Thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí: Nói dễ, làm khó!

Thứ Sáu, 15/07/2016 | 16:18

Cùng với tham nhũng, lãng phí bị xem là vấn nạn, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Ở mỗi địa phương, đơn vị, vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được chỉ đạo khá sát sao trong nhiều văn bản của cấp ủy lẫn chính quyền. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chống lãng phí dù nói dễ nhưng thực hiện lại gặp nhiều khó khăn.

Chỉ thị 05 ngày 1/7/2016 về việc tăng cường công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của UBND tỉnh nhận định: Công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo và tổ chức thực hiện, bước đầu đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại, hiệu quả chưa cao. Biểu hiện, hành vi tham nhũng, lãng phí diễn ra ở các ngành, các cấp, nhiều lĩnh vực chậm phát hiện, xử lý, hoặc phát hiện xử lý chưa nghiêm. Nhận thức trách nhiệm của người đứng đầu chưa được nâng cao, né tránh hoặc có những dấu hiệu tham nhũng, lãng phí.

 

Từ những công trình bỏ hoang...

Có thể hiểu nôm na sự lãng phí là việc tiêu xài một cách hoang phí của cải, vật chất của Nhà nước hay cá nhân. Lãng phí biểu hiện ở nhiều hình thức, đó có thể là một ngọn đèn chiếu sáng công cộng còn bật sáng giữa ban ngày, việc tiêu tốn quá nhiều chi phí cho tiếp khách tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm ở các địa phương… Tuy nhiên, lãng phí thấy nhiều nhất là trong đầu tư công.

Dư luận trong tỉnh gần đây đã bày tỏ bức xúc về nhiều công trình mà theo người dân là lãng phí do hiệu quả sử dụng quá thấp so với vốn đầu tư. Nhà ở sinh viên tỉnh do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư với tổng số vốn trên 260 tỷ đồng là một thí dụ. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, 2 tòa nhà được đưa vào sử dụng với 150 phòng. Tuy nhiên, sau nhiều tháng đưa vào sử dụng, đến cuối năm 2015, chỉ có 6 sinh viên đăng ký vào ở. Và dù cho UBND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ nhà và đất - đơn vị được giao khai thác khu nhà ở sinh viên - bàn giải pháp với các trường chuyên nghiệp trong tỉnh để kéo sinh viên về ở nhưng đến nay, tình trạng vẫn chưa tiến triển được bao nhiêu!

Khung cảnh hoang vắng tại khu Nhà ở sinh viên của tỉnh. Ảnh: H.L

Tại buổi làm việc với Huyện ủy Vĩnh Lợi về công tác xây dựng Đảng và kết quả phát triển kinh tế - xã hội mới đây, trước những đề nghị của huyện về xây dựng thêm trường học, Bí thư Tỉnh ủy - Lê Minh Khái đã lưu ý cần phải tính toán kỹ về nhu cầu học sinh khi xây dựng nhằm tránh gây lãng phí. Điều này là hoàn toàn có cơ sở bởi huyện Vĩnh Lợi có trường đã bị “bỏ không” nhiều năm liền, gây bức xúc cho người dân. Một cơ sở trước đây từng được xây dựng làm Trường THPT Hưng Hội, về sau được chuyển cho Sở LĐ-TB&XH để sử dụng làm Trung tâm Bảo trợ xã hội, đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng. Được biết, trước khi xây dựng ngành chức năng đã khảo sát số lượng học sinh trên địa bàn để đi đến quyết định xây dựng Trường THPT Hưng Hội để rồi đến khi hoàn thành thì thực tế lại rất ít học sinh đăng ký học, vì vậy ngôi trường đã mãi không thể thực hiện được chức năng phục vụ dạy và học cho học sinh trong khu vực!

