Vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A: Cần một nghị quyết mới để đột phá và tăng tốc

Thứ Hai, 23/08/2021 | 13:36

Để khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2013 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết 05 về phát triển vùng phía Bắc Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, với tình hình thực tiễn sản xuất đặt ra như hiện nay thì rất cần một nghị quyết mới làm “kim chỉ nam” cho kinh tế vùng Bắc.

Chế biến tôm xuất khẩu tại TX. Giá Rai.

NHIỀU THÀNH TỰU

Vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu có địa giới hành chính phía Đông giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Tây giáp tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, phía Bắc giáp tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang, phía Nam giáp Quốc lộ 1A với tổng diện tích tự nhiên 157.180ha. Trong đó, gồm các huyện Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Hòa Bình và TX. Giá Rai.

So với vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A, vùng Bắc có điều kiện sinh thái đặc thù, gồm vùng ngọt hóa hơn 77.200ha và vùng chuyển đổi sản xuất 79.974ha, chiếm 58,89% diện tích tự nhiên. Điều kiện sinh thái này đã tạo ra lợi thế riêng cho kinh tế vùng Bắc, vừa có thể sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái, cũng vừa phát triển cả con tôm và các loại thủy sản khác, đặc biệt đây được coi là vương quốc của mô hình sản xuất lúa - tôm.

Sau 8 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết 05, kinh tế vùng Bắc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và tạo nên những tiền đề cho phát triển nông nghiệp, nông thôn ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại. Như trong sản xuất lúa, đến nay đã đạt diện tích canh tác lúa trên 98.250ha (tăng 13.336ha so với năm 2013) và cho tổng sản lượng lúa hơn 1.160.000 tấn (tăng 153.179 tấn so với năm 2013). Đặc biệt, đã xây dựng và hình thành vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, lúa đặc sản tập trung, sản xuất hàng hóa lớn với các vùng chuyên canh lúa nước từ 2 - 3 vụ/năm với các giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày phục vụ xuất khẩu…

Hay trong nuôi trồng thủy sản, đến nay diện tích đất canh tác thủy sản đạt 71.202ha (tăng 5.723ha so với năm 2013). Trong đó, diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh 2.376ha (tăng 2.376ha so với năm 2013); diện tích tôm - lúa (nuôi tôm sinh thái, tôm sạch) 39.578ha (tăng 11.108ha so với năm 2013); diện tích nuôi cá nước ngọt và nuôi cua, cá nước mặn lợ 1.935ha (tăng 1.009ha so với năm 2013); sản lượng nuôi trồng thủy sản 98.079ha tấn (tăng 27.787 tấn so với năm 2013). Đồng thời, triển khai thực hiện đầu tư các dự án mở rộng mô hình sản xuất tôm - lúa trên địa bàn các huyện, thị xã ở khu vực có điều kiện sản xuất theo mô hình tôm - lúa…

Ngoài phát triển con tôm, cây lúa, lĩnh vực công nghiệp, chế biến cũng phát triển khá nhanh với 16 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, tổng công suất thiết kế 96.700 tấn/năm được đầu tư tương đối đồng bộ với dây chuyền hiện đại…

Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm trên đất lúa. Ảnh: K.T

CẦN MỘT NGHỊ QUYẾT ĐỘT PHÁ

Từ Nghị quyết 05 cho thấy, tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế vùng Bắc Quốc lộ 1A. Đó là sản xuất còn tự phát, manh mún và thiếu bền vững, các ngành nghề nông thôn phát triển chậm, quy mô nhỏ, phân tán. Cụ thể như sự phát triển của nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở các địa phương vùng Bắc hiện nay gần như tự mọc lên, sau đó mới được hợp thức hóa và không đảm bảo về vệ sinh môi trường và trong tương lai gần sẽ làm ảnh hưởng đến quy hoạch và sự phát triển bền vững.

Một bất cập khác - đó là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn diễn ra còn chậm, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và dư địa của vùng. Khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ của nông dân vào thực tế sản xuất còn thấp. Nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường còn hạn chế. Đến nay, ngay cả các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, việc thành lập và tham gia các hợp tác xã theo quy định vẫn còn là hình thức; bản thân nông dân vẫn chưa thấy được vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh tế hợp tác trong phát triển tam nông bền vững.

Thêm vào đó, hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, công nghiệp, cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu đồng bộ, nhất là về giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn yếu kém, bất cập, khó thu hút được các dự án có vốn đầu tư lớn để tạo động lực phát triển kinh tế vùng. Hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tuy có bước phát triển khá, song chưa bền vững, quy mô, năng lực sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiết bị công nghệ một số ngành, một số doanh nghiệp đã lạc hậu nhưng chậm được đổi mới, các khu - cụm công nghiệp chưa được xây dựng hạ tầng và trở thành điểm đến của nhà đầu tư hay giúp các địa phương giải quyết tốt bài toán ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất đã và đang nằm đan xen trong khu dân cư...

Nông dân huyện Hòa Bình thu hoạch lúa.

Do không có mặt bằng tốt nên việc huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các dự án động lực giải quyết được nhiều lao động của địa phương và tham gia giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực ở các địa phương hiện nay, mà cụ thể là ở vụ lúa hè thu này, khi thực hiện giãn cách xã hội, các địa phương đều điêu đứng vì lao động đã đi nơi khác kiếm sống nên không huy động được nguồn lực giúp nông dân cứu lúa...

