Kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019)

​Sức mạnh binh vận góp công chiến thắng lịch sử 30/4/1975 ở Bạc Liêu

Thứ Hai, 29/04/2019 | 16:33

Chiến thắng lịch sử 30/4 cách đây 44 năm là chiến thắng từ sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, chiến thắng từ ý chí quật cường, bất khuất, không ngại hy sinh để bảo vệ từng mảnh đất quê hương của người dân Việt Nam. Trong đó, chiến công của công tác binh vận không giòn giã như chiến tích trên các mặt trận khác nhưng lại âm thầm đóng góp một phần vô cùng quan trọng cho ngày chiến thắng!

Đồng chí Tạ Trung Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao Kỷ niệm chương cho những cán bộ làm công tác binh vận thời chiến. Ảnh: H.L

CHIẾN CÔNG HIỂN HÁCH

Buổi họp mặt mừng kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước được tổ chức ở nhà khách Hùng Vương (TP. Bạc Liêu) hôm ấy khá đông người. Nhiều cô chú quần áo đơn sơ, chất phác bên cạnh những cán bộ ngực gắn nhiều huân, huy chương. Tay bắt mặt mừng, họ gặp nhau để cùng nhắc nhau nhớ về một thời sát cánh trên một mặt trận không tiếng súng nhưng hiểm nguy và hy sinh đôi khi còn ác liệt hơn cả nơi tiền tuyến. Đó là công tác binh vận, một mũi tiến công bằng vũ khí chính trị và tinh thần chính nghĩa, từng bước làm tan rã hàng ngũ địch từ bên trong. Ông Lê Hoàng Minh, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bạc Liêu, Trưởng Ban liên lạc truyền thống kháng chiến binh vận tỉnh Bạc Liêu, người đã từng tham gia công tác binh vận thời chiến khẳng định: Thành tựu binh vận của tỉnh nhà là thực tiễn góp phần vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam và đường lối chiến tranh nhân dân. Đó là đường lối đánh địch bằng sức mạnh tổng hợp 2 chân, 3 mũi với chính trị - quân sự và binh vận, cho phép Đảng ta phát huy cao nhất sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cách đánh địch, tấn công địch.

Trải qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành công tác binh vận xuyên suốt, chủ động ngay từ đầu, đối chọi với kẻ thù mạnh về quân sự, kinh tế. Chiến công hiển hách nhất của mũi đấu tranh binh vận chính là chiến thắng cách đây 44 năm, ngày 30/4/1975, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bạc Liêu, bằng các mũi tiến công, trong đó có công tác binh vận đã huy động được một lực lượng quần chúng nhân dân hùng mạnh xuống đường giành được chính quyền lần thứ hai không đổ máu. Trong lúc nhiều nơi sử dụng sức mạnh vũ trang để giành chiến thắng thì Bạc Liêu sử dụng chính trị và binh vận để buộc kẻ thù đầu hàng vô điều kiện. Công tác binh vận đã đóng góp to lớn vào thành tích vẻ vang của Đảng bộ, xứng đáng vai trò chiến lược trong đường lối chiến tranh nhân dân sáng tạo.

NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG

Chú Lê Thanh Tâm, thuộc lực lượng công tác binh vận của tỉnh đóng tại Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi), đã từng vận động cả đồn giặc ra hàng, chia sẻ rằng nhiệm vụ chính của công tác binh vận là đánh tan rã địch từ trong lòng địch. Nói thì đơn giản vậy nhưng để vận động một người phía bên kia về với cách mạng là cả một nghệ thuật, là sự tìm hiểu kỹ càng, nắm tâm lý chặt chẽ cả gia đình cũng như hoàn cảnh từng người. “Mình phải gây dựng tình cảm, phân tích cho họ và gia đình của họ thấy những điều hay, lẽ phải, nói cho họ hiểu về chính nghĩa. Để diệt đồn bằng mũi binh vận, phải cài cắm người vào bên trong để khi đủ điều kiện sẽ diệt đồn từ bên trong”. Sự hy sinh của những người làm công tác binh vận cũng vì vậy mà âm thầm, đôi khi là nghiệt ngã hơn những chiến sĩ trên mặt trận đầy tiếng súng.

Chú Đỗ Văn Đầy, người từng tham gia diệt đồn phòng vệ ở xã Vĩnh Phú Đông, huyện Hồng Dân cũ (nay là huyện Phước Long) nằm trong một đường dây của mũi binh vận địa phương. Để xâm nhập vào đồn, chú đã phải gia nhập lực lượng của địch, tạo mũi đột kích tấn công địch từ bên trong. Hai năm trong vai lính phòng vệ, chú không chỉ đối mặt với hiểm nguy và sự hy sinh bất cứ khi nào kẻ thù phát hiện được, hay lúc đường dây mật giao bị lộ mà còn cả sự nghi ngờ của xóm làng. Trong câu chuyện của mình, chú đã nhắc về những đồng đội, những người cũng từng tham gia vào công tác binh vận dưới danh nghĩa là lính đồn hay kẻ chiêu hồi. Vì yêu cầu bảo mật, họ đã thực hiện nhiệm vụ trong lặng lẽ, đến khi đường dây bị mất hay người trong tổ chức hy sinh hết, họ mãi mãi không được rửa sạch tiếng nhơ đầy oan ức. Để rồi hơn 40 năm sau ngày giải phóng, khi lịch sử đã có một khoảng lùi nhất định để nhìn rõ người có công, kẻ có tội thì nhiều chiến sĩ trên mũi binh vận vẫn âm thầm hy sinh mà chưa một lần được chứng nhận công trạng với quê hương.

44 năm kết thúc chiến tranh, hầu hết cán bộ làm công tác binh vận nay đã trở về với cuộc sống ruộng đồng ở quê hương. Nhưng những bài học về công tác vận động quần chúng, đánh địch từ trong lòng địch của họ thì luôn nóng hổi và quý báu với thế hệ cán bộ làm công tác vận động quần chúng hôm nay.

THANH LÂM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.