Chính trị
Viết đề án tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị: Gắn công tác đào tạo với thực tiễn
Vài năm trở lại đây, học viên lớp cao cấp lý luận chính trị (LLCT) của Học viện Chính trị khu vực IV đã viết đề án tốt nghiệp thay cho cách thi truyền thống. Đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập đã đem lại lợi ích thiết thực cho cả người học, nhà trường và đơn vị (địa phương) cử người đi học.
Chuyển từ thi sang viết đề án
Ở đồng bằng sông Cửu Long, công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT, trong đó có đào tạo cao cấp LLCT cho cán bộ, đảng viên có bước phát triển quan trọng từ năm 2006 - thời điểm thành lập Học viện Chính trị khu vực IV (gọi tắt là Học viện IV) đóng tại TP. Cần Thơ. Trong 10 năm qua, Học viện IV đã mở 88 lớp cao cấp LLCT và cao cấp LLCT - hành chính, với 6.650 học viên. Đây là nguồn nhân lực quan trọng trong tiến trình quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý của các tỉnh, thành.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, tập thể giảng viên của Học viện IV đã nỗ lực biên soạn 12 chuyên đề bổ trợ, bắt đầu đưa vào giảng dạy trong chương trình cao cấp LLCT từ năm học 2014 - 2015 theo Đề án 1677 năm 2010 của Chính phủ. Không dừng ở đó, Học viện còn mạnh dạn đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập, xét công nhận tốt nghiệp từ thi tự luận sang viết đề án. Theo Ban giám đốc Học viện, sự thay đổi này hướng đến đưa công tác đào tạo cao cấp LLCT tiến sát thực tiễn cuộc sống, phục vụ trực tiếp công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương và ngăn ngừa gian lận trong thi cử.
Tham dự lễ bảo vệ đề án tốt nghiệp của lớp cao cấp LLCT A40 - Bạc Liêu vào cuối tháng 8 vừa qua, chúng tôi nhận thấy các học viên phấn khởi trước phương thức đánh giá kết quả đầu ra của Học viện IV. Ban đầu nghe đến việc làm đề án nhiều học viên e ngại, có cả lo lắng vì chưa từng thực hiện việc tương tự, nhà trường lại không phân công giảng viên hướng dẫn. Song sau khi được thầy cô gợi mở, định hướng đề tài, họ lại hứng thú với việc làm đề án. Bà Vũ Thị Phương Nam (Chánh văn phòng Ban Dân tộc Bạc Liêu) - học viên lớp cao cấp LLCT đầu tiên thực hiện viết đề án cho biết, phương pháp này đã giúp cơ quan xây dựng được đề án thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.
Theo ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Giám đốc Học viện IV, việc đánh giá kết quả học tập bằng thi tự luận, dù là đề đóng hay đề mở, thì học viên chủ yếu viết lại kiến thức trong sách vở, giáo trình. Còn theo quy chế mới, học viên tập làm đề án và phải vận dụng lý luận đã học để giải quyết vấn đề của cơ quan, địa phương. Qua đề án, không chỉ học viên thể hiện được sự sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức, mà giảng viên cũng cập nhật thực tế của địa phương. Việc áp dụng quy chế mới được tiến hành thận trọng, năm đầu tiên, Học viện chỉ chọn những học viên học tập giỏi viết đề án, sau đó mở rộng ra cho tất cả.
Học viên lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung A40 - Bạc Liêu bảo vệ đề án tốt nghiệp tại Trường Chính trị Châu Văn Đặng. Ảnh: N.Q
Tính khả thi cao
Các đề án do có sự định hướng, gợi mở của giảng viên và lãnh đạo cơ quan nên hầu hết đều có tính khả thi. Đề án tự chủ tài chính của Học viện do cô Nguyễn Thị Phượng - Trưởng phòng Tài vụ, Học viện IV thực hiện đã được đánh giá cao. Tường tận công tác tài chính của Học viện, đề tài gắn với nhu cầu của cơ quan nên quá trình thực hiện đề án, cô Phượng gặp nhiều thuận lợi. Sau khi tốt nghiệp, năm 2015, cán bộ, công chức toàn cơ quan đã cho ý kiến về đề án và được Bộ Tài chính, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện IV đồng ý áp dụng.
