Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Tự hào những con đường mang tên các anh hùng, liệt sĩ
Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, tỉnh Bạc Liêu đặt tên cho những con đường từ tên của các vị danh nhân, anh hùng dân tộc, các liệt sĩ đã có công đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, cho độc lập, tự do. Đó cũng là một cách thiết thực để giáo dục truyền thống, bồi đắp tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ.
Một góc đường Ngô Quang Nhã (Phường 1, TP. Bạc Liêu). Ảnh: K.P
TÊN ĐƯỜNG - MỘT CÁCH TRI ÂN, TƯỞNG NHỚ
Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi chạy xe máy vòng quanh các tuyến đường trong nội ô TP. Bạc Liêu, lòng tôi cũng như nhiều người chợt thấy dâng trào bao cảm xúc. Không xúc động sao được khi đó là những con đường mang tên các vị anh hùng, liệt sĩ qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Máu xương của họ đã nằm lại mãi mãi với lòng yêu nước nồng nàn tại mảnh đất này, hoặc ở nhiều nơi khác trên khắp chiều dài của dải đất hình chữ S. Nhưng những gì họ hy sinh, cống hiến đã góp phần làm nên chiến thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Người đã nằm xuống nhưng những con đường mang tên các vị Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) như đường Ngô Quang Nhã, Phùng Ngọc Liêm, Tô Minh Xuyến, Nguyễn Thị Mười, Lê Thị Riêng, Lê Thị Cẩm Lệ… thì vẫn còn lưu mãi dấu ấn hào hùng, những trang sử sáng ngời khí phách của các anh hùng, liệt sĩ.
Chúng tôi có mặt tại nhà của Anh hùng LLVT Ngô Quang Nhã (Phường 2, TP. Bạc Liêu), và may mắn gặp được vợ ông - bà Huỳnh Thị Phụng. Nhắc về chồng mình, bà Phụng không nén được niềm tự hào, yêu thương. Bà nói: “Ông ngày xưa gan dạ, dũng cảm lắm. Con đường ông theo đấu tranh là lý tưởng, không có gì ngăn bước chân được đâu”. Thuở ấy, bà đã nguyện làm hậu phương vững chắc cho ông yên tâm đánh giặc. Năm nay bà Phụng đã 86 tuổi, vừa đẹp người lại khỏe mạnh, phúc hậu. Khi nghe chúng tôi khen, bà cười nói: “Đó cũng là nhờ cái phúc đức của chồng tôi. Ổng đã hy sinh cả cuộc sống của mình để con cháu có ngày hôm nay”. Kể về những con đường, ngôi trường mang tên Ngô Quang Nhã, bà Phụng tự hào: “Tôi và các con tự hào về chồng, về cha của mình lắm. Ông đã hy sinh gần 60 năm, nhưng qua những địa danh, con đường mang tên ông, thì cũng như ông sống mãi”.
ĐỂ NGƯỜI DÂN HIỂU HƠN VỀ GIÁ TRỊ CỦA NHỮNG TÊN ĐƯỜNG
Tên đường phố không chỉ mang nét đặc trưng văn hóa, văn minh đô thị, mà còn góp phần quan trọng giáo dục, giới thiệu lịch sử, truyền thống cho Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đặc biệt là với những tên đường mang tên những người con của quê hương Bạc Liêu, có những cống hiến, hy sinh vì độc lập, vì hòa bình cho đất nước. Dù Bạc Liêu đã hoàn thiện việc đặt tên đường, trong đó có nhiều con đường mang tên những người anh hùng của quê hương, nhưng không phải người Bạc Liêu nào cũng biết, cũng hiểu hết ý nghĩa của những tên đường đó. Cho nên, vấn đề cần thiết vẫn là làm cách nào để thông qua những tên đường mà chúng ta thấy hàng ngày, thậm chí là ở trên những tuyến đường đó thêm hiểu, thêm yêu thương và trân trọng lịch sử.
Không ít địa phương trong cả nước đã bắt đầu sử dụng các biển giải thích gắn cạnh tên đường, tuyến phố. Biển giải thích người có tên trên tấm biển đó sống thời kỳ nào, công lao đối với dân tộc ra sao trong lịch sử. Để khi đi trên đường phố, chúng ta thêm trân trọng, tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc, qua đó sẽ học được lịch sử, học được văn hóa, nhất là giới trẻ.
KIM PHƯỢNG