Chính trị
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI CÔNG TÁC THI ĐUA - KHEN THƯỞNG
Ngày 11/6/1948, nhân dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", mở đầu phong trào hành động cách mạng của toàn dân dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Đảng.
Trải qua 70 năm, dưới những tên gọi, những nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển theo một dòng chảy liên tục, đóng góp quan trọng vào những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam. Phong trào thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả là minh chứng hùng hồn về tư tưởng sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Lời kêu gọi có tính chất lịch sử ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
Lời kêu gọi của Người mở đầu cho phong trào hành động cách mạng của toàn dân dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng. Hưởng ứng “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước dấy lên nhiều phong trào thi đua; cả dân tộc nhất tề đồng sức, đồng lòng bước vào cuộc trường chinh cứu nước, cứu dân, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng và đặc biệt coi trọng công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) và tổ chức phong trào thi đua yêu nước. Kế thừa, vận dụng có chọn lọc chính sách thưởng, phạt của các triều đại phong kiến nước ta trước đó, Bác Hồ phát triển và đổi mới công tác khen thưởng phù hợp với điều kiện cách mạng hiện thời. Bác chỉ ra phương hướng thi đua cụ thể cho từng đối tượng, làm cho ai cũng có thể đem tài năng, trí lực của mình cống hiến cho xã hội.
Vận dụng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác TĐKT, Đảng và Nhà nước ta đã từng bước xây dựng và ban hành hệ thống văn bản về công tác TĐKT cơ bản hoàn chỉnh, khoa học và có giá trị thực tiễn cao, được xã hội ghi nhận như: Chỉ thị 35/CT-TW ngày 3/6/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) “về đổi mới công tác TĐKT trong giai đoạn mới”; Chỉ thị 39/CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”; Chỉ thị 34/CT-TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành “về tiếp tục đổi mới công tác TĐKT”; Chỉ thị 22/CT-TW ngày 23/1/2018 của Ban Bí thư “về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc... Quốc hội đã ban hành Luật TĐKT (2003); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TĐKT (2013)… và hàng loạt các nghị định, chỉ thị của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương đã quy định, hướng dẫn thực hiện một cách cụ thể về công tác TĐKT. Ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 258/QĐ-TTg lấy ngày 11/6 làm ngày truyền thống thi đua yêu nước.
Học tập và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thi đua yêu nước và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các ngành, các cấp về công tác TĐKT, thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước của Bạc Liêu ngày càng phát triển rộng khắp ở các cấp, các ngành, các địa phương trên tất cả các lĩnh vực, đã và đang trở thành động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát huy truyền thống vẻ vang của công tác TĐKT, qua 70 năm phát triển đi lên cùng đất nước, trên nền tảng tư tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; sự ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, tin tưởng rằng công tác TĐ-KT của tỉnh nhà trong thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được những kết quả cao hơn...
Lâm Phương Nhã