CHUYỂN ĐỔI SỐ
Bạc Liêu nỗ lực chuyển đổi số
Xác định chuyển đổi số (CĐS) là hướng đi bắt buộc để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, thời gian qua, Bạc Liêu đã nỗ lực xây dựng hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; phát triển hạ tầng số, hệ thống nền tảng, dữ liệu và ứng dụng dịch vụ phục vụ chính quyền và người dân.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và đoàn công tác của Bộ TT-TT chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: N.Q
NHIỀU KẾT QUẢ QUAN TRỌNG
Thời gian qua, bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Bạc Liêu đã xây dựng và ban hành các văn bản trọng tâm để làm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cho CĐS trên địa bàn. Trong đó, năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Chỉ thị 07 về CĐS tỉnh Bạc Liêu từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Và mới đây, để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về CĐS, ngày 27/7/2022, UBND tỉnh đưa ra kế hoạch tổ chức triển khai thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (hiện đã tổng hợp được 450/1.050 Tổ công nghệ số cộng đồng).
Có thể khẳng định, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án CĐS của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình. Ông Vưu Nghị Bình - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết đơn vị đã cơ bản hoàn thành CĐS và là một trong 9 Sở Tư pháp đầu tiên của cả nước thực hiện tốt công tác này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ TT-TT phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: M.Đ
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, tất cả công chức từ cấp tỉnh đến cấp huyện được trang bị máy vi tính, toàn bộ cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã kết nối mạng nội bộ và Internet. Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng của tỉnh hoạt động ổn định, thực hiện giám sát, cảnh báo, theo dõi nguy cơ tấn công vào các hệ thống thông tin của tỉnh.
Cũng về phát triển hạ tầng số, 64/64 xã, phường, thị trấn có cáp quang tới trung tâm xã và sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng. Các trường học, bệnh viện cũng có hạ tầng số tương tự. Tất cả người dân được phủ sóng di động (2G, 3G và 4G), toàn tỉnh có gần 809.500 thuê bao điện thoại cố định và di động.
Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã được cấp 2.336 chứng thư số chuyên dùng của Chính phủ. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh cung cấp 1.197 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 và đã tích hợp 771 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bà Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở VH-TT-TT&DL cung cấp thêm thông tin, hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước được duy trì, kết nối đến cấp huyện, cấp xã phục vụ khai thác các hệ thống thông tin dùng chung của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước phục vụ triển khai vận hành nhiều dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Triển khai thực hiện việc chuyển đổi sử dụng IPv6 trên hệ thống mạng, các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước. Và tỉnh đang chuẩn bị đầu tư nâng cấp bổ sung thiết bị Trung tâm dữ liệu tỉnh để nâng cao năng lực hoạt động; đảm bảo an toàn an ninh thông tin cũng như khả năng phục vụ triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số, đô thị thông minh tỉnh.
Trung tâm Dữ liệu tỉnh Bạc Liêu đặt tại Sở VH-TT-TT&DL sắp được nâng cấp. Ảnh: N.Q
CẦN LẬP LẠI Sở TT-TT
Tuy nhiên, hoạt động CĐS của tỉnh chưa được như mong đợi. Nếu năm 2020, xếp hạng CĐS cấp tỉnh của Bạc Liêu là 53/63 tỉnh, thành phố, thì sang năm sau, bị tụt xuống hạng 63. Một trong những nguyên nhân cơ bản của thực trạng này, được Bộ trưởng Bộ TT-TT, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS - Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra là do Bạc Liêu hiện không có Sở TT-TT. Cuối năm 2018, HĐND tỉnh thông qua nghị quyết sáp nhập Sở VH-TT&DL, Sở TT-TT thành lập mới Sở VH-TT-TT&DL. Từ đó, về công tác CĐS ở Bạc Liêu, Bộ TT-TT không có đầu mối để chỉ đạo, các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông cũng lúng túng khi liên hệ công tác. Sau khi hợp nhất, mảng TT-TT “lép vế” so với các mảng khác của sở mới.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ TT-TT đề nghị tỉnh Bạc Liêu sớm tái lập lại Sở TT-TT. Đối với vấn đề này, đồng chí Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Thường trực Tỉnh ủy sẽ sớm xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tách Sở VH-TT-TT&DL thành 2 sở như trước khi sáp nhập. Đồng thời, rà soát lại nhân lực cho chức danh giám đốc, phó giám đốc Sở TT-TT, nếu đáp ứng đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thì bổ nhiệm, còn nếu không sẽ nhờ Bộ TT-TT tăng cường cán bộ cho Bạc Liêu.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh cung cấp 1.197 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Ảnh: N.Q
Ngoài nội dung này, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng còn khuyến nghị Bạc Liêu phát triển hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến hộ gia đình, vì đây là một trong những nền tảng quan trọng trong CĐS. Bộ trưởng giao Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) giúp Bạc Liêu phát triển mạng cáp quang cho 30.000 hộ dân, để nâng tỷ lệ hộ dân có cáp quang sử dụng lên 80%. Cấp 15.000 điện thoại thông minh từ nguồn “Chương trình sóng và máy tính cho em” cho người dân và các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ Bạc Liêu 15.000 thiết bị này. Và cấp cho mỗi người dân một chữ ký số.
CĐS là chuyển từ ứng dụng công nghệ sang chuyển đổi cách làm việc, từ cách làm đơn thuần sang cách làm toàn diện, từ máy tính riêng lẻ lên điện toán đám mây, từ đầu tư sang thuê, từ sản phẩm sang dịch vụ. CĐS mang lại giá trị cho người cuối cùng dùng, nên CĐS lấy người dùng làm trung tâm. Để CĐS thành công, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đóng vai trò quyết định CĐS. Bên cạnh sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Bạc Liêu rất cần các doanh nghiệp làm công nghệ thông tin tiếp sức thực hiện nền tảng cơ sở dữ liệu, để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
NGUYỄN QUỐC