Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Tăng tốc thực hiện các nghị quyết chuyên đề
Sau đại hội Đảng bộ tỉnh và các địa phương thành công tốt đẹp, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược được đã đề ra. Tuy nhiên, ngay từ đầu nhiệm kỳ và kéo dài cho đến năm 2021, cả Đảng bộ tỉnh phải chung tay cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 nên việc cụ thể hóa các nghị quyết còn chậm so với kế hoạch. Do vậy, năm 2022 được xem là thời điểm tập trung thực hiện tốt các nghị quyết trên tinh thần khẩn trương, tăng tốc gắn với khôi phục lại nền kinh tế sau đại dịch.
Công ty Cổ phần Hacom Bạc Liêu thi công công trình điện gió trên địa bàn huyện Hòa Bình.
TÍCH CỰC THỰC HIỆN
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết chuyên đề gắn với 3 đột phá mà BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã đề ra, các huyện thị, thành phố đang khẩn trương cụ thể hóa các nghị quyết quan trọng này bằng các chương trình, kế hoạch, chỉ thị gắn với thực tiễn sinh động của địa phương. Qua đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tích cực thi đua hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.
Điển hình như huyện Hòa Bình đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Theo đó, Hòa Bình tập trung phát triển năng lượng sạch với trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, góp phần trong phát triển năng lượng sạch tỉnh Bạc Liêu và cung cấp năng lượng cho quốc gia. Đồng thời, phát triển năng lượng gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế biển, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Để hoàn thành mục tiêu quan trọng này, huyện Hòa Bình sẽ đẩy nhanh công tác lập quy hoạch vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có tích hợp quy hoạch phát triển năng lượng, đặc biệt trong phân ngành điện, đảm bảo tính ổn định, đồng bộ và linh hoạt, gắn kết với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương và một số ngành khác.
Với mục tiêu khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh gắn với thực hiện tốt Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025, Huyện ủy Hồng Dân đã chủ động ban hành Nghị quyết 04 về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững và xây dựng huyện trở thành trung tâm sản xuất lúa, xuất khẩu gạo đến năm 2025. Để thực hiện tốt nghị quyết này, huyện Hồng Dân tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa, chuyển dần sang sản xuất lúa chất lượng cao. Chủ động liên kết sản xuất, chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng lớn, tổ bơm tát, hình thành nhiều ô đê bao khép kín. Từng bước cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi phương thức, nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện điều kiện làm việc cho nông dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh học, nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững, tiết kiệm chi phí đầu vào để tăng năng suất cũng như giá trị hàng hóa. Triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm đặc trưng từng xã, phấn đấu mỗi xã có ít nhất một sản phẩm chủ lực. Giữ vững ổn định 2 vùng sản xuất gồm vùng ngọt ổn định và vùng chuyển đổi. Đồng thời, mở rộng và phát triển vùng chuyển đổi theo hướng luân canh cây lúa trên diện tích nuôi trồng thủy sản (mô hình tôm - lúa với diện tích từ 23.000 - 25.000 ha/năm), lấy tôm sú, lúa chất lượng cao và lúa Một bụi đỏ làm trọng tâm…
Cùng với các nghị quyết về phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng đô thị cũng được các địa phương quan tâm thực hiện. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 07 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng TX. Giá Rai trở thành thành phố vào năm 2025, Thị ủy Giá Rai đã ban hành Nghị quyết 02 về xây dựng TX. Giá Rai đạt đô thị loại III và trở thành thành phố vào năm 2025. Mục tiêu chung của Nghị quyết này là xây dựng Giá Rai trở thành đô thị vệ tinh về kinh tế, thương mại của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng; thương mại - dịch vụ; phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với tính chất đô thị. Quy hoạch mở rộng không gian đô thị, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại. Định hướng xây dựng thị xã đạt đô thị loại III và trở thành thành phố vào năm 2025, là đô thị vệ tinh, cầu nối giữa TP. Bạc Liêu và TP. Cà Mau. Tạo bước đột phá trong phát triển đô thị, đồng thời kết hợp bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát triển hài hòa cùng với các đô thị lân cận khác…
Du khách tham quan vườn hoa Huỳnh ở huyện Vĩnh Lợi.
CẦN ƯU TIÊN GIẢI NGÂN VỐN
Việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề và các chương trình, kế hoạch hành động của các địa phương đều có liên quan đến sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư và tập trung sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư công, nhất là tập trung giải ngân cho hết vốn theo đúng kế hoạch, nhằm bổ sung nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2022. Trong quý 1/2022, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra, toàn tỉnh chỉ giải ngân được 368.630/3.268.411 triệu đồng, đạt tỷ lệ 11,28%. Trong khi đó, Chính phủ và UBND tỉnh giao năm nay giải ngân vốn đầu tư công phải đạt 100%.
Thu hoạch tôm càng xanh trên đất lúa ở huyện Hồng Dân. Ảnh: K.T
Để thực hiện tốt các nghị quyết chuyên đề gắn với tiếp tục thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp phải vào cuộc quyết liệt và huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tích cực thực hiện mục tiêu này. Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu được giao năm 2022.
