Chính trị
Thảo luận tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa VIII: Đề cập nhiều vấn đề giai đoạn 2011 - 2015
Có 9 lượt ý kiến thảo luận không khái quát hết tất cả những vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội 2015 cũng như giai đoạn 2010 - 2015 theo gợi ý của Thường trực HĐND tỉnh. Song, những ý kiến này cũng đủ làm buổi thảo luận nóng lên với những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm.
Bà Lê Thị Ái Nam, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi thảo luận. Ảnh: M.Đ
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT tự đánh giá, trong nhiệm kỳ qua ngành NN&PTNT tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong đó nổi bật là công tác xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, đời sống nông dân được nâng lên một bước so với trước đây.
Theo người đứng đầu ngành NN&PTNT tỉnh, trong thời gian tới, để thúc đẩy mặt trận nông nghiệp - nông thôn tiến lên một bước thì phải tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phải sản xuất theo hướng nâng cao giá trị để đảm bảo cạnh tranh thị trường, thực hiện các chuỗi giá trị trên cây lúa, vật nuôi. Muốn vậy, không chỉ có vai trò của ngành Nông nghiệp cùng sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Các địa phương phải có cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, góp phần giải quyết bài toán “ly nông bất ly hương”, thực hiện giảm nghèo đa chiều.
Điện là vấn đề liên tục được cử tri phản ánh, kiến nghị qua các buổi tiếp xúc cử tri. Hiểu được bức xúc của cử tri, ông Trần Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở Công thương thừa nhận do ngân sách tỉnh còn khó khăn, trong khi một số nơi dân cư sinh sống thưa thớt, suất đầu tư lưới điện rất cao, một số dự án hạn chế về vốn nên đầu tư chậm hơn so với kế hoạch. Vì vậy ở một số khu vực người dân chưa có điện sinh hoạt hoặc phải kéo điện tạm thời.
Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Sở Công thương cho biết thời gian tới sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các dự án phát triển lưới điện. Đó là đầu tư 2 công trình điện phục vụ một số cụm tuyến dân cư ở huyện Phước Long và TX. Giá Rai; dự án “cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn 39 xã thuộc các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân và Đông Hải. Ngành chức năng cho biết việc tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành đúng kế hoạch các dự án điện này sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng điện có điện kế, giảm dần hộ sử dụng điện chia hơi, phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 99%.
Cũng theo Sở Công thương, từ năm 2011 đến nay Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng đã kiểm tra 3.121 vụ, trong đó số vụ vi phạm là 1.990 vụ, thu phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách Nhà nước được hơn 6,57 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác quản lý thị trường thời gian qua vẫn bị đánh giá có một số mặt chưa đạt yêu cầu, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp, cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ công tác thì gặp khó khăn…
Về hoạt động nghiên cứu khoa học từ năm 2011 đến nay, ông Huỳnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015 tổng kinh phí đầu tư cho hoạt động KH - CN của tỉnh từ ngân sách địa phương khoảng 65,5 tỷ đồng, so với tổng chi ngân sách của tỉnh thì kinh phí đầu tư cho KH-CN chỉ đạt 0,31%. Đại biểu Đào Hoàng Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Bạc Liêu thì cho rằng kinh phí hàng năm dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học của trường là quá ít, chỉ có khoảng 150 triệu đồng/năm, không đủ để thực hiện các đề tài nghiên cứu hàng năm.
Kết thúc buổi thảo luận, Chủ tịch HĐND tỉnh - Lê Thị Ái Nam đề nghị UBND tỉnh ghi nhận những vấn đề đại biểu đặt ra và có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó cần bổ sung kinh phí nghiên cứu khoa học cho những đơn vị chuyên sâu về công tác này như Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, Trường đại học Bạc Liêu…
Thanh Lâm