CHUYỂN ĐỔI SỐ
Bạc Liêu đang trên đà chuyển đổi số mạnh mẽ
Chuyên gia của Google hướng dẫn giảng viên các trường đào tạo nghề của Bạc Liêu khai thác tài nguyên giáo dục mở.
Những năm gần đây, chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bạc Liêu. Nhờ những nỗ lực không ngừng, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Khách hàng trải nghiệm dịch vụ sóng di động 5G tại TP. Bạc Liêu.
Hệ thống hành chính thông minh, hiện đại
Một trong những điểm sáng trong tiến trình CĐS của Bạc Liêu là việc đưa vào vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mới. Hệ thống này đã giúp giảm thiểu đáng kể thời gian và TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch công. Hệ thống mới đi vào hoạt động chính thức từ ngày 1/6/2024 và đã tiếp nhận 121.355 hồ sơ và giải quyết 116.517 hồ sơ, tiếp nhận trực tuyến 75.372 hồ sơ. Đặc biệt, lần đầu tiên, cuối năm 2024, UBND tỉnh tiến hành cao điểm “60 ngày đêm” tiếp nhận, giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến.
Để bảo vệ dữ liệu và hệ thống thông tin của tỉnh, Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp an ninh mạng hiệu quả. Việc đưa vào sử dụng dịch vụ giám sát phòng, chống mã độc tập trung đã giúp tăng cường khả năng bảo vệ các cơ quan nhà nước trước các mối đe dọa từ không gian mạng. Đã hoàn thành triển khai cài đặt phần mềm chống mã độc tập trung dành cho 27 cơ quan, đơn vị, địa phương, với số lượng máy tính, máy chủ gần 2.000 máy, đồng thời kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Hội Nông dân tỉnh phối hợp với doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử mua sỉ, bán sỉ.
Đô thị thông minh bắt đầu hình thành
Với việc triển khai thí điểm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC), Bạc Liêu đang từng bước xây dựng một đô thị thông minh, hiện đại. IOC giúp giám sát và quản lý hiệu quả các hoạt động của địa phương trên nhiều lĩnh vực như: an ninh trật tự, giao thông, y tế, giáo dục…
Cùng với đó, Bạc Liêu đã tập trung vào việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và sử dụng thông tin. Việc kết nối với các hệ thống cấp quốc gia, như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã giúp nâng cao chất lượng dịch vụ công và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Để đảm bảo quá trình CĐS được thực hiện hiệu quả, tỉnh dành nhiều nguồn lực đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức. Nhiều chương trình đào tạo về CĐS đã được tổ chức, giúp người dân và cán bộ, công chức nâng cao kỹ năng số. Tỉnh đã cùng với Cục CĐS quốc gia, Bộ TT-TT tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi trực tuyến trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà; tập huấn trực tuyến về CĐS cho thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập huấn hướng dẫn sử dụng ký số trên phần mềm Quản lý văn bản của tỉnh và một số dịch vụ công trực tuyến khác cho các cá nhân được cấp chứng thư số; hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố tập huấn, triển khai các nội dung về CĐS để tăng chỉ số CĐS của tỉnh.
Bạc Liêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để dần hình thành du lịch thông minh.
Phủ sóng di động 5G
Hạ tầng viễn thông và Internet trên địa bàn tỉnh được đầu tư mạnh mẽ, đảm bảo kết nối cho tất cả các xã, phường, thị trấn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực khác. Toàn tỉnh có 100% xã có hạ tầng thông tin di động phủ sóng với 1.143 vị trí trạm thu phát sóng viễn thông, đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; sóng di động 3G, 4G đã phủ toàn bộ diện tích và dân số trong tỉnh; và một số khu vực đô thị đã sử dụng sóng di động 5G.
Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định rằng Bạc Liêu đang trên đà CĐS mạnh mẽ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trở thành một tỉnh thông minh, hiện đại, Bạc Liêu cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới, bởi lẽ, tiến trình CĐS của Bạc Liêu vẫn còn một số hạn chế, đó là: Nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao còn thiếu, việc triển khai một số dự án còn chậm. Để khắc phục những hạn chế này, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để triển khai các dự án một cách hiệu quả.
Bài và ảnh: Nguyễn Quốc
- Phát hiện, thu giữ gần 2.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu
- Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp”
- LĐLĐ tỉnh: Hỗ trợ hơn 3.300 đoàn viên khó khăn trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Hội LHPN tỉnh: Trao vốn cho hội viên và thăm mô hình kinh tế tại huyện Đông Hải
- Huyện Đông Hải: Thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024