Công viên văn hóa Trần Huỳnh vốn là một công trình phúc lợi công cộng phục vụ đời sống văn hóa, hoạt động vui chơi giải trí của nhân dân TP. Bạc Liêu khi nơi đây được công nhận là đô thị loại III và sau đó là loại II. Tuy nhiên đến nay không ai nhận ra đây là công viên nữa bởi sự “bao vây” của rất nhiều quán ăn, nhà hàng, trò chơi bắn cá. Ông Nguyễn Hữu Tâm - một người dân nhà ở gần công viên bức xúc: “Trước đây tôi thường đi thể dục buổi sáng trong công viên, nhưng bây giờ hàng quán mọc lên quá nhiều, không còn chỗ cho người đi thể dục nữa”. Không lãng phí về vốn đầu tư nhưng công năng của công viên văn hóa này đã bị sử dụng một cách hoang phí trong khi địa điểm vui chơi, giải trí của người dân trên địa bàn thành phố vẫn còn thiếu!

…Đến việc lãng phí nguồn nhân lực

Việc lãng phí nguồn nhân lực lại biểu hiện ở một khía cạnh khác. Hàng năm, trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do HĐND tỉnh quyết đều đưa ra chỉ tiêu về đào tạo nghề và giải quyết việc làm với nguồn kinh phí cụ thể. Tuy nhiên, tại Hội nghị Ban Chấp hành Tỉnh ủy mở rộng lần thứ 5 sơ kết tình hình các mặt công tác 6 tháng đầu năm 2016 mới đây, đồng chí Dương Thành Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định hiệu quả công tác này vẫn chưa được đánh giá. Nghĩa là số người được đào tạo nghề có việc làm là bao nhiêu, có phát triển kinh tế gia đình hay không… vẫn là ẩn số và điều này đã thể hiện việc sử dụng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động có tay nghề vẫn chưa được chú trọng về hiệu quả. Trong khi đó, các trường cao đẳng nghề (trực thuộc UBND tỉnh), trung cấp nghề (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH) lại gặp khó trong công tác tuyển sinh. Một cán bộ từng công tác tại Trường trung cấp Nghề (nay đã sáp nhập vào Trường cao đẳng Nghề) tiết lộ: “Lúc trước có nhiều lớp dạy nghề được mở nhưng không có học viên theo học. Trường chỉ mở được vài lớp hệ trung cấp, còn lại chủ yếu là đào tạo sơ cấp, dạy nghề miễn phí”.

Trước đây, việc rời Bạc Liêu của một tiến sĩ, từng là kết quả của chủ trương thu hút nhân tài của tỉnh, đã gây không ít băn khoăn trong dư luận về sử dụng nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tại sao một tiến sĩ được thu hút về bằng nguồn kinh phí không nhỏ lại không phát huy được năng lực, sở trường của mình để rồi kiên quyết đền tiền để đến tỉnh khác, câu hỏi để lại đã nêu ra một vấn đề của lãng phí nguồn nhân lực: không sử dụng hết hiệu suất lao động của người lao động!

Nhiệm vụ khó khăn

Không phải vấn đề lãng phí nào cũng có thể dễ nhìn nhận nhưng những công trình gây lãng phí thì rõ ràng ai cũng thấy và đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, những chỉ đạo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí dù đã có nhiều nhưng lại chưa chỉ ra được những biểu hiện cụ thể như thế. Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết, tại các cuộc hội nghị về công tác này thường không đề cập đến một công trình, việc làm nào cụ thể gây lãng phí mà chỉ nói chung chung về những bất cập, khó khăn. Trong khi đó, nhiều đơn vị, địa phương cho biết dù rất dễ tiết kiệm chi phí điện nước, văn phòng phẩm nhưng rất khó tiết kiệm trong tiếp khách, hội nghị… Điều này cho thấy việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí dù nói dễ nhưng thực hiện lại gặp nhiều khó khăn.

Dù ở hình thức nào thì tình trạng lãng phí cũng gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Bởi lẽ trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, ngân sách bị mất cân đối, tỉnh phải tiết kiệm nhiều nguồn chi để đảm bảo cân đối ngân sách cho những hoạt động, công trình quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thì sự lãng phí trong sử dụng nguồn ngân sách là không thể chấp nhận. Và những công trình, việc làm như thế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự chỉ đạo về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí của tỉnh.

Lâm Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.