Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Thực hiện Nghị quyết 04 trên địa bàn huyện Hồng Dân: Những thành tựu đáng tự hào
Để khai thác, phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế vốn có, từ năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hồng Dân đã ban hành Nghị quyết 04 về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Đồng thời, xây dựng huyện Hồng Dân trở thành trung tâm sản xuất lúa, xuất khẩu gạo của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.
Thu hoạch lúa chất lượng cao trên cánh đồng mẫu lớn.
KHÔNG NGỪNG TĂNG TRƯỞNG
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện bằng nhiều giải pháp gắn với huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển nên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hồng Dân đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp đạt bình quân năm 2024 là 10,5%. Tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 đạt 4.963 tỷ đồng (chiếm 51,35% sản phẩm toàn huyện) và tăng 886 tỷ đồng so với năm 2021. Qua đó, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của huyện là 10,98% năm 2024. Đồng thời, sản xuất phát triển đã không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân, với thu nhập bình quân đầu người của khu vực nông thôn từ 58,7 triệu đồng/năm vào năm 2020, đến năm 2024 đạt 84,12 triệu đồng/người/năm.
Có thể nói, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên là do huyện Hồng Dân đã chọn đúng khâu đột phá gắn với tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trong đó, huyện đã xác định được sản phẩm chủ lực là lúa gạo. Kết quả đến năm 2024, tổng diện tích sản xuất lúa đạt 34.014ha, diện tích gieo trồng 43.253ha (tăng 1.642ha so với năm 2020) và cho sản lượng 289.501 tấn, tăng 9,6% so với năm 2020 (tăng 25.361 tấn). Từ đó, cho tổng giá trị ngành trồng trọt năm 2024 đạt hơn 1.091 tỷ đồng. Trong đó, diện tích lúa chất lượng cao như: ST24, ST25, Đài thơm 8, OM 18, RVT, OM4900 và lúa đặc sản của địa phương Một bụi đỏ đạt trên 92% diện tích gieo trồng trên cả 2 tiểu vùng của huyện. Đặc biệt, sản phẩm làm ra đều được xuất bán ra thị trường trong, ngoài tỉnh và phục vụ xuất khẩu. Trên địa bàn huyện hiện có 2 nhà máy lúa gạo với tổng công suất khoảng 150.000 tấn/năm, chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu, góp phần nâng cao chuỗi giá trị ngành lúa gạo của huyện, chiếm hơn 51,8% tổng sản lượng lúa của huyện.
Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng được 14 mã vùng trồng trên địa bàn 4 xã: Ninh Hòa, Ninh Quới, Ninh Quới A và Vĩnh Lộc A, chủ yếu các giống ST24, ST25, LT28 (trong đó có 6 mã vùng trồng với diện tích gần 250ha, phục vụ cho việc xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ). Mặt khác, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất không ngừng được triển khai. Hằng năm, Phòng NN&PTNT huyện đều phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện, cùng UBND các xã, thị trấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, nhân giống khoảng 30 cuộc với hơn 900 lượt nông dân tham dự. Từ đó, công tác sản xuất giống trên địa bàn huyện được các doanh nghiệp, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Giống của tỉnh phối hợp triển khai trên diện tích gần 500ha với các hợp tác xã (HTX) Ninh Điền, HTX Hồng Dân, HTX 14/10, HTX Lợi Nhuận, HTX Quyết Thắng, HTX Ba Đình, hằng năm cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh trên 3.000 tấn.
Ngoài ra, huyện còn có 2 HTX sản xuất liên kết chuỗi an toàn được Sở NN&PTNT cấp. Cũng như, công tác triển khai liên kết luôn được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp làm ra, đáp ứng nhu cầu thu mua lúa của các doanh nghiệp. Hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư và tỷ lệ nông dân áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa theo từng khâu: 100% khâu làm đất, bơm nước, 85% khâu phun thuốc trừ sâu bệnh, 90% khâu thu hoạch lúa. Riêng tỷ lệ áp dụng công nghệ cao - máy bay không người lái (drone) trong phun thuốc, bón phân và gieo sạ chiếm khoảng 85% trong khâu chăm sóc. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong canh tác lúa và phù hợp với điều kiện thực tế của người nông dân hiện nay. Có 2 HTX đăng ký gạo theo tiêu chuẩn OCOP là gạo ST24 của HTX Ba Đình và gạo Một bụi đỏ của HTX Hồng Dân.
