Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế: Thống nhất tư duy, linh động thực hiện

Thứ Hai, 15/05/2023 | 10:53

Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" khẳng định mục tiêu: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đi cùng với tinh gọn bộ máy là tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.

Khi Nghị quyết đi vào cuộc sống, đã có những cách làm mang tính đột phá, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị khu vực công. Tuy nhiên, những vấn đề nảy sinh trên thực tế đã cho thấy không phải mô hình nào cũng phù hợp cho tất cả các địa phương. Cho nên đều cần thiết nhất bây giờ là sự thống nhất về tư duy giữa các cấp cũng như việc áp dụng cách làm một cách linh hoạt, sáng tạo nhưng cũng phải phù hợp thực tiễn.

Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tách 2 Sở VH-TT-TT&DL và Sở GD-KH&CN thành 4 sở. Ảnh: H.T

Bài 1: Tinh gọn bộ máy - không chỉ là phép tính cơ học

Tháng 11/2018, tại kỳ họp bất thường, HĐND tỉnh Bạc Liêu đã thống nhất chủ trương đã họp phiên bất thường thông qua nghị quyết sáp nhập một số sở, ngành của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã hợp nhất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) với Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT), thành lập Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; hợp nhất Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thành lập Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ.

Kỳ vọng sự đột phá

Hai "siêu sở" này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2019 và Bạc Liêu là tỉnh duy nhất của cả nước có 2 "siêu sở" này. Bên cạnh việc thành lập 2 sở mới từ việc hợp nhất 4 sở, Bạc Liêu cũng chuyển Ban Tôn giáo (trực thuộc Sở Nội vụ) hợp nhất với Ban Dân tộc (trực thuộc UBND tỉnh) để có sự gắn kết chặt chẽ hơn trong thực hiện nhiệm vụ tôn giáo và dân tộc. Đồng thời, việc kết thúc hoạt động Sở Ngoại vụ, chuyển chức năng của Sở này về Văn phòng UBND tỉnh. Có thể nói, việc sáp nhập, kết thúc hoạt động các sở ngành là sự tâm huyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc xây dựng mô hình đột phá trong thực hiện Nghị quyết 18.

Về lý thuyết, lĩnh vực hoạt động của các sở hợp nhất có sự tương đồng, cũng như trước đó có sự liên quan trong hoạt động. Cụ thể, đối với Sở VH, TT&DL và Sở TT-TT, trong giai đoạn 1990 - 2007 đã có Bộ Văn hóa - Thông tin, ghép từ 2 Bộ: Bộ Văn hóa và Bộ Thông tin giai đoạn trước, cấp tỉnh cũng có Sở tương đương. Trước khi tiến hành sát nhập, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Sở Nội vụ khảo sát thực tế, kết quả cho thấy, 2 sở này có sự tương đồng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông với công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa như: báo chí - xuất bản; bưu chính - viễn thông; tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin điện tử; quảng cáo trên báo chí, trên mạng… 

Đối với việc hợp nhất Sở GD-ĐT với Sở KH-CN, theo đề án của UBND tỉnh thì 2 sở này cũng có những chức năng, nhiệm vụ liên quan mật thiết với nhau. Bởi 2 sở này đều là cơ quan tham mưu của UBND tỉnh trong việc nghiên cứu, ứng dụng các nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và đời sống, tương đồng với quản lý giáo dục và đào tạo. Sau khi hợp nhất, với tên gọi Sở Giáo dục - Khoa học và Công nghệ (GD-KH&CN) sẽ có sự đồng nhất trong tham mưu tốt với UBND tỉnh trên nhiều lĩnh vực như: quản lý giáo dục, nghiên cứu khoa học; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ và hạt nhân… 

Tái lập để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý

Theo khảo sát của Sở Nội vụ, việc hợp nhất 2 Sở VH, TT &DL và Sở TT-TT đã làm giảm được 8 phòng chuyên môn, 6 biên chế. Đối với 2 Sở GD&ĐT cùng KH&CN, sau khi hợp nhất thành Sở GD-KH&CN cũng giảm tương đương. Riêng Ban Tôn giáo - Dân tộc sau khi về chung nhà đã giảm được 3 biên chế. Rõ ràng, việc hợp nhất các sở, ngành đã có kết quả bước đầu trong việc giảm đầu mối, giảm số lượng biên chế, làm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm được ngân sách cho hoạt động. Cùng với một số tỉnh như Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang, Cà Mau, Bạc Liêu lúc ấy đã được xem là một trong các địa phương mạnh dạn trong việc thực hiện hợp nhất sở ngành.