Đặc biệt, phải tập trung thực hiện nghiêm các giải pháp về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra nhưng cũng phải đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch. Các chủ đầu tư tập trung nhân công, thiết bị, vật tư để đẩy nhanh tiến độ đối với các gói thầu đang thực hiện, khi có khối lượng cần hoàn thiện hồ sơ để thanh toán sớm cho các nhà thầu nhằm giảm áp lực về tài chính trong tình hình khó khăn hiện nay. Yêu cầu các chủ đầu tư phải theo dõi sát tình hình, báo cáo tiến độ triển khai thực hiện dự án, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc đến các sở, ngành có liên quan và UBND tỉnh để tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh…
KIM TRUNG
* Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Lợi - Võ Văn Sáu: Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và thu hút các dự án cho phát triển các khu du lịch
Tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch và tạo nên những đột phá mới trong việc phá thế độc canh cây lúa, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, BCH Đảng bộ huyện Vĩnh Lợi đã ban hành Nghị quyết 02 về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Vĩnh Lợi sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trên cơ sở đó, phát động cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong huyện tham gia làm du lịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch của huyện, cung cấp các thông tin cần thiết cho du khách trên các trang mạng xã hội, cổng thông tin điện tử của tỉnh, của huyện...
Phát triển các loại hình giải trí mang tính văn hóa truyền thống, đặc biệt là đờn ca tài tử phục vụ du khách. Sưu tầm và trưng bày các hiện vật truyền thống cách mạng; xây dựng khu trưng bày hiện vật khai quật được từ Tháp cổ Vĩnh Hưng và khuyến khích phát triển các loại hình nghệ thuật của các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa để phục vụ khách tham quan.
Đặc biệt, huyện sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư xây dựng các khu du lịch đã được quy hoạch, nhất là các lĩnh vực mà huyện có thế mạnh. Khuyến khích các nhà đầu tư hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí có quy mô lớn và các dự án về bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị văn hóa, các di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, nghệ thuật, làng nghề truyền thống…
* Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải - Nguyễn Trọng Hán: Đột phá từ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
Để thực hiện thắng lợi một trong 3 đột phá mà Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh đã đề ra, BCH Đảng bộ huyện Đông Hải đã ban hành Nghị quyết 07 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thành các tiêu chí để huyện trở thành thị xã và xem đây là đột phá hàng đầu cho Đông Hải bứt phá và tăng trưởng nhanh. Trong đó, huyện Đông Hải sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường Hộ Phòng - Gành Hào; nâng cấp, mở rộng tuyến đường An Trạch - Định Thành - An Phúc; xây dựng, nâng cấp tuyến đường Trường Điền - Châu Điền; xây dựng mới đoạn từ nút giao nhau đường Giá Rai - Gành Hào nối ra đê biển Đông và nâng cấp, mở rộng tuyến đường đê biển Đông (từ cống Cái Cùng, xã Long Điền Đông đến chùa Linh Ứng, xã Điền Hải).
Cùng với đó là ưu tiên đầu tư xây dựng và nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường theo quy hoạch đã được duyệt. Cụ thể như tuyến đường số 49: Long Điền - Long Điền Tây (cầu Thạnh Trị - kênh Đường Đào - ngã ba Khâu); tuyến đường số 57: Phan Mầu - Cả Xu - Tắc Vân; tuyến đường số 53: An Trạch - An Phúc (Bửu Buối - Hiệp Vinh - dọc theo kênh 9 căn - ngã 3 Long Phú); mở rộng, nâng cấp các tuyến đường về trung tâm xã, ấp liên ấp. Kết hợp lồng ghép các nguồn vốn để tiếp tục đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; tích cực vận động Nhân dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn theo phương thức “dân làm, Nhà nước hỗ trợ” để nâng cao tỷ lệ cứng hóa mặt đường. Đặc biệt là đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm…
* Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long - Trần Văn Liêm: Triển khai các dự án công nghiệp mang tính động lực
Với quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết 10 của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND huyện Phước Long đã tích cực xây dựng kế hoạch để cụ thế hóa nghị quyết này. Theo đó, huyện sẽ tập trung triển khai các dự án công nghiệp mang tính động lực gắn với đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông, nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh và thực hiện có hiệu quả phát triển KT-XH của huyện.
Huyện Phước Long phấn đấu đến năm 2025: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 13 - 14% (tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2025: 13,5%) và đưa tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện (giá hiện hành) đến năm 2025 đạt 21%. Đồng thời, định hướng đến năm 2030: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp đến năm 2030 tăng 13,9% (tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2025 - 2030: 13,9%) và đưa tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện (giá hiện hành) đến năm 2030 đạt 25%.
Để hoàn thành các mục tiêu và chỉ tiêu quan trọng này, huyện sẽ đẩy nhanh công tác lập quy hoạch vùng huyện thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó tích hợp các phương án như: Phương án phát triển điện lực, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phương án phát triển khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; phương án phát triển thương mại; phương án phát triển nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; phương án phát triển vùng nguyên liệu sản xuất ổn định, chất lượng cao… đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, lưỡng dụng và linh hoạt, gắn kết với chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ của địa phương và một số ngành, lĩnh vực khác…
L.D (thực hiện)