Thiêng liêng sinh nhật Bác

Thứ Sáu, 17/05/2024 | 16:24

“Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc”. Cứ đến 19/5 hàng năm - ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta lại nhớ đến câu nói ấy của Bác lúc sinh thời.

“Món quà” mà Người muốn nhận được trong sinh nhật của mình cũng vẫn là những điều, những việc phụng sự cho đất nước, cho Nhân dân như mong muốn mang theo cả cuộc đời mình!

Đông đảo người dân và các em học sinh viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) nhân dịp sinh nhật lần thứ 134 của Người.

NHỚ VỀ SINH NHẬT ĐẦU TIÊN

Trong quyển “Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới” (Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh - 2002) có đoạn viết: “Trong số những tên tuổi vĩ đại của loài người đã được UNESCO ra nghị quyết kỷ niệm, Hồ Chí Minh là một trường hợp đặc biệt. Đặc biệt là bởi vì hiếm có người vừa được tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, vừa được ghi nhận là Nhà văn hóa kiệt xuất. Tư tưởng, sự nghiệp, nhân cách Hồ Chí Minh đã trở thành một hệ giá trị văn hóa của loài người”.

Nhân dân Việt Nam tự hào vì có một Anh hùng giải phóng dân tộc, một Danh nhân văn hóa thế giới như thế! Người đã làm rạng rỡ non sông Việt Nam. Trong niềm tự hào, kính yêu đó, sinh nhật Bác hàng năm đã trở thành một ngày thiêng liêng!

Theo nhiều tư liệu ghi chép, trong 24 năm làm Chủ tịch nước (2/9/1945 - 2/9/1969), Bác có 2 lần sinh nhật đặc biệt: lần đầu tiên khi Bác trên cương vị lãnh tụ của đất nước - 19/5/1946 và lần cuối cùng khi Người “vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay” - 19/5/1969.

Lần đầu tiên, ngày 19/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp nhận cho mọi người tổ chức mừng sinh nhật trong tư thế Nguyên thủ quốc gia độc lập có chủ quyền. Nhưng chấp nhận cốt là để tiếp đón Cao ủy Pháp tại Đông Dương - D’Argenlieu, nhân vật đang mưu toan ngăn chặn chuyến đi của Hồ Chủ tịch - vị thượng khách của nước Pháp. Lúc ấy, Bác giải thích rõ rằng đất nước còn lắm khó khăn, “chưa có gì đáng chúc thọ”, nhưng đối với kẻ thù đang đe dọa nền tự do, độc lập vừa giành lại được, đây lại là cái cớ buộc D’Argenlieu phải đến để đối thoại với hy vọng “Cuộc bang giao Việt - Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới”.

Cũng nhân dịp này, Bác tranh thủ tiếp xúc với Nhân dân, đại biểu Nam Bộ, với các giới, các cháu thiếu nhi đến chúc mừng; Bác kết hợp nói chuyện, giáo dục nếp sống mới và nói về cần, kiệm, liêm, chính.

Ngày kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5/1946 trở thành ngày gặp mặt đoàn kết, biểu thị tình cảm và sức mạnh khối đoàn kết toàn dân. Từ đó, một quá trình đấu tranh cách mạng và kháng chiến của đất nước được mở ra; cũng đồng thời có một “tiền lệ mới” được đặt ra như một nếp đạo lý của dân tộc: Mừng sinh nhật Bác Hồ!

Một tiết mục văn nghệ ca ngợi Bác do Trung tâm Văn hóa tỉnh biểu diễn tại Nhà hát Cao Văn Lầu. Ảnh: C.T

“THI ĐUA ÁI QUỐC” LÀM QUÀ

Trọn cuộc đời, Bác luôn vì dân, vì nước. Sinh thời, ngay cả sinh nhật của mình, Bác cũng hướng tình cảm, lòng thương yêu của mọi người dành cho mình vào những việc Bác cho là cần thiết hơn, lợi ích hơn!

