Thảo luận tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa IX: Gợi mở nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Hai, 07/12/2020 | 17:24

Trong phần thảo luận của kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa IX, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được; đồng thời phân tích nguyên nhân, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế… Từ đó tìm những giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà HĐND tỉnh đã đề ra.

Đại biểu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: H.L

CẦN CHỈ ĐẠO QUYẾT LIỆT ĐỂ ĐẠT KẾ HOẠCH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Quản lý nhà nước về đất đai; quản lý đất đai, trật tự xây dựng và môi trường là những vấn đề luôn được quan tâm của các cấp, các ngành và Nhân dân, liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước và đời sống người dân, nhất là trong năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện của giai đoạn mới, của một nhiệm kỳ mới nên có ý nghĩa rất quan trọng. Thảo luận tại kỳ họp, tổ đại biểu HĐND huyện Hòa Bình, kiến nghị UBND tỉnh cần đánh giá đúng nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan, có giải pháp chỉ đạo quyết liệt nhằm đạt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công theo yêu cầu đề ra. Ông Hồ Thanh Thủy, đại biểu HĐND huyện Hòa Bình cũng đề nghị, UBND tỉnh cần có kế hoạch rà soát để có những giải pháp tích cực hơn trong quản lý đất công trên địa bàn tỉnh; chấn chỉnh lập lại trật tư xây dựng, trật tự đô thị gắn với công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch để làm cơ sở cho việc đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực. Đồng thời có giải pháp tích cực hơn về xử lý ô nhiễm môi trường.

Trong phần thảo luận gửi cho đại biểu tham khảo, Sở NN&PTNT đã đề xuất một số giải pháp đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành tôm. Đó là tập trung đầu tư đưa vào khai thác Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, tôm - lúa, có các giải pháp hiệu quả hơn xử lý môi trường trong nuôi tôm. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất sạch, hữu cơ; tiếp tục phát triển các đối tượng chủ lực tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể... Ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ và có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC, hữu cơ...) vào các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao và đảm bảo các thông số kỹ thuật của tôm xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số, mã vạch hộ nuôi, ao nuôi, vùng nuôi. Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo môi trường, dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh để giảm thiểu rủi ro, nâng cao thu nhập cho người nuôi. Cùng với đó, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với nông dân, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân; tổ chức sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, theo chuỗi giá trị khép kín, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với xây dựng cánh đồng lớn.

HUY ĐỘNG TỐI ĐA MỌI NGUỒN LỰC ĐỂ ĐẦU TƯ HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Tham luận tại hội trường, Sở GT-VT đưa ra các giải pháp để phát triển hạ tầng giao thông vốn còn nhiều bất cập, như: Huy động tối đa mọi nguồn lực, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như vốn từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; từ các dự án, chương trình phát triển nông thôn; vận động đóng góp của Nhân dân… Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp của chính quyền địa phương với Mặt trận và các đoàn thể, phát huy việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở  trong thực hiện xây dựng công trình giao thông nông thôn; đảm bảo tính công khai minh bạch theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ngay từ bước chuẩn bị dự án đến khi bàn giao đưa công trình vào sử dụng. Đồng thời thực hiện tốt công tác phân cấp đầu tư và quản lý hạ tầng giao thông để tạo tính chủ động cho các địa phương trong quá trình thực hiện đầu tư, quản lý, khai thác và bảo trì công trình. Đầu tư xây dựng phải gắn kết chặt chẽ với quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ để nâng cao chất lượng và kéo dài tuổi thọ, thời gian khai thác công trình.

Ngoài các nội dung này, các sở, ngành tỉnh còn tham gia thảo luận về giải pháp quản lý, sử dụng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, trong đó có sự nghiệp y tế và giáo dục trên địa bàn tỉnh cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập...

ĐỖ LAM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.