Chính trị
Tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII
Tiếp tục làm sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
Mục tiêu của công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội, với tính chất là cuộc đấu tranh cuối cùng để xóa bỏ mọi chế độ xã hội dựa trên bóc lột lao động, áp bức, bất công, hiển nhiên phải là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng lao động và giải phóng con người để mọi người đều được phát triển tự do, toàn diện. Trên thực tế, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội được triển khai trên từng “mảnh đất hiện thực” với điều kiện, đặc điểm rất cụ thể; với những xuất phát điểm và những hoàn cảnh không giống nhau.
Ảnh: T.L
Bởi vậy, những mục tiêu nêu trên chỉ là những mục tiêu cuối cùng. Chúng phải được cụ thể hóa thành những mục tiêu xác định cho từng quốc gia, trong từng thời kỳ, giai đoạn, bước đi… Chính đây là một trong những vấn đề phức tạp và khó khăn nhất của những người cộng sản trong quá trình lãnh đạo quần chúng cách mạng thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã có nhiều bằng chứng về các kiểu sai lầm trong việc xác định mục tiêu cụ thể của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội: hoặc là giáo điều, máy móc lấy những mục tiêu cuối cùng làm mục tiêu trước mắt; hoặc tuyệt đối hóa những mục tiêu trước mắt, coi nhẹ, thậm chí thủ tiêu những mục tiêu cuối cùng, thủ tiêu mục tiêu, lý tưởng của giai cấp công nhân.
Bổ sung, phát triển mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên cơ sở bảo đảm các nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản khoa học, phù hợp với điều kiện của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới đương đại trở thành yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở nắm vững, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, đồng thời bám sát đặc điểm và xu thế vận động của thời đại ngày nay và thực tiễn đất nước, trong quá trình đổi mới từ năm 1986, Đảng ta đã từng bước có nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và các đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam gồm 8 đặc trưng, 8 phương hướng và các mối quan hệ lớn.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết của Trung ương khóa XI; đồng thời nhìn lại quá trình 30 năm đổi mới, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII tiếp tục bổ sung, làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta:
Trên những vấn đề chung, dự thảo Báo cáo chính trị khẳng định “qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”; “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”. Một trong những mối quan hệ lớn cần nhận thức đúng đắn và xử lý tốt trong suốt quá trình phát triển đất nước là mối quan hệ giữa tuân thủ theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, dự thảo nêu bài học hàng đầu rút ra từ những thành tựu và hạn chế, khuyết điểm của 30 năm đổi mới là: “phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa được nhấn mạnh ngay trong tiêu đề của dự thảo Báo cáo chính trị; xác định là một cấu thành của mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới và cụ thể hóa: "Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện". Đồng thời tiếp tục “hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” được chú trọng như 1 trong 12 nhiệm vụ tổng quát trong những năm tới. Lịch sử chính trị thế giới đã chứng minh, không có nhà nước pháp quyền nào thoát ly bản chất giai cấp và không có nền dân chủ nào chung chung, trừu tượng. Mặt khác, thực tế cho thấy, trên những vấn đề hết sức sống còn này, các thế lực tư bản chủ nghĩa đang ra sức tác động, gây ảnh hưởng, giành giật không gian cho dân chủ và pháp quyền tư sản. Bởi vậy, thường xuyên nhấn mạnh những điều vừa nêu là một điều cần thiết và đúng đắn.
Tiếp tục thống nhất về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Dự thảo Báo cáo chính trị nêu rõ: đó là “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”. Trên vấn đề căn cốt nhất của thể chế kinh tế là vấn đề sở hữu, bản Dự thảo đề cập: “Có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Về vị thế của Nhà nước và vị trí của người lao động trong thể chế kinh tế, Dự thảo nêu: “Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế... thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội”. Để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như vậy, Dự thảo Báo cáo chính trị vạch rõ một trong những nhiệm vụ then chốt là Đảng phải “tăng cường lãnh đạo việc thể chế hóa và việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng; lãnh đạo việc bố trí cán bộ và lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện của đội ngũ cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội”.
Các nội dung bổ sung, phát triển nêu trong Dự thảo đã cụ thể hóa thêm một bước các yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường nói riêng và trong phát triển văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại… nói chung của đất nước.
Xây dựng, hoàn thiện nhận thức về chủ nghĩa xã hội và làm sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là công việc rất lớn, phải làm từng bước, không được nóng vội, duy ý chí; tuy nhiên cũng không được chậm trễ so với yêu cầu của thực tiễn. Trong tình hình hiện nay, Dự thảo văn kiện Đại hội XII cần luận chứng sáng rõ hơn nữa một số vấn đề vừa cấp bách, vừa cơ bản, trước hết là chung quanh “các quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”.
Quan hệ sản xuất có ý nghĩa sống còn đối với chế độ xã hội vì nó chính là cơ sở hạ tầng mà trên đó một thượng tầng kiến trúc tương ứng sẽ được xây dựng. “Các quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” là một khái niệm hay một phạm trù kinh tế chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta? Chúng có nội hàm, tiêu chí cụ thể gì? Dự thảo Báo cáo Chính trị nêu “phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”. Các quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của các lực lượng sản xuất - hiển nhiên đây là một trong những quy luật nền tảng của chủ nghĩa duy vật lịch sử, nó đều có cuộc sống riêng trên từng mảnh đất hiện thực. Vận dụng quy luật này vào điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, theo chúng tôi, cần xác định đầy đủ hơn là: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, các đặc điểm lịch sử - văn hóa dân tộc và mục tiêu của sự nghiệp cách mạng”. Chỉ trong chừng mực phải phù hợp với đầy đủ những tiêu chí vừa nêu, nền kinh tế nước ta mới không trở thành mảnh đất cho các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa chiếm vai trò, vị trí chủ đạo; chuỗi sản xuất - kinh doanh và các nguồn lực quốc gia mới thật sự do nhân dân làm chủ; mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mới có đầy đủ cơ sở vật chất để duy trì, củng cố, phát triển.
PGS-TS NGUYỄN VIẾT THẢO