Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển: Không thể chậm trễ
LTS: Từ xưa đến nay, nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC) luôn là yếu tố quyết định tới sự phát triển của một địa phương. Không chỉ là bộ phận quan trọng cấu thành nguồn nhân lực của xã hội, những người làm việc ở vị trí lãnh đạo, có chuyên môn bậc cao hay những vị trí có liên quan mật thiết đến sự phát triển của nền kinh tế - xã hội (KT-XH) là nguồn “nguyên khí của quốc gia” cần thiết để đi đến mục tiêu phát triển. Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, ở giai đoạn nào Bạc Liêu cũng luôn chú trọng công tác xây dựng đội ngũ nhân lực trình độ cao, đặc biệt, trong lúc tỉnh vừa xác định 5 trụ cột phát triển KT-XH thì công tác này càng được xem là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu.
Bài 1: Hụt hẫng nguồn nhân lực chất lượng cao
Khi xác định 5 trụ cột phát triển KT-XH, Bạc Liêu đang khát khao nguồn NLCLC mới, không chỉ ở trong các cơ quan nhà nước mà còn cả công ty, doanh nghiệp tư nhân. Thế nhưng, nhìn vào thực trạng nhân lực trình độ cao của tỉnh có thể thấy còn khá nhiều hạn chế về chất lượng và số lượng, bất cập trong khâu sử dụng người tài… Những vấn đề này đang là thách thức của Bạc Liêu để sẵn sàng cho một giai đoạn mới.
Một buổi thực hành thí nghiệm của sinh viên Trường đại học Bạc Liêu. Ảnh: Huyền Chúc
Nhiều chính sách phát triển nguồn NLCLC
Hơn 10 năm trước, có một đề án ra đời mang nhiều kỳ vọng về sự đổi thay ngoạn mục cho cả vùng đất Chín Rồng nói chung, Bạc Liêu nói riêng. Đề án Mekong 1.000 khởi động trong sự hào hứng nhập cuộc của tất cả các tỉnh, thành phố ĐBSCL, trong đó Bạc Liêu được phân bổ 50 chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ và tỉnh đã xây dựng cho riêng mình Đề án Mekong 50. Đến thời điểm này, số lượng ứng viên mà Bạc Liêu đưa đào tạo đạt khoảng 80%, tại nhiều trường thuộc các quốc gia ở khắp 4 châu lục, trong đó có cả những quốc gia rất phát triển như: Anh, Thụy Điển, Nhật Bản, Úc… với chi phí mỗi người lên đến vài chục ngàn đô-la Mỹ. Theo đánh giá của Văn phòng Chương trình Mekong 1.000, nhìn chung, các ứng viên được đào tạo có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trình độ cao, năng lực và tác phong làm việc hiện đại… Có thể nói, Mekong 50 là một động thái “đi tắt đón đầu”, giúp ứng viên rộng cửa du học mở mang tài trí, tạo ra một đội ngũ giàu tri thức hiện đại, từ đó mở ra hy vọng to lớn cho sự phát triển của Bạc Liêu trong tương lai.
Cùng với chương trình Mekong, thời gian qua, Bạc Liêu cũng đã có nhiều quyết sách trong việc phát triển nguồn NLCLC như: lên kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để chuẩn bị nguồn cán bộ kế cận; lựa chọn những cán bộ có trình độ chuyên môn khá để đưa đi đào tạo chuyên sâu, rồi sau khi được đào tạo, những cán bộ này đã trở thành các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực của tỉnh…
Song song với việc đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ tại chỗ, Bạc Liêu còn có hàng loạt chủ trương mời gọi nhân tài với nhiều chế độ đãi ngộ cực kỳ hấp dẫn như: cam kết về Bạc Liêu phục vụ trong thời gian ít nhất 5 năm đối với trình độ thạc sĩ được trợ cấp 100 triệu đồng; bác sĩ chuyên khoa I được trợ cấp 50 triệu đồng; 7 năm đối với trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa II được hưởng mức trợ cấp là giáo sư - tiến sĩ: 500 triệu đồng, được bố trí nhà ở công vụ; phó giáo sư - tiến sĩ: 400 triệu đồng, được bố trí nhà ở công vụ; tiến sĩ: 300 triệu đồng, được bố trí nhà ở công vụ; bác sĩ chuyên khoa II: 200 triệu đồng, được bố trí nhà ở công vụ…
Nhờ có chính sách trải thảm đón nhân tài mà những năm qua, Bạc Liêu đã thu hút được hàng trăm kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về công tác, đem lại nguồn sinh khí mới trong cách làm việc, góp phần giúp chính quyền hoạch định những chính sách quan trọng trong phát triển KT-XH.
