CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chiến lược hạ tầng số: Xây dựng một quốc gia số hiện đại và phát triển bền vững

Thứ Hai, 04/11/2024 | 14:55

Ngày 9/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hoạt động này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam. Chiến lược này mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Người dân trải nghiệm dịch vụ 5G tại Viettel Bạc Liêu.

Dung lượng lớn, băng thông rộng

Trước hết, Chiến lược hướng đến xây dựng nền tảng cho quốc gia số. Hạ tầng số là nền tảng cốt lõi để xây dựng một quốc gia số hiện đại và thông minh. Chiến lược đặt ra mục tiêu rõ ràng về việc phát triển hạ tầng số với dung lượng lớn, băng thông rộng, bền vững và an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chiến lược còn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số. Hạ tầng số là động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Việc đầu tư vào hạ tầng số sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao.

Mục đích cuối cùng trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước không gì khác là người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, văn minh. Chiến lược này cũng không nằm ngoài cứu cánh nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân bằng cách cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, tiện ích thông minh, giáo dục trực tuyến, y tế từ xa và nhiều dịch vụ khác.

Không dừng lại ở các mục tiêu nêu trên, Chiến lược còn giúp tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia, một hạ tầng số hiện đại và thông minh sẽ giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, thu hút các doanh nghiệp đầu tư và tạo ra các cơ hội việc làm mới.

Bạc Liêu đầu tư hạ tầng số đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Ảnh: N.Q

Để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên

Chiến lược hạ tầng số được xây dựng dựa trên những xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, như: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, nhằm giúp Việt Nam không bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chiến lược hạ tầng số có một số điểm nhấn quan trọng, có thể liệt kê là: phổ cập cáp quang, phát triển mạng 5G, xây dựng các trung tâm dữ liệu, định danh số. Theo Chiến lược, đến năm 2025, nước ta phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình, đảm bảo kết nối Internet tốc độ cao cho mọi người dân. Triển khai mạng 5G trên diện rộng, tạo nền tảng cho các ứng dụng công nghệ mới, như: xe tự lái, thành phố thông minh. Cùng với đó là phát triển các trung tâm dữ liệu hiện đại để lưu trữ và xử lý lượng lớn dữ liệu, hỗ trợ cho các ứng dụng AI. Về định danh số, mỗi người dân sẽ có định danh số duy nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác thực danh tính và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.

Có thể khẳng định, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hạ tầng số là một quyết định đúng đắn và mang tính chiến lược, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một quốc gia số hiện đại và phát triển bền vững.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.