Những năm Bác ở chiến khu Việt Bắc, khi đón sinh nhật trong tình cảm của đồng bào, chiến sĩ, Bác lại tranh thủ để nói về những việc phải làm, kể nhiều tấm gương trung thành với Đảng và sự nghiệp kháng chiến. Hay một dịp sinh nhật khác (năm 1948), Bác đã đề nghị dành bó hoa mừng sinh nhật để viếng mộ người phục vụ nấu ăn cho Bác vừa mới qua đời vì căn bệnh sốt rét. Một lần khác, sinh nhật lần thứ 60 (năm 1950), Bác đã truyền lửa cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào niềm tin yêu, lạc quan, hăng say làm việc bằng những vần thơ: “Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán/ So với ông Bành vẫn thiếu niên/ Ăn khỏe, ngủ khỏe, làm việc khỏe/ Trần gian như thế kém gì tiên”.

Đề cập đến quà sinh nhật, nhiều lần Bác nhắc nhở: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc”. Chỉ nhận tình cảm, khước từ vật chất vì Bác muốn “xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”. Cho nên, Bác vẫn hay chuyển những lẵng hoa đẹp, quà biếu Bác để tặng các đơn vị bộ đội, công an, thanh niên xung phong, các nhà trẻ.

Lần sinh nhật đặc biệt thứ 2 cũng là lần cuối trước khi Bác đi theo “thế giới người hiền” - 19/5/1969, giữa lúc chiến tranh còn đang ác liệt. Bác đề nghị không tổ chức sinh nhật vì “đồng bào ta, nhất là đồng bào miền Nam đang chiến đấu gian lao, hy sinh như thế, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng”. Bác không đồng ý về việc đưa ngày 19/5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm và yêu cầu “tiền bạc dùng để tuyên truyền ngày sinh của Bác nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, chớ lãng phí”. Nhưng, trước lời xin phép của Trung ương, nghĩ đến miền Nam và bạn bè quốc tế, Bác miễn cưỡng đồng ý tổ chức sinh nhật và không quên nhắc nhở: “Thôi, nếu vậy thì các chú làm thật nhanh cho Bác. Đừng kéo dài, đừng bày vẽ tốn kém. Chỉ cho Bác mấy bông hoa là được rồi”.

Nhắc lại những kỷ niệm về sinh nhật Bác, chúng ta lại càng nhớ đến những cống hiến, hy sinh trọn đời vì nước, vì dân của Người. Bạc Liêu cũng luôn ra sức học tập và làm theo gương Bác để tiếp nối trọng trách phụng sự cho Nhân dân. Nhiều năm nay, bằng những mô hình mới, cách làm thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế, các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể, cá nhân trong tỉnh đã và đang tập trung học tập chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Những phong trào thi đua ái quốc trên các “mặt trận” ở Bạc Liêu cũng mang lại nhiều thành quả thiết thực. Điển hình như phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh, hàng loạt mô hình thi đua được thực hiện như: “Thi đua dạy tốt - học tốt, xây dựng trường chuẩn quốc gia”, “Làm tốt công tác an sinh xã hội gắn với xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ sở”, “3 cần - 3 nên và 3 không”, “4 đúng - 5 phải - 3 sát” trong thực thi nhiệm vụ, “tăng cường làm việc vào thứ Bảy, Chủ nhật”...

Cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận tụy phục vụ Nhân dân! Khi ta soi chung tấm gương lớn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hãy nhớ lời Bác dặn: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Vì lợi nước, quên lợi nhà”. Món quà thiết thực dâng lên Bác có lẽ chỉ cần chúng ta cùng làm theo những việc làm giản dị, khiêm tốn, thể hiện đúng bản chất của người “công bộc”, người “đầy tớ” của Nhân dân! Cần ôn lại những bài học quý giá từ Bác trong dịp thiêng liêng này.

NHẬT QUỲNH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.