Tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển: Không thể chậm trễ

Thứ Ba, 08/10/2019 | 13:50

>> Bài 1: Hụt hẫng nguồn nhân lực chất lượng cao

Bài 2: Các trường chuyên nghiệp gỡ nút thắt chất lượng đầu ra

Với 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội thì sẽ có những ngành nghề, lĩnh vực được Bạc Liêu chú trọng nhiều hơn, nhất là những ngành công nghệ cao. Điều đó đặt ra cho nguồn nhân lực tỉnh nhà trong bối cảnh hiện nay những tiêu chí, tiêu chuẩn mới về kiến thức và kỹ năng làm việc. Trước sự hụt hẫng nhân tài cũng như để góp phần xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao (NLCLC) phục vụ 5 trụ cột, hệ thống giáo dục - đào tạo của tỉnh sẽ phải vào cuộc như thế nào?

Cô trò Trường cao đẳng Y tế Bạc Liêu tham gia hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp giỏi tỉnh Bạc Liêu năm 2018. Ảnh: Đ.K.C

Đã có sự chuẩn bị

Với hệ thống 4 trường chuyên nghiệp và dạy nghề, trong đó có 1 trường đại học và 3 trường cao đẳng, đào tạo đa dạng các ngành nghề, từ bậc trung cấp đến đại học, thậm chí là liên kết đào tạo sau đại học, Bạc Liêu hoàn toàn có ưu thế để xây dựng nguồn NLCLC phục vụ cho nhu cầu phát triển trong xu thế mới. Để nhập cuộc cùng tỉnh, các trường đã lên kế hoạch và đang thực hiện một số bước cơ bản ban đầu. Cụ thể là mạnh dạn đề xuất, xin chủ trương của tỉnh để đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, chuẩn hóa trình độ đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng nguồn tuyển… cho phù hợp với tình hình mới.

Dự kiến vào cuối năm nay, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu sẽ dời về cơ sở mới khang trang, hiện đại hơn với những phòng học, phòng thực hành, nghiên cứu ứng dụng đạt chuẩn trong khu đô thị mới Hoàng Phát. Cùng với đó, tổ chức các buổi tọa đàm, đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp cho học sinh; hay tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên, học sinh - sinh viên nâng cao kiến thức thông qua việc tổ chức rất nhiều hội thi, hội thảo… cũng là những giải pháp của trường trong việc nâng cao chất lượng nguồn tuyển, chất lượng đào tạo trước yêu cầu mới. Với Trường cao đẳng Y tế Bạc Liêu, việc đầu tư mạnh cho các phòng thực hành, thí nghiệm, giảng đường được trang bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị hiện đại; nâng cao tay nghề cho đội ngũ giảng viên… là thế mạnh để trường nhập cuộc trong việc đào tạo NLCLC cho tỉnh nhà trong thời gian tới.

Đi đôi với việc hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên thì các trường cũng đang xây dựng những kịch bản mới trong công tác đào tạo, đặc biệt chú trọng nhiều hơn vào những ngành nghề liên quan đến 5 trụ cột kinh tế - xã hội của tỉnh. Nếu như trước đây các trường đều có chung kịch bản là “học trước - làm sau” thì bây giờ đang dần chuyển hướng sang vừa học - vừa làm, thậm chí một số ngành nghề còn làm trước - học sau. Ông Phạm Mạnh Cường, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, cho biết: “Trường đặc biệt quan tâm và có nhiều ý tưởng mới trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành nghề thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, thương mại, dịch vụ, du lịch. Để sản phẩm đầu ra đạt chất lượng tốt, trường sẽ chú trọng đào tạo theo hướng giảng viên vừa dạy vừa làm minh họa, học sinh - sinh viên vừa học vừa thực hành. Và để làm được điều này, trường không chỉ tăng thời lượng nghiên cứu, thực nghiệm cho sinh viên tại các doanh nghiệp, mà còn liên kết với các doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ thực hành thực tập của học sinh - sinh viên, cũng như học tập thực tế của giảng viên tại doanh nghiệp”.

