Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Thảo luận tại Tổ 16: Nên quan tâm đặc biệt đến vấn đề bồi hoàn, giải phóng mặt bằng các dự án đường cao tốc
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 6/6, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) - Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại tổ trong buổi thảo luận sáng 6/6. Ảnh: Thành Lập
CẦN CÓ PHƯƠNG ÁN THU HỒI GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG HỢP LÝ
Liên quan đến các dự án này, Bộ trưởng Bộ GT-VT - Nguyễn Văn Thể cho biết, việc sớm đầu tư 3 dự án là hết sức cấp thiết nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết, Thông báo của Bộ Chính trị cũng như đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Việc xây dựng 3 dự án còn giúp cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung, các vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, ĐBSCL nói riêng; tạo tiền đề, động lực và không gian mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo; phát triển phương thức vận tải bền vững hiện đại, góp phần giảm tai nạn giao thông.
Tại buổi thảo luận Tổ 16 về nội dung này, đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bạc Liêu cho rằng, các phương án trình có sự nghiên cứu, phân bổ hài hòa cả 3 vùng (Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL). Nhất là vùng ĐBSCL, trước nay luôn được biết đến là khu vực giao thông còn trắc trở, đường cao tốc mới nối đến cầu Mỹ Thuận 2. Tuy nhiên, theo ĐBQH Hoa Ry, vấn đề mà nhiều ĐBQH băn khoăn là khâu bồi hoàn, giải phóng mặt bằng và tái định cư khi triển khai dự án.
Hiện tại theo báo cáo, nguồn vốn để giải phóng mặt bằng khoảng 8.358 tỷ, trong đó có ngân sách đối ứng của địa phương chiếm 50%. Các tỉnh có nguồn vốn đi qua cũng cam kết với Chính phủ sẽ phối hợp tốt, nhưng cam kết là một việc, còn có nguồn vốn đảm bảo để thực hiện đúng tiến độ hay không lại là câu chuyện khác, nhất là khi nguồn lực của mỗi tỉnh cũng khác nhau. Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần có tính toán và quan tâm phối hợp chặt chẽ việc thực hiện này, nếu không sẽ rất khó để đảm bảo tiến độ đề ra.
Một vấn đề nữa đại biểu rất quan tâm là dự án đi qua nhiều địa phương, có những vùng có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số; có những vùng thu hồi đất nông nghiệp khá lớn với 860ha đất lúa. Vì vậy Chính phủ cần có phương án thu hồi giải phóng mặt bằng hợp lý, quan tâm đến vấn đề giải quyết công ăn việc làm, lao động phù hợp đối với người dân, nhất là người dân làm nông nghiệp bị thu hồi hết đất. Đại biểu đề nghị các địa phương cần làm tốt khâu tuyên truyền, để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của dự án này và ủng hộ chủ trương này của Trung ương.
TÍNH TOÁN THỜI GIAN HOÀN THÀNH ĐẢM BẢO KHẢ THI
Về thời gian các dự án hoàn thành, theo báo cáo của Chính phủ là năm 2025 - 2026, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị Chính phủ cân nhắc tính toán, đảm bảo tính khả thi, tránh phải điều chỉnh nhiều lần. Bởi vì 3 dự án này tổng mức đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Nếu không có những tính toán cụ thể, quyết liệt, thì như nhiều dự án trước đây, chỉ riêng tiến độ giải phóng mặt bằng cũng đã mất rất nhiều thời gian. Nếu không có sự chỉ đạo, phối hợp nhịp nhàng giữa các tỉnh cùng đồng loạt để giải phóng mặt bằng, đại biểu cho rằng khó đảm bảo thông toàn tuyến. Về phương án tính toán bồi thường về giá cho người dân trên toàn tuyến, đại biểu đề nghị Chính phủ cũng phải có sự chỉ đạo và thống nhất ở một mức giá phù hợp, tránh sự so sánh giữa người dân ở các tỉnh thì sẽ rất khó trong khâu giải phóng mặt bằng và dễ xảy ra khiếu kiện.
Một vấn đề nữa liên quan đến phương án thiết kế đường cao tốc, cả 2 dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đều không có 2 làn xe dừng khẩn cấp. Theo báo cáo thẩm tra, nếu thiết kế như vậy sẽ khó đảm bảo an toàn giao thông và dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn, không phát huy được hiệu quả của đường cao tốc; chưa đạt chuẩn của Việt Nam về đường cao tốc. Đại biểu đề nghị phải có báo cáo giải trình đối với vấn đề này.
Liên quan đến đề xuất về việc khai thác cát sỏi lòng sông không qua báo cáo đánh giá tác động môi trường, đại biểu không đồng tình. Bởi thời gian qua, tình trạng khai thác cát sỏi trên sông không đảm bảo an toàn về môi trường, là nguyên nhân gây sạt lở bờ sông. Đây là vấn đề được người dân rất quan tâm, nên cần thiết phải có đánh giá tác động môi trường.
Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Bộ trưởng Bộ GT-VT giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Kim Phượng