Tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

Thứ Hai, 04/01/2016 | 14:42

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước

Có thể nói, 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, một trong những nhận thức mới về chất trong cải cách bộ máy nhà nước là xây dựng và hoàn thiện nhà nước theo định hướng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Theo định hướng chỉ đạo có tính đột phá về nhận thức này, từng bước Nhà nước ta chuyển từ mô hình tập quyền XHCN, không được tổ chức dựa trên nguyên tắc phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước, sang mô hình nhà nước pháp quyền XHCN dựa trên một nguyên tắc mới là phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước.

Ảnh: T.L

Như chúng ta đã biết, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) chẳng những tiếp tục khẳng định tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp,…” mà còn bổ sung thêm một nội dung mới là “kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Sự bổ sung này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện bước phát triển mới về nhận thức lý luận xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện quan điểm chỉ đạo đó. Để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước được đề cập trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xin có một số ý kiến đóng góp như sau:

Trước hết, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định chủ thể kiểm soát quyền lực nhà nước là nhân dân. Tại Điều 2, Hiến pháp đã khẳng định: bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhân dân là người làm chủ Nhà nước. Do đó, nhân dân là chủ thể kiểm soát quyền lực nhà nước của mình. Đây là một đòi hỏi tất yếu nảy sinh từ nhu cầu chính đáng và tự nhiên của người chủ. Bởi, nếu không kiểm soát được quyền lực nhà nước thì quyền lực nhà nước sẽ bị tha hóa, nhân dân là chủ thể giao quyền, ủy quyền, quyền lực Nhà nước của mình cho Nhà nước sẽ bị mất quyền bị lạm quyền từ phía nhà nước. Từ sự khẳng định nguồn gốc, bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, đồng thời là người chủ kiểm soát quyền lực Nhà nước; Hiến pháp năm 2013 tại khoản 3, Điều 2 đã bổ sung một nguyên tắc mới “kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Từ quan điểm và nguyên tắc nền tảng nói trên, trong mối quan hệ với kiểm soát quyền lực nhà nước, nhiều nhận thức mới đã được thể hiện xuyên suốt trong bản Hiến pháp. Đó là, Hiến pháp đã xác định nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến, Quốc hội không còn là thiết chế duy nhất có quyền lập hiến như Hiến pháp năm 1992. Vì thế, Hiến pháp năm 2013 đã đặt nền móng hiến định cho sự ra đời một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài, tức là từ phía nhân dân trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước. Thể hiện điều đó, Điều 6 Hiến pháp năm 2013 quy định ngoài việc nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ đại diện (thông qua Quốc hội và HĐND và các cơ quan khác của Nhà nước) còn thực hiện bằng các hình thức dân chủ trực tiếp như bầu cử và bãi nhiệm (Điều 7); công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân (Điều 29); công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước… (Điều 28). Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân… giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức (Điều 9), Công đoàn Việt Nam… tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước (Điều 10). Như vậy, Hiến pháp đã đặt cơ sở cho việc hình thành một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía nhân dân bằng các hình thức dân chủ trực tiếp. Với các quy định nền tảng của Hiến pháp, xin đề nghị cần bổ sung vào Dự thảo Báo cáo chính trị ở mục XIV vấn đề “Xây dựng cơ chế pháp lý nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp (hay còn gọi là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài)”.

Hai là, nói đến kiểm soát quyền lực nhà nước thì điều quan trọng trước tiên là tổ chức bộ máy nhà nước phải được phân công, phân nhiệm một cách đúng đắn, mạch lạc giữa ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Có phân công, phân nhiệm mới có cơ sở để kiểm soát quyền lực nhà nước. Nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến, thì nhân dân là chủ thể phân công quyền lực nhà nước mà không phải Quốc hội là chủ thể phân công quyền lực nhà nước như trước đây. Theo nhận thức đó, Hiến pháp năm 2013 đã có một bước tiến mới trong việc phân công quyền lực nhà nước.

Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước ta, Hiến pháp năm 1992 đã quy định quyền lực nhà nước được cấu thành từ ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp (Điều 2). Nhưng Hiến pháp năm 1992 lại chưa chỉ ra được một cách rõ ràng cơ quan nào là cơ quan lập pháp, cơ quan nào là cơ quan hành pháp và cơ quan nào là tư pháp. Hiến pháp năm 2013 đã khắc phục được nhược điểm đó bằng việc quy định Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Việc thừa nhận các cơ quan khác nhau thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là một đổi mới quan trọng so với mô hình tập quyền XHCN trước đó. Nó tạo điều kiện để quy định nhiệm vụ, quyền hạn một cách đúng đắn, mạch lạc giữa các cơ quan Quốc hội, Chính phủ và Tòa án nhân dân trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây chính là cơ sở để kiểm soát quyền lực nhà nước và nhân dân có căn cứ để nhận xét, đánh giá hiệu lực và hiệu quả thực hiện quyền lực nhà nước của mỗi quyền. Đồng thời khắc phục được sự trùng lắp, dựa dẫm, ỷ lại hoặc không rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước của mô hình tập quyền XHCN trước đây và xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, như đánh giá rất đúng và sâu sắc của Dự thảo Báo cáo Chính trị rằng “chưa chế định rõ, đồng bộ và hiệu quả cơ chế phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp. Tổ chức bộ máy nhà nước và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy pháp quyền XHCN như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, hệ thống tư pháp còn những điểm chưa thật sự hợp lý, hiệu lực, hiệu quả”. Theo đó, đề nghị bổ sung thêm: “cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (tức là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy nhà nước), đảm bảo các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều được kiểm soát”.

Ba là, Hiến pháp năm 2013 đã tạo lập cơ sở hiến định để hình thành cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định (Điều119). Đồng thời, Hiến pháp giao cho “Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp”. Như vậy, Hiến pháp năm 2013 tuy chưa hình thành cơ chế bảo vệ Hiến pháp chuyên trách nhưng với quy định của Điều 119 đã tạo cơ sở hiến định để xây dựng một cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định. Theo đó, Dự thảo Báo cáo Chính trị cần bổ sung thêm nội dung “cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp do Luật định” để thực hiện trong thời gian tới.

Kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta là một vấn đề mới. Do đó, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, một mặt phải bảo đảm để phòng, chống sự lạm dụng quyền lực nhà nước có hiệu lực và hiệu quả, nhưng mặt khác lại phải bảo đảm không vì kiểm soát quyền lực nhà nước mà làm mất đi tính năng động, sáng tạo, mềm dẻo cần phải có để tiến hành các công việc nhà nước. Vì thế, vấn đề cơ bản của kiểm soát quyền lực nhà nước là làm cho bộ máy nhà nước vừa có khả năng kiểm soát được xã hội, lại vừa không kém phần quan trọng là buộc nhà nước phải tự kiểm soát được chính mình. Theo đó, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước phải là một tổng thể bao gồm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài do các chủ thể không phải là Nhà nước thực hiện; cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong do các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp kiểm soát lẫn nhau và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước một cách độc lập do Hiến pháp và luật quy định.

 

GS-TS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.