Vẫn thiếu người giỏi
Bạc Liêu đã đầu tư rất nhiều tâm sức trong việc xây dựng đội ngũ NLCLC, tuy nhiên bên cạnh những thành quả đạt được thì cũng đã lộ diện không ít bất cập. Hiện nay, thực trạng lãng phí “chất xám” (đào tạo chưa gắn với sử dụng), chảy máu “chất xám”, dịch chuyển “chất xám”… đang là thách thức đối với Bạc Liêu trong quá trình thực hiện 5 trụ cột phát triển KT-XH.
Trở lại với Đề án Mekong 50, mặc dù được đánh giá là một trong những địa phương của vùng ĐBSCL thực hiện tốt khi đưa đi đào tạo gần đạt chỉ tiêu và có nhiều ứng viên đã trở về cống hiến cho tỉnh, nhưng thật buồn là cũng có vài người chấp nhận bồi thường để được ở lại nước ngoài làm việc. Khá nhiều người thì “nói lời chia tay” sau một thời gian về Bạc Liêu công tác để đến các tỉnh, thành phố khác làm việc với mức thu nhập cao hơn. Rồi có trường hợp chuyển công tác khác không liên quan đến chuyên môn được đào tạo. Đó là trường hợp của thạc sĩ C.H được tỉnh đưa đi đào tạo ở Anh quốc. Trở về quê hương, sau một thời gian làm việc tại cơ quan được phân công công tác, C.H đã xin chuyển về cơ quan khác gần gia đình, bởi lương bổng, chế độ đãi ngộ không đảm bảo cho cuộc sống xa nhà. Mặc dù vẫn gọi là còn cống hiến cho tỉnh, nhưng kiến thức chuyên môn thì bỏ phí, vì công việc mới không liên quan gì đến những thứ C.H được đào tạo bên trời Tây! Oái oăm nhất là những người sau khi tốt nghiệp về, tỉnh không biết phân công ở vị trí nào, bởi cơ quan chuyên môn đã… đủ người. Đó là chưa kể hiện nay có vẻ như nguồn tuyển đã cạn và Mekong 50 gần như bị lãng quên trong sự dở dang. Thực trạng này là một bài học sâu sắc về việc lãng phí tiền của và “chất xám”. Theo phân tích của một số ứng viên tham gia Đề án Mekong thì, bên cạnh “lỗi” do ứng viên tự ý phá vỡ cam kết, còn có “lỗi” do tỉnh thực hiện quy trình ngược. Thay vì khảo sát nhu cầu sở này, ngành kia cần nhân lực như thế nào, bao nhiêu người rồi mới tuyển, cho đi đào tạo. Đằng này, khi đào tạo xong rồi mới tính đến chuyện “ấn” người về cơ quan nào đó.
Riêng về chính sách thu hút nhân tài cũng lắm gập ghềnh trong khâu thực hiện. Nhìn trên tổng thể, số lượng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đầu quân về Bạc Liêu làm việc chưa nhiều và chỉ tập trung chủ yếu ở ngành Y tế, trong khi các ngành khác thì thiếu trầm trọng. Bên cạnh đó, sau khi đã tuyển dụng được người tài rồi thì phát sinh những bất hợp lý như: Một số ngành, địa phương không sẵn sàng tiếp nhận NLCLC về làm việc; bố trí công việc không phù hợp với chuyên môn; không có cơ hội thăng tiến; không có điều kiện để nghiên cứu, ứng dụng các sáng kiến… Những nguyên nhân trên làm cho đội ngũ NLCLC chùn bước, bớt hăng say với công việc, từ đó hiệu quả công việc chưa được như kỳ vọng. Chưa kể việc dịch chuyển “chất xám” từ khối công lập sang tư nhân, làm ảnh hưởng ít nhiều đến công tác quản lý, điều hành hay việc nâng cao chất lượng chuyên môn của các cơ quan nhà nước.
Nhìn chung, công tác xây dựng nguồn NLCLC của Bạc Liêu thời gian qua đạt được một số thành tựu, nhưng bên cạnh đó cũng còn những hạn chế cần khắc phục. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải gắn đào tạo với sử dụng, gắn tuyển dụng với sử dụng, thậm chí là sử dụng ra sao đối với từng nhân tài, nếu không chúng ta sẽ lãng phí và cũng có thể là đánh mất “chất xám” một cách rất đáng tiếc. Để thực hiện tốt 5 trụ cột phát triển KT-XH, đây là vấn đề tỉnh cần đặt ra và cần có những hành động, giải pháp cụ thể ngay từ bây giờ.
Cẩm Huyền - Kim Chúc
- Bế mạc và trao giải các hội thi tại Hội xuân “Chợ quê ngày Tết”
- Đồng chí Võ Văn Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và chúc tết, tặng quà các cô, chú trong CLB Thắp hương Đền thờ Bác
- Đồng chí Võ Văn Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trao tặng quà tết cho công nhân, lao động tỉnh Bạc Liêu
- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương chúc Tết Khu căn cứ Tỉnh ủy Cái Chanh
- Đồng chí Võ Văn Dũng - Phó Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương thăm, chúc tết và tặng quà tại huyện Đông Hải