“Thành đồng Tổ quốc” mãi mãi vang danh

Thứ Sáu, 20/09/2013 | 08:51

“Thành đồng Tổ quốc” là danh hiệu bất tử mà Bác Hồ đã trao cho quân và dân Nam bộ, để tôn vinh sứ mệnh thiêng liêng; một mặt trận mở đầu cho cuộc trường kỳ kháng chiến của toàn dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần dũng cảm chiến đấu, với khí phách hiên ngang của quân và dân Nam bộ đánh tan âm mưu của thực dân Pháp khi quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa…

Đó là những ngày ghi dấu lịch sử hào hùng của quân dân ta bắt đầu từ sáng ngày 23/9/1945, khi pháo hỏa phát sáng, mở đầu cho ngày Nam bộ kháng chiến. Ngay lập tức, những cuộc tấn công phủ đầu của quân và dân ta làm giặc Pháp mất ăn mất ngủ và bị tiêu hao lực lượng thật bất ngờ. Cùng với đó, theo lệnh của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, cả Sài Gòn đình công. Lực lượng kháng chiến hình thành ngày càng đông và khí thế chiến đấu ngày càng hăng say, quyết liệt. Lời hiệu triệu của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ được vang lên từ giây phút đầu tiên ở phố Cây Mai (Chợ Lớn), đã được sự ủng hộ hết lòng từ mọi người dân, trẻ con đến người già; tất cả đều sẵn sàng lao vào cuộc chiến sinh tử, đúng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mà sau này đã diễn ra trên đường phố Hà Nội, vào ngày toàn quốc kháng chiến.

Dân quân cứu quốc Nam bộ luyện tập chuẩn bị kháng chiến. Ảnh: T.L

Theo lời kêu gọi của Bác Hồ: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, quân và dân Nam bộ đã thể hiện đúng tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng cho cuộc sống độc lập, tự do. Các chiến sĩ đã giáng cho giặc Pháp và bọn tay sai những đòn chí mạng, cho dù trong tay binh khí còn thô sơ và ít ỏi. Nhưng với tinh thần chiến đấu quả cảm, quân và dân Nam bộ đã nhanh chóng tiêu diệt được 200 tên, ngay từ trận đánh đầu tiên, tại Tân Định. Tiếp sau đó, các chiến sĩ Sài Gòn được các đơn vị các tỉnh Nam bộ tiếp viện; cuộc chiến càng trở nên cam go quyết liệt; quân giặc hoang mang lo sợ. Chúng bị giam chân tại chỗ 1 tháng trời, không thể tiến hành âm mưu bình định Nam bộ trong 3 tuần theo dự tính.

Những tin chiến thắng của quân và dân Sài Gòn làm nức lòng mọi người. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ náo nức tham gia phong trào Nam tiến, với khí thế hăng say chưa từng có. Các chi đội giải phóng quân hình thành. Ai ai cũng tình nguyện lên đường chiến đấu cứu nước theo lời Bác gọi. Cùng với đó là cuộc chiến đã lan rộng tới khắp các tỉnh đồng bằng Nam bộ, kéo ra đến tận miền Trung Nam bộ, làm cho giặc Pháp cùng đồng minh khốn đốn mọi bề, hao tốn tiền của, súng ống và nhân lực; không sao thực hiện được âm mưu xâm lược một cách dễ dàng cho dù chúng binh hùng tướng mạnh.

Hơn thế nữa, vào thời điểm này, ngày 25/10/1945, các đồng chí lãnh tụ như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh và Lê Duẩn vừa thoát khỏi ngục tù Côn Đảo cũng tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến, với đường lối ngày một sâu sắc hơn và các cuộc tấn công ngày càng có chiến thuật rõ rệt, tạo nên phong trào ngày thêm rộng khắp và khí thế ngày một dâng cao. Nhiều lực lượng chiến đấu được phối hợp với mặt trận phía Nam, cùng với lương thực, thuốc men quần áo, vũ khí được chi viện rất mạnh mẽ tạo nên một phong trào “Vì miền Nam” anh dũng. Cùng với những sự đóng góp về vật chất cụ thể, thì các phương tiện truyền thông cùng lực lượng văn nghệ sĩ cũng vào cuộc để thông tin tuyên truyền và kêu gọi sự ủng hộ của toàn quân và dân trên cả nước ủng hộ cho cuộc kháng chiến Nam bộ... Thực tiễn ngày càng phức tạp, bởi những diễn biến lực lượng trên toàn quốc, nhưng quân và dân miền Nam vẫn duy trì bền bỉ và ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Chính vì lẽ đó, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Bác Hồ đã tặng quân và dân Nam bộ 4 chữ ghi danh, với hình ảnh là: “Thành đồng Tổ quốc”.

Quân và dân Nam bộ quả là xứng đáng với hình tượng ấy, suốt 30 năm chiến đấu kéo dài, cho đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975). “Thành đồng Tổ quốc” được vang lên, trong niềm vui đại thắng và được dựng xây bền vững cho một dân tộc ngoan cường, vang danh trên khắp toàn cầu, với một khẩu ngữ mang tính quốc tế; mà ai ai khi gặp người dân nước ta đều dang tay chào đón và hát lên bài ca: “Việt Nam - Hồ Chí Minh”. Và đó cũng là một biểu tượng kiên cường cho mảnh đất “Thành đồng” của “Tổ quốc” - một hình ảnh bất tử cho cuộc chiến đấu vì độc lập tự do.

Hạnh An

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.