Chính trị
Thực hiện khẩn trương và hiệu quả các quyết định của Quốc hội
Sau hơn một tháng làm việc, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc với nhiều quyết sách quan trọng mà cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, kỳ vọng; nhất là các vấn đề về huy động và sử dụng vốn vay, tái cấu trúc nền kinh tế, đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020; những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, thủy lợi, quy hoạch, quản lý tài sản Nhà nước, quản lý nợ công, phân bổ ngân sách; phòng, chống tội phạm, tham nhũng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và ban hành luật, giám sát và thực hiện trách nhiệm trong giám sát...
Ảnh minh họa: T.L
Các vấn đề mang tính tổng thể trên đều đã được Quốc hội "mổ xẻ", phân tích, tranh luận, tìm ra những giải pháp lâu bền, phù hợp, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” để huy động mọi tiềm lực, phát huy sức lao động, sáng tạo của người dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, sớm đưa đất nước ta thoát khỏi những hạn chế, yếu kém, vươn ra châu lục, theo kịp sự phát triển của thời đại.
Tuy nhiên trên thực tế, trong nhiều kỳ họp của Quốc hội đã có không ít vấn đề bức xúc của xã hội, của đất nước đặt ra được bàn thảo, tranh luận, quyết sách, nhưng hiệu quả trên thực tế ở các lĩnh vực của đời sống xã hội lại chưa được như kỳ vọng. Và câu chuyện nhiệm kỳ trước để lại cho nhiệm kỳ sau, những hạn chế, yếu kém của bộ máy Nhà nước, của hệ thống chính trị vẫn tồn tại, chưa được gỡ bỏ.
Vì thế, để những nội dung đã được Quốc hội biểu quyết thông qua trong Kỳ họp thứ hai này đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, cụ thể là cho ý kiến 3 luật, 11 nghị quyết, 14 dự án luật về kinh tế, xã hội, ngân sách, cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật, quyền con người, thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước... thì từng đại biểu Quốc hội, người đứng đầu các bộ, ngành trong triển khai công việc của mình cần phải thực hiện với tinh thần “nhập cuộc” chứ không chỉ dừng lại ở những phát biểu trên nghị trường. Phải thể hiện được trách nhiệm và quyết tâm cao nhất trong điều hành công việc, quản lý đất nước; bám sát vào chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực mình phụ trách để đưa ra phương hướng khắc phục, các giải pháp điều hành một cách hiệu quả. Nắm bắt các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đất nước để từng bước giải quyết những bức xúc của xã hội, của người dân, nhất là khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết tâm xây dựng một Chính phủ “kiến tạo, liêm chính”.
Song, quyết tâm của Quốc hội có được thực hiện, phát huy hiệu quả trong cuộc sống hay không, ngoài trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị... thì từng người dân cũng phải thật sự chung sức, đồng lòng với Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong thực thi pháp luật, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phát huy cao nhất nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền công dân của mình trong xây dựng đất nước. Nếu từng người dân không vì mục tiêu chung, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật, không gắng sức cho sự phát triển thì các quyết sách dù có đúng đắn, khoa học đến đâu cũng không thể phát huy được hiệu quả trong cuộc sống. Đó cũng chính là lực cản trong xây dựng Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang nỗ lực phấn đấu.
HOÀNG GIA MINH
- Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Khắc phục tâm lý “ngủ đông” của công chức, viên chức
- Tái cơ cấu mô hình tăng trưởng cho cây lúa
- Năm 2025: Ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh quyết tâm thi đua hoàn thành nhiệm vụ được giao
- Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Đông Hải
- Triển khai phần mềm theo dõi tiến trình đại hội Đảng bộ các cấp