in 4.500 cuốn cẩm nang tuyên truyền về chính sách, Chương trình… Qua đó, kịp thời chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp các địa phương triển khai chính sách kịp thời, đầy đủ và giúp người nghèo, giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số hiểu, tiếp cận được thông tin, chính sách, học tập những tấm gương để vươn lên thoát nghèo.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về Chương trình, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông với các hình thức, phương thức phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm tập quán và khả năng ngân sách của địa phương, như: sản xuất các ấn phẩm truyền thông, tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp về công tác giảm nghèo nói chung và thực hiện Chương trình nói riêng... Các địa phương trong tỉnh còn phát huy hiệu quả hệ thống thông tin cơ sở thông qua việc xây dựng các chương trình phát thanh phù hợp với đặc điểm của địa phương mình, tuyên truyền đến đông đảo người dân về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, nhằm nâng cao nhận thức giảm nghèo đối với người nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Các chương trình đã được phát trên hệ thống loa truyền thanh của cơ sở.
Cùng với đó, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, huyện, thị xã cũng tích cực đưa nhiều tin, bài, hình ảnh phản ánh nội dung về kết quả đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, các nhiệm vụ của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể về những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để GNBV giai đoạn 2021 - 2025.
Thực hiện truyền thông về giảm nghèo đa chiều, 10 tháng qua, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức được 21 lớp và 166 cuộc truyền thông cho gần 11.000 người nắm bắt về công tác giảm nghèo tại các huyện, thị xã, thành phố. Tại các cuộc tiếp xúc, không chỉ được cung cấp thông tin về Chương trình với các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, các cán bộ làm công tác giảm nghèo, các hộ nghèo, cận nghèo còn được chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, những mô hình phát triển kinh tế phù hợp… để có thêm động lực, nguồn lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thông qua hoạt động truyền thông, thông tin nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và người dân về công tác giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực; các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời, đầy đủ đến tận người dân, có hiệu quả và đúng quy định; người nghèo được tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi, phát huy tác dụng của các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, tín dụng, thông tin, điện, nước sạch - vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, nhà ở và các hỗ trợ đột xuất khác… Những hoạt động đó thật sự góp phần giúp đỡ người nghèo có thêm nhận thức, năng động cải thiện đời sống, vượt qua khó khăn để thoát nghèo.
Giảm nghèo về thông tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong “bức tranh” tổng thể về Chương trình, để Chương trình thật sự đi vào chiều sâu, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, các cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin trong Chương trình; tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của các Đài Truyền thanh; nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình tại địa phương để đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người nghèo, hộ nghèo và cận nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để thoát nghèo bền vững, từng bước tiếp cận, sử dụng các nền tảng, dịch vụ số của tỉnh đang triển khai.
Minh Luân
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ
- Bổ nhiệm bà Đỗ Ái Ngọc giữ chức Phó Chánh Thanh tra tỉnh
- Giải bóng đá mi ni chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam
- Đảng bộ Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu báo công dâng Bác
- Trao chứng chỉ bồi dưỡng tiếng Khmer cho 58 học viên