Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chất vấn và trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tòa án và Viện Kiểm sát
Ngày 20/3, thực hiện chương trình phiên họp thứ 21, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tòa án và Viện Kiểm sát. Tham dự tại điểm Nhà Quốc hội có Chủ tịch nước - Võ Văn Thưởng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Phiên họp được kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu Bạc Liêu có ông Nguyễn Huy Thái - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bạc Liêu, đồng chí Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng các ĐBQH, lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Bạc Liêu.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ cho biết, ngành Tòa án và ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Đối với ngành Tòa án, là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Còn ngành KSND, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ cho rằng, với hoạt động đặc thù thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, ngành KSND đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành ngày càng tốt hơn trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nổi lên là: vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; còn xảy ra một số trường hợp Tòa án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; đình chỉ vụ án, đình chỉ quyết định khởi tố bị can do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm; có trường hợp Viện Kiểm sát phải rút quyết định truy tố; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính, kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội...
Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ đề nghị các vị ĐBQH đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, tranh luận một cách thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao để góp phần làm rõ thực trạng và đề xuất được các giải pháp phù hợp, hữu hiệu.
“Tôi tin tưởng rằng, qua phiên chất vấn hôm nay sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành Tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi trong giai đoạn mới; nhất là phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành cơ bản mục tiêu ‘Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân’ như Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định”, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ bày tỏ.
Tại phiên chất vấn Tòa án Nhân dân tối cao và Viện KSND tối cao, các ĐBQH đã tập trung chất vấn các nội dung nhằm đưa ra các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án. Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt, làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa.
Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Công tác cán bộ của ngành Kiểm sát; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ bản lĩnh, trách nhiệm của kiểm sát viên và các công chức của Viện kiểm sát; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát để kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền...
Trả lời chất vấn ĐBQH đặt ra, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện KSND tối cao - Lê Minh Trí đã trả lời chất vấn một cách thỏa đáng và đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử cũng như kiểm sát giải quyết các vụ án trong thời gian tới…
Tin, ảnh: M.Đạt
- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Trần Thị Hoa Ry trao tặng 100 suất quà cho đoàn viên, người lao động khó khăn tại Bạc Liêu
- Họp mặt đồng hương Minh Hải cũ tại TP. Hồ Chí Minh
- Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn làm việc với Sở NN&PTNT về công tác chuẩn bị Festival nghề Muối 2025
- Kỷ niệm 60 năm thành lập Bảo Việt và 28 năm thành lập Công ty Bảo Việt Bạc Liêu
- LĐLĐ huyện Đông Hải thực hiện đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu đề ra