Tuy nhiên, sau 4 năm hoạt động, 2 sở vừa được thành lập đã lại phải tách ra, trở lại thành 4 sở như trước đây. Theo UBND tỉnh, sau một thời gian hoạt động, 2 sở chưa bổ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chung, dẫn đến không phát huy hiệu quả. Song song đó, khối lượng công việc của các sở rất lớn và cùng lúc chịu sự quản lý, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn của 2 Bộ chuyên ngành nên gây không ít khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch có nhiều tiến bộ nổi trội hơn; còn lĩnh vực khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông chưa thực sự phát huy hết vai trò.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát những bất cập, hạn chế trong thực hiện các đề tài khoa học của Sở GD-KH&CN. Ảnh: H.T

Nói cách khác, 4 sở cũ từ sau khi hợp nhất thành 2 sở mới chỉ có sự kết hợp cơ học về bộ máy mà thật sự chưa có sự "thẩm thấu", hỗ trợ nhau để phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước nên hiệu quả, hiệu lực quản lý chưa được nâng cao như mong muốn, thậm chí ở một số lĩnh vực còn có sự hụt hẫng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, để nâng cao chỉ số chuyển đổi số (xếp 63/63 tỉnh thành vào năm 2021) thì Bạc Liêu cần tái lập Sở Thông tin và Truyền thông. Ở góc độ nào đó, có thể nói công tác chuyển đổi số chưa được chú trọng khi Sở Thông tin và Truyền thông "về chung nhà" với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đã có nhiều đánh giá từ việc hợp nhất và sau đó là chia tách trở lại 4 sở ngành của Bạc Liêu, tuy nhiên nếu xét về mặt chủ trương thì đây là một bước thử nghiệm đầy tính đột phá của Bạc Liêu bởi đến thời điểm ấy dù đã manh nha nhưng số tỉnh đăng ký thực hiện việc ghép sở, ngành vẫn rất ít. Và sau thời gian hoạt động không hiệu quả như kỳ vọng, tỉnh đã quyết tâm "sửa sai" bằng việc hồi phục lại các đơn vị ban đầu nhằm đảm bảo hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Ông Nguyễn Huy Thái - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: "trước đây Bạc Liêu cũng đã đề nghị và được đưa vào quy hoạch đối với Dự án Nhiệt điện Cái Cùng. Nhưng sau đó chúng ta đã kiên quyết xin bỏ vì dự án không phù hợp với đường hướng phát triển xanh. Đối với việc tái lập 4 sở từ 2 "siêu sở", về bản chất cũng tương đương. Chúng ta mong muốn tạo đột phá nhưng kết quả không như kỳ vọng thì chúng ta phải mạnh dạn nhìn nhận và khắc phục".

Một mô hình sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương tinh gọn bộ máy không đạt hiệu quả như mong muốn và nhanh chóng kết thúc, đó cũng là quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề cần nhìn nhận sau câu chuyện này là "công thức" ghép sở ngành - vốn sẽ trở thành xu hướng sau này. Hai đơn vị là hai bộ máy với nhân sự cụ thể, có trình độ chuyên môn, tâm tư, nguyện vọng khác nhau, khi ghép vào cùng một tổ chức tất yếu sẽ có những khác biệt không thể giải quyết một sớm một chiều. Vì vậy, nếu chỉ xem việc ghép sở ngành là một bài toán cộng cơ học thì sẽ không bao giờ đạt đến đích cuối cùng là hình thành một tổng thể hài hòa cả về con người và hiệu quả công việc.

Thanh Lâm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.