Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Thiệt thòi cán bộ không chuyên trách
Những người hoạt động không chuyên trách (NHĐKCT) ở xã, phường, thị trấn có trình độ chuyên môn và trách nhiệm công việc như cán bộ, công chức cấp xã, nhưng họ không có lương, chỉ được hưởng phụ cấp, mức đóng bảo hiểm xã hội tương đương 1 hệ số lương. Nguồn thu nhập không bảo đảm cho cuộc sống gia đình, nhiều người đã nghỉ việc khiến nhiều vị trí phải thay đổi liên tục, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở.
Chị Lê Thanh Thùy - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phong Thạnh Đông, TX. Giá Rai (thứ hai, từ trái qua) tặng nhu yếu phẩm cho người dân năm 2022. Ảnh: N.Q
Phải gói ghém mới đủ sống
Sáng 16/8, Lưu Hữu Lộc - Phó Khối vận Đảng ủy xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu) vừa cùng đồng nghiệp ở xã và ấp dọn vệ sinh môi trường ở một số tuyến đường chính trên địa bàn. Mỗi tuần, cán bộ, công chức, viên chức của xã và ấp ra quân dọn vệ sinh môi trường nơi công cộng 2 - 3 lần và chưa biết bao giờ hoạt động này kết thúc bởi ý thức giữ gìn vệ sinh chung của nhiều người chưa tốt cũng như việc tổ chức thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường chưa thực chất.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Lộc về xã nhà công tác và trải qua nhiều vị trí việc làm. Tháng 7/2015, Lộc thi trượt kỳ thi tuyển công chức TP. Bạc Liêu nên đến giờ vẫn là cán bộ không chuyên trách. Ngoài mức phụ cấp bằng hệ số gần 2 lần mức lương cơ sở, mỗi tháng Lộc hưởng thêm gần 450.000 đồng tiền đại biểu HĐND xã và khoản hỗ trợ khác do Đảng ủy xã “uyển chuyển” khi có nguồn, nhưng tổng thu nhập cũng chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Lộc chia sẻ: “Vợ tôi là viên chức ở Trung tâm Y tế thành phố, gia đình gói ghém lắm mới đủ xoay sở tiền cơm nước, học hành cho con, tiền đám tiệc,…”.
Không an tâm công tác
Tương tự là trường hợp của Dương Minh Đương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phong Thạnh Đông (TX. Giá Rai). Tháng 4/2013, với tấm bằng cử nhân Công nghệ - Thông tin, Đương được tăng cường về quê nhà ở xã Phong Thạnh Đông, công tác ở Ban Chỉ huy Quân sự xã. Sau đó, Đương chuyển qua bộ phận văn phòng UBND và nay là Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Dù trên giấy tờ chỉ đảm nhận chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, nhưng thực tế, Dương Minh Đương còn phụ trách luôn công việc của Phó Khối vận Đảng ủy xã. Một người làm 2 việc, song vẫn chỉ hưởng mức phụ cấp của 1 chức danh, trong khi mức hỗ trợ NHĐKCT đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đều thấp hơn so với mức hỗ trợ cán bộ, công chức trong biên chế và không được hưởng phụ cấp 25%.
Cùng chia sẻ như Đương, chị Lê Thanh Thùy - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phong Thạnh Đông khẳng định: “Mức thu nhập của NHĐKCT thấp so với nhu cầu cuộc sống, nên không an tâm công tác và đã có người nghỉ việc dù làm ở xã gần 20 năm”. Phong Thạnh Đông là xã loại 2, tổng mức thu nhập thực lĩnh mỗi tháng cho 11 NHĐKCT chưa đến 26,5 triệu đồng.
Theo chia sẻ của hầu hết NHĐKCT, do chỉ được hưởng phụ cấp, nên họ không có “niềm vui” lên lương định kỳ theo trình độ chuyên môn. Tiền phụ cấp chỉ nhích lên khi Nhà nước điều chỉnh tăng mức lương cơ sở. Mấy năm nay, mức lương cơ sở chưa được tăng nhưng giá cả các mặt hàng thiết yếu thì lại “đu” theo giá xăng, dầu tăng “chóng mặt” khiến cuộc sống càng thêm khó khăn. Ngoài làm việc Nhà nước, nhiều NHĐKCT tranh thủ thời gian rảnh hoặc ngày cuối tuần bán hàng online, làm ruộng, nuôi tôm,… để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng tăng nên quỹ thời gian làm thêm cũng eo hẹp dần. Với vai trò không thể thiếu trong bộ máy cơ sở, không ít NHĐKCT vẫn nỗ lực tham gia các hoạt vì tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm với cộng đồng. Vì vậy, một chế độ chính sách phù hợp để NHĐKCT an tâm công tác và tiếp tục cống hiến là điều cần thiết phải có.
Mức phụ cấp (được tính theo hệ số mức lương cơ sở) của NHĐKCT trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu:
Các chức danh cấp trưởng, cấp phó: chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ hệ số 1,00; trình độ sơ cấp hệ số 1,20; trình độ trung cấp hệ số 1,50; trình độ cao đẳng hệ số 1,70; và trình độ đại học hệ số 1,90.
NHĐKCT ở cấp xã kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách ở cấp xã thì được hưởng mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp hiện hưởng. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm.
Mức phụ cấp và mức phụ cấp kiêm nhiệm được bảo đảm chi từ nguồn ngân sách cấp tỉnh.
(Trích Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND, ngày 6/3/2020 của HĐND tỉnh Bạc Liêu về việc quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp và mức khoán kinh phí đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu)
Nguyễn Quốc
- UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Ban hành Quyết định đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh
- Chi gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội - Nhân lên niềm vui đón Tết
- Gian quần áo 0 đồng - giúp người nghèo ấm lòng dịp Tết
- Giá lúa giảm, nông dân kém vui