CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số của Bạc Liêu còn nhiều thách thức

Thứ Sáu, 14/02/2025 | 15:55

Công tác chuyển đổi số (CĐS) của Bạc Liêu dù đã có nhiều cố gắng, song liên tiếp vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, thể hiện rõ nhất qua thứ hạng chỉ số CĐS (DTI) hằng năm mà Trung ương công bố. Thực trạng này đã được UBND tỉnh nhận định và đưa ra kế hoạch cải thiện, nâng cao DTI từ năm 2023, song tình hình vẫn không khả quan hơn...

Doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số lĩnh vực du lịch ở Bạc Liêu. Ảnh: N.Q

DTI giảm 3 bậc

Mới đây, hình ảnh một chiến sĩ Công an khuân vác một túi lớn tài liệu hội nghị về Đề án 06/CP của UBND tỉnh đã gây chú ý cho nhiều đại biểu. Có ý kiến cho rằng, hội nghị về xây dựng ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS mà văn bản giấy vẫn dày, nặng như vậy, chưa sử dụng tài liệu điện tử thì rõ ràng công tác triển khai thực hiện Đề án nói riêng, CĐS của tỉnh chưa tiến bộ nhiều. Nhận định này được củng cố thêm bằng kết quả xếp hạng Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện, cung cấp dịch vụ công năm 2024 của Bạc Liêu đứng thứ 63/63 tỉnh, thành phố vừa được công bố.

Cũng trong thời gian này, Bộ TT-TT công bố thông tin xếp hạng DTI năm 2023. Theo đó, tỉnh nhà đứng cuối bảng xếp hạng, với tổng điểm đạt được là 0,5208, cách biệt lớn so với địa phương dẫn đầu cả nước là TP. Đà Nẵng (0,834 điểm) và tỉnh Hậu Giang đứng hạng 19 cả nước - cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (trên 0,7 điểm). Về chỉ số thành phần, Bạc Liêu hạng 62 đối với hạng mục chính quyền số, xếp trên tỉnh Cao Bằng, còn phát triển kinh tế số và xã hội số lần lượt đạt điểm số 0,5744 và 0,5254, cùng đứng hạng 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Như vậy, so với DTI cấp tỉnh năm 2022, tỉnh Bạc Liêu tụt 3 bậc. DTI năm 2022, Bạc Liêu xếp trên 3 tỉnh: Cao Bằng, Gia Lai và Bắc Kạn. Năm 2021, Bạc Liêu xếp hạng 63, năm 2020 - năm đầu tiên công bố xếp hạng DTI, tỉnh nhà xếp hạng 53, trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì đứng trên tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, việc so sánh trực tiếp khó tránh khỏi khập khiễng do có những thay đổi trong phương pháp đo lường và đánh giá chỉ số DTI qua các năm. Song cơ bản kết quả này cho thấy Bạc Liêu đang gặp nhiều thách thức trong công cuộc CĐS, dù Sở TT-TT đã được tái lập và đi vào hoạt động từ năm 2023.

“Bạc Liêu đi thì tỉnh khác cũng chạy”

DTI cấp tỉnh năm 2023 của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự tiến bộ trong tiến trình CĐS của địa phương. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của Bạc Liêu đạt gần 50%, vượt mục tiêu đề ra, cho thấy người dân và doanh nghiệp ngày càng quen thuộc với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Còn trong năm 2024, Bạc Liêu đã có trên 70% hộ gia đình được phủ mạng Internet băng thông rộng, hồ sơ công việc tại cấp tỉnh và cấp huyện được xử lý trên môi trường mạng đạt hơn 80%. Cùng với đó, mấy năm qua, tỉnh đã đầu tư nâng cấp hạ tầng số, bảo đảm kết nối Internet tốc độ cao đến các cơ quan, đơn vị và người dân. Công tác an toàn thông tin được chú trọng, đảm bảo hệ thống thông tin của tỉnh hoạt động ổn định và an toàn.

Về nguồn nhân lực, địa phương đã triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức về CĐS. Tất cả cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước được đào tạo, bồi dưỡng về an toàn thông tin.

Song những chuyển biến nêu trên không đủ cải thiện, nâng cao DTI cấp tỉnh của Bạc Liêu, bởi tất cả các tỉnh, thành phố, bộ, ngành đều xác định CĐS là nhiệm vụ chính trị quan trọng, toàn hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc, “Bạc Liêu đi thì tỉnh khác cũng chạy”. Hiện tại tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến của Bạc Liêu còn thấp so với tổng dịch vụ công trực tuyến, cho thấy không dễ thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ công “giấy”.

Đối với hoạt động CĐS ở xã, phường, thị trấn cũng không khá hơn, tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng còn thấp (đạt 60%); nhiều trang thiết bị điện tử được cấp trên đầu tư nay không còn sử dụng được, hoặc thiếu đồng bộ, có khi không phù hợp. Mặt khác, nguồn lực đầu tư cho CĐS còn hạn chế, cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội.

Nguyên nhân của những hạn chế đã được Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh chỉ ra. Trước hết là công tác tuyên truyền về CĐS đến người dân và doanh nghiệp có thực hiện, song hiệu quả chưa cao. Hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ CĐS có đầu tư nhưng chưa toàn diện. Nguồn nhân lực làm công tác CĐS, công nghệ thông tin, an toàn an ninh thông tin còn thiếu cả số lượng và chất lượng. Cũng liên quan đến con người, công tác phối hợp thực hiện CĐS chưa kịp thời, chưa mạnh dạn đề xuất, tham mưu biện pháp, giải pháp CĐS cho cơ quan, đơn vị, địa phương, thậm chí có những trường hợp ngại trách nhiệm khi được giao đầu tư các dự án phục vụ CĐS.

Cần siết chặt kỷ cương công vụ

Đã “bắt mạch đúng bệnh”, còn giải pháp khắc phục hạn chế thì cần thực hiện đồng bộ, từ thể chế, kỹ thuật, tài chính, vận động… thiết nghĩ, trước hết cần siết chặt kỷ cương công vụ, có theo dõi, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân được giao nhiệm cụ CĐS, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức không đủ năng lực, sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc. Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chủ yếu dựa trên kết quả hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn được giao, việc định lượng hoạt động xếp loại cán bộ sẽ tạo công bằng trong thi đua khen thưởng, thúc đẩy công việc tiến triển.

Sau đó, tiếp tục thực hiện những giải pháp mà trước nay đã và đang triển khai. Đó là không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền hướng đến nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về lợi ích của CĐS, khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng các ứng dụng di động thông minh, tiện ích để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Cùng với đó, tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về CĐS cho cán bộ, công chức và người dân. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào tiến trình CĐS của tỉnh, cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến. Việc hợp tác với doanh nghiệp trong CĐS còn thể hiện qua việc tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng số, đảm bảo kết nối Internet tốc độ cao khắp tỉnh.

CĐS nếu làm tốt sẽ trở thành động lực phát triển mới của tỉnh nhà. Tầm quan trọng của ứng dụng khoa học - công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh khẳng định trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, năm 2025 là năm đầu tiên tỉnh triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị (khóa XIII) thì thực hiện công tác CĐS càng thêm ý nghĩa. CĐS là cơ hội lớn để tỉnh nhà bứt phá đi lên, đạt được những thành tựu mới trong phát triển kinh tế - xã hội, để làm được điều đó, cần có sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.