Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Bạc Liêu hoàn tất khảo sát hướng tuyến xây dựng đường Hồ Chí Minh
Đường Hồ Chí Minh có điểm đầu là Pác Bó, Cao Bằng và điểm cuối là Mũi Cà Mau. Tuyến chính dài 2.499km, bao gồm cả xây dựng mới và cả mở rộng, nâng cấp; khởi công năm 2000; dự kiến hoàn thành năm 2020. Đây là công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là con đường xuyên theo dọc dài đất nước theo trục Bắc - Nam; con đường được mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quang cảnh buổi thảo luận tổ ngày 24/5/2022. Ảnh: Văn Lập
Đến nay, tiến độ triển khai thực hiện con đường quan trọng này đã chậm 2 năm so với dự kiến - trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Một trong những nguyên nhân khách quan là đại dịch COVID-19. Hiện nay, còn khoảng 171km chưa cân đối được nguồn vốn để thực hiện.
Theo báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể thực hiện Nghị quyết 66 và Kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, mục tiêu nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh tại Nghị quyết 66, đối với 3 dự án thành phần chưa cân đối được vốn, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến thuộc đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến được Nghị quyết 66 xác định đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên, do đoạn này đi song song với Quốc lộ 32 và Quốc lộ 21 hiện hữu nên phương án tài chính không khả thi để kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT. Bên cạnh đó, các Quốc lộ hiện hữu cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải; đáp ứng mục tiêu thông tuyến. Do đó, tôi tán thành rất cao phương án trước mắt ưu tiên cân đối bố trí đủ vốn đầu tư trước đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn kết nối An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (khoảng 83,5km) kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm thông tuyến đường Hồ Chí Minh.
Việc đầu tư đoạn kết nối ĐBSCL sẽ mở ra cơ hội giúp các địa phương trong vùng có những giải pháp khả thi, đối phó với thực trạng sụt lún đất, biến đổi khí hậu, nước biển dâng… trong điều kiện đặc điểm nền địa chất yếu; giúp bảo đảm giao thông thông suốt, giảm chi phí vận tải thông qua việc rút ngắn thời gian lưu thông; hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng để khai thác và phát triển vùng ĐBSCL; góp phần điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, phân bổ lại dân cư và lực lượng lao động; góp phần xóa đói giảm nghèo; kết nối các khu vực du lịch và các di tích lịch sử; liên kết các vùng kinh tế…
Liên quan đến tỉnh Bạc Liêu, đường Hồ Chí Minh chỉ có chưa đầy 8km chạy ngang, thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc và Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân). Nhưng đây là đoạn đi qua Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt - Khu căn cứ Cái Chanh (căn cứ của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương cục miền Nam, Ủy ban hành chính Nam Bộ…); hiện nay đang được xúc tiến hồ sơ đề nghị công nhận là An toàn khu. Hiện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã hoàn tất việc khảo sát hướng tuyến. Hành lang dành cho đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh được quản lý chặt chẽ, không chồng lấn các quy hoạch khác.
Tháng 3/2022, tôi đã trực tiếp tham gia Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát đối với đoạn tuyến đi qua địa bàn 3 tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Chứng kiến quá trình làm việc của Đoàn công tác, đồng thời qua nghiên cứu hồ sơ mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, tôi đánh giá rất cao quyết tâm trình Quốc hội thông qua Nghị quyết đầu tư xây dựng và thông tuyến đối với đường Hồ Chí Minh, quy mô 2 làn xe trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
ĐBQH Nguyễn Huy Thái