Tăng trưởng xanh: Nhu cầu bức thiết cho phát triển bền vững

Thứ Hai, 15/05/2023 | 15:52

Với sự tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng trưởng xanh (TTX) đã trở thành vấn đề sống còn của mỗi quốc gia. Song, để hiện thực hóa mục tiêu, chiến lược TTX và quyết định đến phát triển bền vững không phải là chuyện dễ làm trong điều kiện nhận thức, hành động về TTX còn hạn chế.

Hội thảo Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu Chỉ số xanh cấp tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Trà Vinh.

TĂNG TRƯỞNG THEO HƯỚNG XANH

Xuất phát từ tầm quan trọng của TTX, Chính phủ đã ban hành Chương trình TTX và được cụ thể hóa thông qua Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, khẳng định TTX là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với BĐKH, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững...

Để đảm bảo phát triển bền vững trong TTX, Chính phủ xác định: Đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh. Phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tại Quyết định 1393 phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đề ra 2 nhiệm vụ chiến lược. Thứ nhất là xanh hóa sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hóa sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh. Thứ hai, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.

Từ chỉ đạo này cho thấy, chiến lược TTX là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến kinh tế xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách xuyên suốt của Nhà nước và là một nội dung căn bản của đường hướng phát triển ở Việt Nam hiện nay.

Tiếp đó, đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 403 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia TTX giai đoạn 2014 - 2020. Trong đó, đề ra 4 chủ đề chính, gồm: Xây dựng thể chế và kế hoạch TTX tại địa phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Tiếp nữa là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 73 phê duyệt chủ trương đầu tư 21 chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, có Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và TTX…

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của TTX cho phát triển bền vững, từ rất sớm Bạc Liêu đã chủ động đề xuất Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận rút Dự án Nhà máy nhiệt điện than ra khỏi Quy hoạch điện VII, điều chỉnh để tập trung phát triển năng lượng tái tạo.

Bởi theo Quyết định 428 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII), thì tỉnh Bạc Liêu có 2 nhà máy nhiệt điện than, với tổng công suất là 1.200MW (thuộc Trung tâm Điện lực Bạc Liêu có tổng quy mô công suất là 3.600MW).

Với khát vọng vươn lên trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, thời gian qua tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo lập Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030 được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định 1403 và đến nay Bạc Liêu đang dẫn đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước về phát triển năng lượng sạch. Đến nay, Bạc Liêu đã có 8 nhà máy điện gió đã hoàn thành đưa vào hoạt động cả trên biển lẫn trong đất liền, với tổng công suất trên 469MW. Hằng năm, cùng với đóng góp ngân sách khoảng 450 tỷ đồng, Bạc Liêu còn góp phần giảm phát thải khoảng 1.691.600 tấn CO2. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chiến lược TTX của Chính phủ và giúp Việt Nam thực hiện tốt các cam kết với quốc tế về giảm thiểu khí CO2 ứng phó với BĐKH…

Tuy nhiên, thực hiện chiến lược TTX của Bạc Liêu hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên có lượng phát thải lớn, tình trạng ô nhiễm môi trường, xả thải trong nuôi tôm và lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn khá phổ biến. Do vậy, việc xây dựng các mô hình TTX gắn với thực hiện Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) là điều cần được quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt hiện nay.

Giới thiệu mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước gắn với tăng trưởng xanh tại Hội chợ quốc tế về ngành tôm năm 2023 ở Cần Thơ. Ảnh: K.T

CÔNG CỤ CHO HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH

Năm 2023, cùng với công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) còn công bố Chỉ số PGI như một hợp phần về môi trường được tích hợp trong điều tra PCI 2022.

Tuy mới lần đầu được công bố, nhưng Chỉ số PGI được cộng đồng quốc tế, các địa phương và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Bởi Chỉ số PGI được xem là một công cụ chính sách rất hữu ích, có tác động, bổ trợ tích cực đến việc thực hiện Chỉ số PCI trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện với môi trường, đảm bảo cho phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và các tỉnh khu vực ĐBSCL nói riêng. Đó là sự lựa chọn các dự án đầu tư có hàm lượng TTX cao và kiên định mục tiêu “không vì phát triển nóng mà đánh đổi môi trường” làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững trong tương lai.

Bởi với sự phát triển nhanh về kinh tế và hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng thì cũng đặt ra nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường và phải ứng phó với BĐKH. Do vậy, việc xây dựng một lộ trình phát triển bền vững với “mục tiêu kép” vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ môi trường trở thành nhu cầu bức thiết và buộc phải làm vì sự phát triển bền vững.

Bạc Liêu đang tập trung phát triển, phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần thiết phải có những dữ liệu đáng tin cậy để theo dõi, đo lường tiến trình thực hiện và từ đó xác định các giải pháp chính sách hiệu quả nhất. Đây cũng là lý do chính để việc thực hiện Chỉ số PGI trở thành một công cụ chính sách hữu ích cho các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các địa phương. Đồng thời, cũng là một nguồn thông tin tham khảo tin cậy cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước, vì TTX chính là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư hiện nay khi quyết định đầu tư cho một dự án ở một địa phương có Chỉ số PGI cao. Vì suy cho cùng, sản phẩm đầu ra của hàng hóa còn bị chi phối bởi yếu tố môi trường và trở thành một trong những quy định mang tính bắt buộc ở các nước nhập khẩu hiện nay. Cụ thể, con tôm sản xuất theo quy trình sạch ở vùng sinh thái có cấp giấy chứng nhận ASC giá bán bao giờ cũng cao hơn và thị trường tiêu thụ lúc nào cũng rộng mở hơn.

