Vang mãi chiến thắng 30/4

Thứ Hai, 29/04/2024 | 14:33

“Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, TP. Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Cờ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc phủ Tổng thống ngụy quyền…”. Đó là mở đầu bản tin thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam phát ngay trưa 30/4/1975 - thời khắc Sài Gòn vừa hoàn toàn giải phóng.

Vỡ òa bản tin chiến thắng

Thật bất ngờ khi tôi nghe lại bản tin ấy trên Quảng trường Hùng Vương (TP. Bạc Liêu) vào chiều muộn ngày 28/4/2024! Một cụ ông vừa tản bộ trên quảng trường, vừa đăm chiêu lắng nghe bản tin ấy phát ra từ chiếc radio nhỏ ông mang trên người. Với âm lượng khá lớn, những người xung quanh ông đều nghe thấy. Có thể, những người trẻ tuổi sẽ không hiểu hết ý nghĩa trọng đại của bản tin này, nhưng chắc chắn thế hệ U50 trở về trước và kể cả những ai hiểu biết về lịch sử dân tộc, sẽ thừa biết rằng, đây là bản tin từng làm lay động triệu triệu trái tim người dân Việt Nam thời khắc đó!

Một bản tin chiến thắng là cả niềm tự hào dân tộc cho đồng bào ta lúc ấy, cho thế hệ hôm nay và mai sau nữa, bởi đó là thời khắc vô cùng trọng đại khép lại cuộc chiến tranh ở đất nước Việt Nam. Trải qua những năm tháng đau thương, chiến đấu, hy sinh, cuối cùng làm nên mốc son chói lọi: Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước Việt Nam đã thống nhất thành một dải, không còn chia cắt đôi bờ!

... Chiến tranh lùi xa 49 năm, những người chứng kiến thời khắc ấy, đủ trí nhớ để nhớ chắc cũng đã tuổi cao, sức yếu như ông cụ nghe bản tin trên Quảng trường Hùng Vương mà tôi gặp. Nhưng, niềm vui chiến thắng trong thời khắc lịch sử 30/4 luôn vẹn nguyên trong ký ức và trong tâm thức mỗi người Việt Nam, không phân biệt độ tuổi, mỗi khi được nhắc nhớ, được ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc mình! Hay đơn thuần là mỗi khi nghe lại những khúc ca hào hùng, có 3 ca khúc bất hủ được ra đời và cất lên trong khoảnh khắc lịch sử ấy mà mỗi lần lắng nghe, dù chỉ là lớp người “sinh sau đẻ muộn”, chúng ta vẫn như được bước những bước chân hào hùng của người chiến thắng! Đó là “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà, “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên và “Mùa xuân trên TP. Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Xuân Hồng.

Cứ mỗi dịp kỷ niệm 30/4 lịch sử, những giai điệu hào hùng ấy lại vang lên, truyền lửa đến trái tim người nghe nhiều thế hệ. Bằng chất liệu lịch sử hài hòa với giai điệu âm nhạc, người sáng tác hôm qua giúp người thưởng thức hôm nay hiểu rõ hơn giá trị của chiến thắng làm nên Việt Nam thời đại mới!

Giáo viên và học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Định (TP. Bạc Liêu) viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh (huyện Hòa Bình) trong chuyến “Hành trình du lịch học sử” dịp 30/4 năm 2024. Ảnh: Thế Anh

Ôn cố tri tân

Hàng loạt hoạt động trên khắp mọi miền đất nước đã và đang được tổ chức để “ôn cố tri tân”. Ôn lại trang sử vẻ vang của ngày vui đại thắng, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với bao lớp người đi trước cũng là để giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu nước của thế hệ trẻ hôm nay. Một trong những hoạt động đó là chuyến “Hành trình du lịch học sử” cho cán bộ quản lý, giáo viên và 74 học sinh tiểu biểu của Trường tiểu học Nguyễn Thị Định (do nhà trường phối hợp với Đoàn Thanh niên Phường 1, TP. Bạc Liêu tổ chức).

Đoàn đã đến Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh (huyện Hòa Bình) làm lễ dâng hoa và thắp hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc niệm dưới cột cờ Tổ quốc uy nghiêm và xúc động trước dòng chữ “Tổ quốc ghi công”, các em học sinh càng hiểu hơn rằng, để non sông, đất nước Việt Nam được độc lập, thống nhất, tươi đẹp và rạng rỡ như ngày hôm nay, công lao của bao thế hệ đi trước là vô cùng to lớn! Còn tại Di tích lịch sử Nọc Nạng (TX. Giá Rai), các em được nghe giới thiệu về địa danh Nọc Nạng, về gia đình nông dân Mười Chức và sự kiện Nọc Nạng - sự kiện tiêu biểu cho tinh thần quả cảm của người nông dân đã tạo tiếng vang lớn đối với phong trào đòi lại ruộng đất của nông dân Nam Bộ.

“Chúng tôi mong muốn thông qua chuyến đi để giáo dục các em học sinh đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Chuyến hành trình đã để lại nhiều cảm xúc cho học sinh, giúp các em hiểu và biết ơn những gian khổ, hy sinh của ông cha, trân trọng giá trị của hòa bình, ra sức học tập, phấn đấu hơn nữa để không phụ công ơn của các thế hệ đi trước”, bà Nguyễn Thị Tình - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Định, cho biết.

Mỗi hoạt động được tổ chức để ôn lại mốc son lịch sử này đều mang ý nghĩa đặc biệt! Bởi đó là ngày mà chiến tranh khép lại, đất nước sạch bóng quân thù, hòa bình trở lại trên dải đất hình chữ S vốn yêu chuộng hòa bình, hòa hợp dân tộc! Đó là ngày non sông thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến chót mũi Cà Mau, vĩ tuyến 17 trên dòng sông Bến Hải chỉ còn là di tích lịch sử - dấu vết chia cắt một thời…

Chúng ta - những con người được may mắn sinh ra trong thời bình, không chứng kiến, không từng trải nỗi đau chiến tranh, nhưng sẽ luôn thấu hiểu! Hiểu để sống, học tập, lao động, làm việc và cống hiến cho đời khi có thể! Noi gương và đền đáp những hy sinh ấy bằng trái tim biết đập cùng nhịp đập của dân tộc, góp phần nhỏ bé làm “rạng rỡ Việt Nam” như câu hát: “… Đẹp niềm tin mãi mãi Tổ quốc muôn đời, trọn vẹn cả non sông thống nhất. Rạng rỡ Việt Nam!”.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.