Từ thực trạng trên cho thấy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần sớm ban hành một nghị quyết mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Quốc lộ 1A sâu sát hơn và làm “kim chỉ nam” giúp các địa phương chủ động xây dựng các nghị quyết chuyên đề hay kế hoạch gắn với thực hiện nghị quyết của từng Đảng bộ. Điều đó sẽ tạo nên những động lực to lớn để kinh tế vùng Bắc đột phá, tăng tốc và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu khi bản thân vùng Bắc Quốc lộ 1A dễ bị tổn thương nhất. Đồng thời, hình thành nên một vùng kinh tế năng động với huyện Phước Long được chọn làm trung tâm phát triển kinh tế - xã hội và góp phần khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh đặc thù của vùng sản xuất Bắc Quốc lộ 1A.

KIM TRUNG

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lưu Hoàng Ly: Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai xây dựng đường Hồ Chí Minh

Nhằm phát huy đúng mức tiềm năng và lợi thế của vùng phía Bắc Quốc lộ 1A, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung chỉ đạo phát triển ổn định địa bàn sản xuất chuyên lúa vùng ngọt ổn định khoảng 60.000ha và mở rộng địa bàn sản xuất theo mô hình tôm - lúa với quy mô từ 43.000 - 48.000ha ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, gắn với đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống công trình thủy lợi phân ranh mặn - ngọt, nạo vét hệ thống kênh mương bị bồi lắng, phát triển hệ thống trạm bơm điện vừa và nhỏ, từng bước thực hiện kiên cố hóa kênh mương (gia cố bờ kênh, xây dựng cống, đập, trạm bơm). Đồng thời, thúc đẩy hình thành các khu đê bao khép kín vùng tôm - lúa tạo vùng nguyên liệu sạch, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để mời gọi và thu hút các dự án sản xuất nâng cao năng suất phát triển vùng nguyên liệu sạch, an toàn phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất tôm sạch, lúa an toàn (giống lúa ST24, ST25, tôm giống sạch bệnh) đạt chứng nhận ASC, VietGAP, tiến tới sản xuất theo quy trình hữu cơ; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm và gắn kết chặt chẽ với chế biến, xuất khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nuôi trồng thủy sản. Xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, tôm sạch mang thương hiệu Bạc Liêu, xây dựng vùng nuôi an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai xây dựng đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu khoảng 6km), đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đường cao tốc Bạc Liêu - Hà Tiên và đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long (đường tỉnh ĐT 980 Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền nối với đường Hồ Chí Minh), nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông, vận chuyển trao đổi hàng hóa với các tỉnh. Bộ NN&PTNT sớm bố trí kinh phí xây dựng các trạm quan trắc, cảnh báo môi trường nước tự động để đại bộ phận người dân kịp thời phát hiện các chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép, giúp chủ động trong sản xuất. Sớm xem xét phê duyệt danh mục dự án kêu gọi FDI vào lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 thuộc vùng phía Bắc Quốc lộ 1A trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu với các dự án hợp tác, liên kết sản xuất lúa chất lượng cao gắn với chế biến xuất khẩu lúa gạo, xây dựng cánh đồng lớn…

Bí thư Huyện ủy Hồng Dân - Ngô Vũ Thăng: Xây dựng huyện Hồng Dân trở thành trung tâm sản xuất lúa và xuất khẩu gạo

Để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng hộ huyện đã ban hành Nghị quyết 04 về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Đồng thời, xây dựng huyện Hồng Dân trở thành trung tâm sản xuất lúa, xuất khẩu gạo của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Qua đó góp phần đưa kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh và tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A.

Để hoàn thành mục tiêu này, huyện Hồng Dân sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây được xem là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu nhằm nâng cao đời sống người dân, là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt cũng là mục tiêu lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, thu nhập của người dân là mục tiêu hàng đầu.

Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, có sự tham gia của toàn xã hội, huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư để phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, thổ nhưỡng ở cả hai vùng mặn - ngọt, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra bước đột phá trong nông nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu toàn diện ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng huyện Hồng Dân trở thành trung tâm sản xuất lúa và xuất khẩu gạo hàng đầu của tỉnh trong thời gian tới.

Phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản chiếm 52,51% trong GRDP; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm từ 7,5 - 8,5%; hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện; xã hội ổn định, môi trường sản xuất - kinh doanh được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân không ngừng nâng cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long - Trần Văn Liêm: Phước Long sẽ trở thành đầu mối liên kết các địa phương trong vùng sản xuất Bắc Quốc lộ 1A

Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về xây dựng huyện Phước Long trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Phước Long sẽ tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện về hạ tầng và thật sự trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Quốc lộ 1A. Cùng với đó, huyện Phước Long sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như: lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, tôm sạch, tôm công nghệ cao... đảm bảo hiệu quả và bền vững, nhất là cung cấp hàng hóa chất lượng cao cho thị trường xuất khẩu.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện sẽ chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường và kiên định mục tiêu không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển của từng ngành, lĩnh vực. Chất lượng giáo dục theo từng cấp học có thứ hạng cao. Phát triển hệ thống y tế chất lượng, hiện đại, đáp ứng khám chữa bệnh trong khu vực. Xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc; an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội đảm bảo, phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh. Đồng thời, đến năm 2030 huyện trở thành trung tâm phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các vùng lân cận, có cơ cấu kinh tế tích cực, đảm bảo bền vững; là đầu mối liên kết các địa phương trong vùng sản xuất Bắc Quốc lộ 1A; có tỷ lệ phát triển đô thị hóa cao, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đảm bảo hiện đại; nông nghiệp liên kết chặt chẽ, nông thôn mới phát triển theo chiều sâu và bền vững; huyện vừa có khả năng thu hút, lan tỏa, vừa là động lực, là hình mẫu thúc đẩy sự phát triển của các địa phương lân cận; là trung tâm trung chuyển, chế biến và tiêu thụ nông sản, hàng hóa của khu vực…

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.