CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số ở Bạc Liêu: Phải nhanh để không bị bỏ lại phía sau!

Thứ Sáu, 17/05/2024 | 16:50

Trong xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, không một địa phương, đơn vị nào có thể đứng ngoài tiến trình chuyển đổi số. Với khát vọng vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước từ xuất phát điểm thấp, Bạc Liêu càng phải mạnh mẽ chuyển đổi số (CĐS) để vừa bắt kịp nhịp độ phát triển chung, vừa tạo ra thế mạnh cho riêng mình. Những hạn chế ban đầu trong cuộc chuyển đổi này sẽ không thể làm khó tỉnh nếu Bạc Liêu có quyết tâm và sự đầu tư xứng đáng!

Bài 1: Bước chuyển của thời đại

Chưa bao giờ sự thay đổi của xã hội lại diễn ra nhanh chóng đến vậy khi hoạt động CĐS thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực. Để không bỏ lỡ những cơ hội phát triển, trong CMCN lần thứ 4, Đảng, Chính phủ xác định phải chủ động, tích cực ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của nó vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

…………………………………...................................................................................................................................................................................

CĐS là khâu đột phá, một nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại… cho người dân và doanh nghiệp. Càng số hóa mạnh mẽ, như đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thì càng tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

(Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia - Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp thứ 8 của Ủy ban CĐS quốc gia, ngày 24/4/2024)

……………………….................................................................................................................................................................................................

Nhìn lại các cuộc CMCN

Thế giới đã trải qua 3 cuộc CMCN và hiện là thời đại của cuộc CMCN lần thứ 4. Các cuộc CMCN đã thay đổi cách thức con người sản xuất ra hàng hóa, phá vỡ các quan hệ cổ truyền, kéo theo phương thức sinh hoạt của nhân loại cũng biến chuyển.

Cuộc CMCN lần đầu tiên đến vào năm 1780 và kéo dài 60 năm, nhân loại bắt đầu thay thế lao động chân tay bằng cơ giới hóa và sử dụng năng lượng nước, năng lượng hơi nước thay cho sức người và súc vật kéo. Cuộc CMCN lần thứ 2 khởi nguồn năm 1840 đến Chiến tranh thế giới lần I, xuất hiện động cơ điện và dây chuyền sản xuất hàng hóa. Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ XX, khoa học - công nghệ phát triển rất nhanh và cuộc CMCN lần thứ 3 hình thành bởi nhiều phát minh quan trọng trong lĩnh vực vật liệu, năng lượng tái tạo, công nghệ vũ trụ, công nghệ sinh học và đặc biệt là công nghệ thông tin. Con người chuyển từ kỷ nguyên công nghệ chế tạo sang kỷ nguyên công nghệ cao do công nghệ thông tin dẫn dắt, từ lao động cơ bắp sang lao động trí tuệ, từ thị trường quốc gia sang thị trường thế giới và khu vực.

Cuộc CMCN lần thứ 3 diễn ra với tốc độ nhanh hơn, tác động sâu rộng hơn và là tiền đề để thế giới bước vào cuộc CMCN lần thứ 4. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, Việt Nam ta đã bỏ lỡ những cơ hội phát triển mà các cuộc CMCN trước đây tạo ra. Nước ta tụt hậu so với nhiều nước trong ASEAN. Giờ đây là làn sóng công nghiệp 4.0 với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin với dữ liệu lớn, điện toán đám mây, nhất là vạn vật kết nối (IoT), làm cho tiến trình CĐS diễn ra vô cùng mạnh mẽ, hình thành “nền kinh tế số”.

Phát triển mạng viễn thông 5G tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: N.Q

Cơ hội và thách thức

Làn sóng CMCN 4.0 mang đến cho mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, những cơ hội to lớn, đồng thời cũng đặt ra các thách thức nặng nề. Theo “Báo cáo Việt Nam: Tầm nhìn năm 2035” do Chính phủ Việt Nam cùng Ngân hàng Thế giới xuất bản năm 2016, thì đến năm 2035, nước ta đạt thu nhập bình quân đầu người theo sức mua tương đương là khoảng 22.000 USD. Nếu so với quá trình phát triển trong gần 40 năm đổi mới thì mục tiêu này là khá cao và tham vọng. Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra khi làn sóng cuộc CMCN 4.0 với những phát triển nhảy vọt chưa tràn vào Việt Nam, trong khi sự phát triển rất nhanh, rất mạnh của khoa học - công nghệ sẽ dẫn đến quá trình công nghiệp hóa được rút ngắn. Một nước đi sau, một doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn có thể đuổi kịp, hơn thế, có thể vượt lên nước/doanh nghiệp đã có trình độ phát triển cao hơn nếu biết nắm lấy thời cơ và có chiến lược phát triển đúng đắn. Và với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa mục tiêu khi “đi tắt, đón đầu” cuộc cách mạng của thời đại số.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam có lợi thế để phát triển công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch. Công nghệ thông tin với khả năng số hóa, tích hợp, kết nối, có tác động lan tỏa cao, tác động lớn đến các lĩnh vực khác. Đặc biệt, công nghệ thông tin đóng vai trò quyết định trong việc phát triển robot, trí tuệ nhân tạo và xe tự lái - những sản phẩm đặc trưng của CMCN 4.0. Chính vì vậy, với IoT đang tạo ra những bước phát triển đột phát trong nhiều ngành sản xuất và dịch vụ. Công nghệ thông tin đóng vai trò dẫn dắt tiến trình chuyển đổi từ kỷ nguyên công nghệ chế tạo sang kỷ nguyên công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

“Bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”

Bộ Chính trị (khóa XII) đánh giá mức độ chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4 của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế, bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thật sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Tiến trình CĐS quốc gia còn chậm, thiếu chủ động.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng lần thứ 4”. Nghị quyết đưa ra một số chủ trương, chính sách để nước ta tham gia, phát huy, khai thác những lợi thế, cơ hội để nền kinh tế đất nước phát triển nhanh, hiệu quả hơn. Năm 2020, khi quán triệt toàn quốc Nghị quyết này, đồng chí Cao Đức Phát - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Đảng khẳng định, cuộc cách mạng 4.0 không phải bây giờ mới đặt ra mà trong thực tiễn đã được triển khai và có sự phát triển nhất định. Nổi bật, cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ, điện thoại di động phủ sóng tới 99,7% dân số. Kinh tế số đã hình thành, phát triển nhanh và ngày càng trở thành bộ phận quan trọng trong nền kinh tế.

Đến Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Đại hội đưa ra một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc CMCN lần thứ 4 vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.

Từ định hướng đó, Đại hội xác định đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc CMCN lần thứ 4, thực hiện CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.