Riêng Trường đại học Bạc Liêu, không chỉ tổ chức nhiều hội thảo về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội… mà còn tích cực tổ chức các chuyến làm việc, học tập kinh nghiệm với các đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Những chuyến đi này đã mở ra triển vọng mới trong liên kết đào tạo trình độ đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… hỗ trợ đắc lực trong phát triển NLCLC phục vụ các trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Sinh viên Trường đại học Bạc Liêu và Trường đại học Quốc gia Jeju (Hàn Quốc) kiểm tra hệ thống của dự án hợp tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của sinh viên 2 trường. Ảnh: đơn vị cung cấp

Vẫn còn những thách thức

Mặc dù hiện tại các trường đã có bước chuẩn bị khá chu đáo trong đào tạo nguồn NLCLC phục vụ 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, nhưng liệu sự chuẩn bị này đã đủ chưa, khi mà thực tế đã qua cho thấy chất lượng đào tạo, cũng như sản phẩm đầu ra của các trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội? Minh chứng là cách đây không lâu, một công ty lớn về mở chi nhánh tại Bạc Liêu cần tuyển ứng viên sử dụng thành thạo 2 ngoại ngữ. Thế nhưng “tìm đỏ mắt” vẫn không có ai đáp ứng được yêu cầu này. Còn trong một lần tham quan thực tế tại Công ty Việt Úc - Bạc Liêu, chúng tôi được người quản lý ở đây chia sẻ thẳng thắn: “Vì yêu cầu công việc, công ty tuyển khá nhiều kỹ sư trẻ nhưng chủ yếu từ các trường đại học ngoài tỉnh. Chỉ có ít sinh viên tốt nghiệp ở các trường trong tỉnh được tuyển dụng, nhưng sau đó công ty vẫn phải tốn thời gian, chi phí đưa đi đào tạo lại”.

Rõ ràng đã đến lúc các trường chuyên nghiệp cần có những giải pháp chiến lược trong nâng cao chất lượng nguồn tuyển, không vì mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ điểm chuẩn, để rồi chất lượng đầu ra không đảm bảo, ảnh hưởng lớn tới việc đào tạo nguồn NLCLC cho tỉnh. Thêm nữa, trong quá trình đào tạo, ngoài trang bị kiến thức chuyên ngành thì cũng cần chăm bồi toàn diện cho sinh viên những kỹ năng mềm, ngoại ngữ, khả năng thích ứng với môi trường làm việc năng động thời kỳ 4.0 mà xã hội đang hướng đến.

Năm trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chú trọng vào những ngành công nghệ cao và chất lượng cao như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo; thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao… Đây được xem là một bước chuyển đổi từ những ngành nghề với cách làm thủ công, truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao. Từ đó tạo ra một số thay đổi về nhu cầu lao động của tỉnh. Đây là thách thức không nhỏ đối với các trường chuyên nghiệp, dạy nghề. Theo chia sẻ của lãnh đạo các trường, với những ngành nghề ứng dụng công nghệ cao thì đòi hỏi phải đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ giảng dạy hiện đại với kinh phí hàng tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn kinh phí rót về cho các trường hàng năm khá hạn hẹp, nên dù có lên kế hoạch cỡ nào, tính toán ra sao cũng đành phải “lực bất tòng tâm”. Vì vậy, một khi đã tính đến bài toán đào tạo nguồn NLCLC, tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến đầu tư kinh phí, linh động các nguồn vốn để giúp các trường gỡ nút thắt này.

Song song đó, ngoài việc dự báo cụ thể nhu cầu nhân lực, tỉnh cũng cần tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các trường chuyên nghiệp với các cơ quan, doanh nghiệp, công ty để đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, chứ đừng để “phận ai nấy làm”, khiến các trường phải tự “mò mẫm” đào tạo theo những gì mình có.

Thực tế đã minh chứng, Bạc Liêu là địa phương có nền tảng tốt trong việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao để phục vụ cho 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được “đánh thức” để chuyển mình. Đã đến lúc các cơ sở giáo dục - đào tạo trên địa bàn cần xây dựng một kịch bản mới trong đào tạo để phát huy đúng mức những lợi thế về NLCLC của tỉnh trong xu thế mới.

Cẩm Huyền - Kim Chúc

Rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu. Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.

(Trích Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4) 

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.