Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tháo gỡ rất nhiều vấn đề cả trước mắt và lâu dài
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 1/6/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận cả ngày tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Các đại biểu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: quochoi.vn
Các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chủ yếu tập trung vào đánh giá và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH của đất nước. Trong đó đề cập nhiều đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và các Chương trình mục tiêu quốc gia, các giải pháp về phát triển kinh tế, du lịch, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp, bình ổn giá. Bên cạnh đó, các vấn đề về giáo dục - đào tạo, việc tăng học phí, giá sách giáo khoa, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, vấn đề của ngành Y tế, việc nghiên cứu khoa học - công nghệ, vấn đề xuất khẩu lao động, bảo hiểm xã hội, giải quyết hồ sơ tồn đọng, công nhận liệt sĩ, người có công và tìm kiếm xác định danh tính liệt sĩ; cơ chế chính sách về huy động vốn, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học - công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến; về giám sát, quản lý thị trường bất động sản, chứng khoán, chống thất thu thuế, tiêu cực trong đấu giá đất, vấn đề xử lý nợ xấu và đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 cũng được đề cập nhiều.
Trong bài phát biểu thảo luận, đóng góp ý kiến về Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021 gửi đến Quốc hội, đồng chí Lữ Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, có những thời điểm đã bùng phát mạnh, tạo nên những khó khăn, trở ngại chưa từng có tiền lệ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH ở nước ta; gây nên những tác động nghiêm trọng và toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, điều hành của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc; cùng với quyết tâm to lớn và nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng, đồng thuận và ủng hộ của Nhân dân, đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ và đã đạt được nhiều kết quả, nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Nền kinh tế nước ta phục hồi khá nhanh với tốc độ tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực khá cao; không chỉ trong sản xuất nông nghiệp; mà còn trong lĩnh vực công nghiệp; dịch vụ… Chỉ số bán lẻ tăng cao đã minh chứng rằng: Các giải pháp kích cầu của Chính phủ đã thật sự phát huy tác dụng, thúc đẩy kinh tế phát triển phù hợp sau đại dịch. Đặc biệt, Nghị quyết 128 của Chính phủ đưa ra rất kịp thời, giúp cho nền kinh tế - xã hội của nước nhà phát triển rất tốt trong thời gian qua.
Trong bối cảnh KT-XH như hiện nay, ĐBQH Lữ Văn Hùng kiến nghị Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung xem xét các dự án Luật đang được cử tri quan tâm, theo dõi, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi). Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tháo gỡ rất nhiều vấn đề cả trước mắt và lâu dài.
Bên cạnh đó, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần tập trung giám sát, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển KT-XH năm 2022; đặc biệt là Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đã đi vào cuộc sống như thế nào? Có phát huy được hiệu quả như mong đợi của Quốc hội khi tiến hành Kỳ họp bất thường để thông qua nghị quyết này hay không? Từ đó, ưu tiên thảo luận để có những quyết định kịp thời về các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cũng như huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, bảo đảm thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đặc biệt quan tâm đến chính sách đối với đội ngũ cán bộ y tế. Trải qua 4 đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua, đã và đang bộc lộ những bất cập trong thực hiện chính sách đối với lực lượng này, nhất là ở tuyến cơ sở.
K.P