Tự hào những anh hùng đất Bạc Liêu

Thứ Sáu, 28/04/2017 | 14:44

Bạc Liêu có rất nhiều nhân vật lịch sử gắn liền với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc. Trong đó có 36 nhân vật được Nhà nước Việt Nam phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND). Đây là những người con của đất Bạc Liêu gắn liền với đạo đức, phẩm chất cách mạng cao đẹp, lập nhiều thành tích đặc biệt trong cuộc chiến chống quân thù xâm lược…

Bà Huỳnh Thị Phụng - vợ liệt sĩ Ngô Quang Nhã (thứ 5, từ phải  qua) và người thân trong gia đình chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh trong buổi hội thảo về nhân vật lịch sử Ngô Quang Nhã. Ảnh: T.H

“Sống cho đáng sống, chết cho xứng đáng”

Đó là câu nói còn vang vọng đến mai sau của AHLLVTND Ngô Quang Nhã. Theo tài liệu của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ông sinh năm 1936, quê ở ấp Giồng Bướm, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi. Ngô Quang Nhã tham gia cách mạng vào năm 1959, trong thời điểm phong trào cách mạng bị địch khủng bố ác liệt nhất, chúng tăng cường truy tìm và tiêu diệt cộng sản để từng bước thực hiện Luật 10/59.

Với tinh thần cách mạng triệt để, chấp nhận hy sinh, Ngô Quang Nhã góp phần to lớn cùng du kích xã Châu Thới tổ chức đánh chiếm đồn Châu Thới và đồn Năm Tiến (năm 1960). Đồng thời, với sáng kiến “dùng kế hỏa công”, đồng chí đã cùng quân ta giải phóng xã Mỹ Quới.

Là chỉ huy trung đội trên 20 người, đồng chí đã cùng với đơn vị làm chủ nhiều đoạn trên quốc lộ. Trong lần tập kích đoàn xe địch trên cầu Phú Giáo, bị thương và biết mình không thể vượt vòng vây, đồng chí vẫn chiến đấu ngăn địch đến phút cuối cùng cho đồng đội rút lui an toàn. Khi súng hết đạn, đồng chí quyết không để địch bắt mà dùng 2 quả lựu đạn rút chốt chờ sẵn, đợi khi địch đến cho lựu đạn nổ, diệt tại chỗ 3 tên địch rồi anh dũng hy sinh.

Trong 6 năm tham gia cách mạng đầy gian khổ, liệt sĩ Ngô Quang Nhã đã trực tiếp chỉ huy và tham gia trên 40 trận đánh. Phá hủy 4 đồn bót, góp phần giải phóng 2 xã thoát khỏi ách kìm kẹp của Mỹ - ngụy. Năm 2000,  liệt sĩ Ngô Quang Nhã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cao quý AHLLVTND.

Liệt nữ anh hùng

Sớm “quên mình” là phận nữ nhi, với lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, bà Lê Thị Riêng (sinh năm 1925, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) đã tham gia hoạt động cách mạng với tinh thần quả cảm, đầy nhiệt huyết từ khi 20 tuổi.

Kiên cường, bất khuất, sẵn sàng chịu gian khổ, hy sinh, bà liên tục lập nhiều thành tích và trở thành Ủy viên Ban Chấp hành phụ nữ Nam bộ, phụ trách khu vực miền Đông năm 1949. Sinh hai con trai khi lập gia đình với một cán bộ cách mạng, năm 1960, khi cuộc chiến đi vào giai đoạn ác liệt nhất, bà gửi hai con ra miền Bắc, rồi cùng chồng tham gia kháng chiến. Cuối năm đó, chồng bà anh dũng hy sinh. Năm 1968, trên đường đi công tác, đồng chí Lê Thị Riêng bị địch phục kích bắt giam và giết hại, hy sinh vào mùng 2 Tết Mậu Thân.

Với công lao vì đất nước, liệt sĩ Lê Thị Riêng được truy tặng Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Công viên, đường, trường học tại TP. Hồ Chí Minh và Bạc Liêu được vinh dự mang tên của liệt sĩ, để mãi nhắc nhớ công ơn người nữ anh hùng.

Chiến đấu đến viên đạn cuối cùng

Cùng hoạt động cách mạng sôi nổi trong thời kỳ chống Pháp, AHLLVTND Trần Hồng Dân (tên thật là Trần Văn Thành) dù nằm xuống với đất mẹ nhưng đời đời vẫn được người dân Bạc Liêu thương tưởng bởi quá trình chiến đấu anh dũng, tinh thần hy sinh vì đồng đội, nhân dân. Mười năm tham gia cách mạng, sự kiên cường của đồng chí càng tô đậm chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Huyện Hồng Dân chính là địa danh được Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ quyết đặt theo tên của AHLLVTND Trần Hồng Dân (1916 - 1946).

Sinh ra tại quận Phước Long (nay là xã Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng), thời kỳ Mặt trận dân chủ, đồng chí Trần Hồng Dân đảm nhận nhiệm vụ Hội trưởng Hội Ái hữu của học sinh rồi Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh quận Phước Long, Bí thư Quận ủy Phước Long kiêm Ủy viên Bộ Tham mưu Dân quân cách mạng Quân khu 9. Tháng 4/1941, về công tác tại Cần Thơ, đồng chí bị địch bắt, đày ra Côn Đảo.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, đồng chí tham gia chuyến tàu đầu tiên cùng Bác Tôn Đức Thắng, đồng chí Lê Duẩn về đất liền và tiếp tục công tác tại quận Phước Long. Tháng 6/1946, trong một trận càn quy mô của Pháp, đồng chí chiến đấu với cả trung đội địch đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh để bảo vệ đồng đội và cơ quan. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cho đến phút nằm xuống, đồng chí Trần Hồng Dân luôn trung thành, đặt lợi ích của Đảng lên trên hết.

Ông Huỳnh Kim Gia, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh, khẳng định: “Bạc Liêu có 36 AHLLVTND thì đó là 36 tấm gương trung thành, cống hiến, hy sinh vì đất nước. Họ thật sự là những anh hùng bất khuất”.

Đình Hải

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.