Xuất phát từ tầm quan trọng đó, Chỉ số PGI gồm 4 chỉ số thành phần: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của BĐKH; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh; chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, Chỉ số PGI đạt khá thấp và có những chỉ số thành phần xếp ở cuối bảng so với các tỉnh khu vực ĐBSCL. Như chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, Bạc Liêu chỉ có 1,39 điểm và nằm ở cuối bảng xếp hạng của khu vực ĐBSCL.

Từ Chỉ số PGI cho thấy, Bạc Liêu cần có ngay các giải pháp căn cơ và mang tính chiến lược hơn trong thực hiện mục tiêu TTX và xem đây là giải pháp quan trọng mang tính hàng đầu trong việc hoạch định chính sách, tái cơ cấu mô hình tăng trưởng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

KIM TRUNG

* Ông Trương Đức Trọng - chuyên gia Ban Pháp chế  VCCI: Kiên quyết không tiếp nhận các dự án đầu tư có rủi ro cao về môi trường


Để thực hiện tốt Chỉ số PGI và hướng đến thực hiện thắng lợi chiến lược TXT của Chính phủ, VCCI khuyến nghị các tỉnh ĐBSCL cần tập trung vào 7 giải pháp cơ bản sau: 
Thứ nhất là gắn kết vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) vào các chiến lược phát triển kinh tế. Đồng thời, đặt các mục tiêu BVMT, ứng phó thiên tai và BĐKH vào trung tâm các chương trình hành động phát triển kinh tế của địa phương.
Thứ hai là huy động sự tham gia của các bên liên quan vào đề xuất, xây dựng, thực thi và giám sát các chính sách liên quan đến môi trường. Thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động liên quan đến vấn đề môi trường ở địa phương.
Thứ ba là trong các gói thầu mua sắm công, các cơ quan nhà nước có thể xây dựng các tiêu chí đánh giá các bên tham gia về đặc điểm doanh nghiệp đó có phải là doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm (responsible business) và có hoạt động sản xuất xanh không.
Thứ tư là thực thi nghiêm túc hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường đã được pháp luật quy định trong các hoạt động như đầu tư, xây dựng, vận hành sản xuất - kinh doanh; tránh để tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường xảy ra phổ biến hoặc trả chi phí không chính thức để tiếp tục vi phạm quy định môi trường.
Thứ năm là phối hợp với mạng lưới các chuyên gia môi trường và các doanh nghiệp kinh doanh xanh để tổ chức các hoạt động tấp huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất xanh và các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cũng như ứng phó với BĐKH.
Thứ sáu là phối hợp giữa các địa phương, các tổ chức quốc tế và các nhóm hoạt động về môi trường trong xây dựng các sáng kiến, chẳng hạn thiết kế các dịch vụ tư vấn và đào tạo về các dịch vụ kinh doanh thân thiện với môi trường, hoặc liên kết chuỗi giá trị kinh doanh xanh.
Và cuối cùng, xây dựng các tiêu chí đánh giá dự án đầu tư ở địa phương với trọng tâm là sàng lọc, lựa chọn các dự án kinh doanh BVMT. Đồng thời, có tiềm năng đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt kiên quyết không tiếp nhận các dự án đầu tư có rủi ro cao về môi trường.

 

* TS. Nguyễn Xuân Khoa - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu: Xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp xanh hơn

Đối với một tỉnh thuần nông như Bạc Liêu thì xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và chủ động thích ứng với BĐKH là rất quan trọng. Đó là xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp xanh hơn, bền vững hơn và hướng đến tất cả mọi người. 
Để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này và góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia về TTX thông qua giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. 
Về thể chế, chính sách thì cần tăng cường hợp tác toàn diện, liên tỉnh trong vùng ĐBSCL và toàn khu vực phía Nam trên nhiều mặt, trên cơ sở tài nguyên nước, đảm bảo cân bằng nước phù hợp với các xu thế diễn biến nguồn nước trong tương lai và phải bảo đảm tính tổng thể, thống nhất, đảm bảo hài hòa, phù hợp với điều kiện nguồn nước của khu vực.
Bên cạnh đó, thực hiện rà soát lại các quy hoạch liên quan, bao gồm các quy hoạch hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành nghề. Đánh giá các nguồn tài nguyên kinh tế, các tác động tới môi trường của các mô hình kinh tế nông nghiệp đã thực hiện trước đây, nhằm rút ra bài học kinh nghiệm, tập trung thực hiện, phát triển những mô hình TTX hiệu quả và xóa bỏ, thay thế những mô hình kém hiệu quả.
Tăng cường công tác quản lý sản xuất, cụ thể có kế hoạch chủ động trong bố trí mùa vụ phù hợp trên cơ sở các kịch bản ứng phó với BĐKH và các dự báo đánh giá tác động của môi trường lên vùng sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, ưu tiên, phát triển và khuyến khích hộ dân, doanh nghiệp tham gia các mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo các tiêu chí GAP (GlobalGAP). Hỗ trợ khuyến khích phát triển các hợp tác xã nông nghiệp xanh, liên kết hợp tác giữa các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, trong tiểu vùng trên cơ sở chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của từng địa phương. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo và trung gian kết nối giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân và doanh nghiệp, nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của các mắt xích trong chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết giữa các hợp tác xã, các đối tượng xã hội tham gia phát triển nông nghiệp theo mô hình TTX.
Đặc biệt, cần hướng tới những công trình đảm bảo được mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh và sạch. Có kế hoạch xây dựng hạ tầng đảm bảo phục vụ phát triển sản xuất hiện đại, tăng năng suất, chất lượng theo hướng xanh đạt chuẩn quốc tế...

L.D (thực hiện)

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.