Nông dân huyện Hồng Dân trúng mùa tôm càng trên đất lúa. Ảnh: K.T
TIỀN ĐỀ VÀ ĐỘNG LỰC ĐỂ BỨT PHÁ
Với việc xác định đúng định hướng tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp của huyện đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Cụ thể giai đoạn 2021 - 2024, trên địa bàn huyện đã triển khai mô hình sản xuất lúa an toàn gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm, ứng dụng tiến bộ trong cơ giới hóa đạt gần 10.000ha, chủ yếu vùng lúa - tôm (sử dụng nguồn vốn theo Nghị định 62 của Chính phủ). Đồng thời, thế mạnh cây lúa nước tiếp tục giữ vững 2 vùng sản xuất ổn định như: vùng ngọt ổn định chuyên canh lúa chất lượng cao, canh tác 2 vụ/năm với các nhóm giống chủ lực như: ST25, ST24, OM18, Đài thơm 8, RVT và một số giống khác với diện tích canh tác 9.239ha; vùng chuyển đổi sản xuất luân canh mô hình tôm - lúa với các nhóm giống chủ lực như: ST25, ST24, Đài thơm 8, BL9, Một bụi đỏ và lúa lai trên tổng diện tích 24.775ha. Đến nay, huyện đã thực hiện đúng hướng theo tinh thần Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, tổng diện tích lúa nước đạt 34.014ha, diện tích gieo trồng 43.253ha (tăng 1.642ha so với năm 2020) và cho sản lượng đạt 289.501 tấn, tăng 9,6% so với năm 2020. Diện tích lúa chất lượng cao chiếm 92% trên cả hai tiểu vùng của huyện…
Phải khẳng định rằng, qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 04 về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, cùng với những kết quả đạt được thì Nghị quyết 04 đã tạo nên những tiền đề, động lực cho Hồng Dân bứt phá và phát huy tối đa các lợi thế của mình.
Cùng với đó, cơ cấu ngành Nông nghiệp từng bước chuyển dịch đúng hướng, giá trị các sản phẩm chủ lực tăng lên, thu hút thêm các nguồn lực, nhất là đầu tư trong sản xuất liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Kết quả này đã thể hiện sự đúng đắn của chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và cũng là nhu cầu tất yếu trong hội nhập kinh tế toàn cầu.
Từ thực tiễn sinh động trên, huyện đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là công tác tuyên truyền, vận động là giải pháp căn cơ để phát huy vai trò của chủ thể là người nông dân trong thực hiện phát triển ngành Nông nghiệp, cũng như cơ cấu các ngành hàng chủ lực của địa phương, để người dân hiểu, dân tín nhiệm, dân hưởng ứng, dân tham gia tích cực vào thực hiện nhiệm vụ cùng với huyện trong công cuộc phát triển ngành Nông nghiệp huyện nhà.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể, nông dân là chủ thể hàng đầu trong công tác phát triển ngành Nông nghiệp. Cần quan tâm đến công tác quy hoạch, kế hoạch bảo đảm việc phát triển nông nghiệp là thế mạnh của địa phương trong dài hạn. Hệ thống hạ tầng giao thông thủy, bộ - vai trò quyết định trong khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa của ngành Nông nghiệp - phải đảm bảo đồng bộ và đủ lực hút các nhà đầu tư để cạnh tranh với các hàng hóa các tỉnh bạn. Vai trò của doanh nghiệp và các HTX là rất quan trọng, vì vậy phải có chính sách thu hút nhiều doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế, tiềm lực nhân lực để mở rộng và phát triển liên kết trên địa bàn huyện…
KIM TRUNG
- Bắt giữ tàu chở 16.000 lít dầu DO trái phép
- Khuyến khích các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên
- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Tổng kết các mặt công tác năm 2024
- Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh: Phấn đấu tư vấn cho 50.000 người và giải quyết việc làm cho 18.500 lao động
- Ngành Tư pháp Bạc Liêu: Hoạt động đổi mới, hiệu quả