Ông Mai Hoài Thanh, Phó Giám đốc Công ty Petrolimex Tây Nam bộ - chi nhánh Bạc Liêu cũng tin tưởng đề án tốt nghiệp của mình: “Nâng cao chất lượng quản trị nguồn nhân lực tại đơn vị” sẽ được áp dụng thành công. Chi nhánh được lập ngót nghét 20 năm, từ một trạm xăng dầu với 4 cửa hàng, nay lên thành doanh nghiệp nên nguồn nhân lực và phương thức quản trị có nhiều điểm khác biệt. Do đó, giải pháp đầu tiên của đề án là nâng cao chất lượng nhân lực bằng cách đào tạo người lao động tại chỗ, đơn vị sẽ đầu tư một khoản kinh phí họ học. “Muốn anh em phát triển tốt phải đào tạo nghiệp vụ cho họ, từ cách tiếp xúc khách hàng, chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động, và phải bảo đảm chế độ, thu nhập từ bằng đến hơn mặt bằng chung của tỉnh”, học viên lớp A40 - Bạc Liêu này cho biết.
Còn đề án “Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tuyên giáo tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 - 2020” của học viên Lê Văn Dững mặc dù chưa được áp dụng hết vào thực tế, nhưng nó đã giúp đồng chí tham mưu cho lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tốt hơn. Thạc sĩ Nguyễn Bình Tân, Quyền Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá: Đề án đã phân tích, chứng minh, làm rõ thực trạng cán bộ tuyên giáo của tỉnh hiện nay và kiến nghị nhiều giải pháp có tính khả thi cao. Đề án đặt mục tiêu tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao năng lực, kỹ năng công tác của đội ngũ làm công tác tuyên giáo. Cụ thể, 100% cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có trình độ cử nhân trở lên, trong đó có 10/35 cán bộ có trình độ sau đại học, gần 14% cán bộ Ban Tuyên giáo, Ban Tuyên huấn cấp huyện, đoàn thể cấp tỉnh đạt trình độ thạc sĩ trở lên. Từ đề án này, một đề án quy mô lớn hơn đã được đề xuất.
Việc đào tạo, học tập LLCT thường được cho là khô khan, nặng tính lý luận, hàn lâm, nên chất lượng chưa như yêu cầu. Việc Học viện IV mạnh dạn thay đổi phương pháp đánh giá kết quả học tập lớp cao cấp LLCT là một nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết với “cây đời”, tạo hứng thú cho người học.
Song, để cách làm này hiệu quả hơn nữa, thiết nghĩ, Học viện và các địa phương cần có cơ chế phối hợp. Địa phương sẽ “đặt hàng” Học viện về nội dung giảng dạy, đề tài đề án tốt nghiệp. Chẳng hạn, đối với xã đang vướng tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới, thì khi lãnh đạo xã đó đi học cao cấp LLCT sẽ viết đề tài tốt nghiệp về vấn đề này. Thêm nữa, lãnh đạo cơ quan, đơn vị của học viên cũng cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ thực hiện và áp dụng đề án vào thực tế. Bởi đã có vài đề án bảo vệ xong là… cất vào tủ, không báo cáo với thủ trưởng cơ quan; cũng có học viên làm theo kiểu trả nợ, đại khái qua loa, hoặc thuê người viết. Làm được những điều này thì công tác đào tạo cao cấp LLCT của Học viện IV không chỉ thiết thực mà còn gắn bó với thực tiễn ở địa phương.
Trong bất cứ thời điểm nào của cách mạng Việt Nam, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ luôn là khâu then chốt. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải “vừa hồng, vừa chuyên”. Ngày nay, yêu cầu đó vẫn còn nguyên giá trị và có tính cấp bách hơn. Do đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. |
Nguyễn Quốc
- Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Quyết định của UBND tỉnh quy định điều chỉnh Bảng giá đất đến hết năm 2025
- Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh: Kiên quyết xử lý nghiêm cơ sở lợi dụng kinh doanh để hoạt động tệ nạn xã hội
- Hơn 1.500 học sinh tham gia chương trình “Đại sứ Shopee - Trường học hạnh phúc” năm học 2024 - 2025
- Triển khai nhiệm vụ công tác văn phòng cấp ủy năm 2025
- Huyện Đông Hải: Bàn giao nhà ở theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ tại xã Long Điền Tây