CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số ở Bạc Liêu: Phải nhanh để không bị bỏ lại phía sau!

Thứ Tư, 22/05/2024 | 16:20

Bài 3: Vẫn giậm chân tại chỗ!

>>Bài 1: Bước chuyển của thời đại

>>Bài 2: Những “bước chân” đầu tiên

Hoạt động chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh đã đạt một số kết quả, song vẫn ở giai đoạn đầu, chuyển biến rất chậm. Bảng xếp hạng bộ chỉ số CĐS cấp tỉnh hằng năm cho thấy, Bạc Liêu liên tiếp nằm ở nhóm thấp nhất cả nước. Việc giậm chân tại chỗ này khiến CĐS chưa phải thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội.

………………............................................................................................................................................................................................................

Cần làm lại ngay từ đầu

Theo ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, việc CĐS không phải thực hiện từ đầu nhiệm 2020 - 2025, mà trước đó từ năm 2017 cả nước đã khởi động, còn Bạc Liêu không vào cuộc. Thời điểm đó, Sở TT-TT còn nằm chung Sở VH-TT-TT&DL nên không có chuyên đề riêng. Còn từ năm 2023, Sở TT-TT đã được thành lập lại, nhưng chúng ta vẫn không có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin và truyền thông nên không làm CĐS được. Vì vậy, cần làm lại ngay từ đầu!

CĐS là công việc của người dân, doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu thực hiện.

……………...............................................................................................................................................................................................................

Thứ hạng… buồn!

Bạc Liêu vào cuộc CĐS sau mấy năm so với cả nước, nên không quá bất ngờ khi chỉ số đánh giá CĐS (DTI) của tỉnh năm 2020 xếp hạng 63/63, cụ thể: trụ cột chính quyền số và trụ cột xã hội số đứng cuối bảng, còn trụ cột kinh tế số hạng 62 (xếp trên tỉnh Quảng Ngãi).

Đến năm 2022, Bộ TT-TT ban hành Bộ DTI của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia. Khác với năm 2020, DTI cấp tỉnh từ năm 2021 trở về sau không phải là tổng điểm của 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, mà là tổng điểm của 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. Các chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung (nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an ninh mạng, riêng chỉ số thành phần “đô thị thông minh” không tính điểm xếp hạng) và nhóm chỉ số về hoạt động (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số).

Với cách đánh giá mới, DTI của Bạc Liêu năm 2021 và 2022 vẫn nằm nhóm cuối, lần lượt xếp hạng: 63 và 60/63 tỉnh, thành phố. Đi cụ thể vào từng chỉ số cho thấy, năm 2021, tỉnh có 8 chỉ số xếp hạng từ 61 đến 49, riêng chỉ số hoạt động kinh tế số, Bạc Liêu đạt 54,44/150 điểm, xếp hạng 29. Giá trị trung bình DTI Bạc Liêu là 0,29, thấp hơn so với giá trị trung bình của cả nước là 0,4. Còn DTI 2022, chỉ số hoạt động kinh tế số của Bạc Liêu nhảy lên hạng 23, còn an toàn thông tin thì đứng cuối, ngay cả chỉ số nhận thức số cũng ở mức thấp 56/63.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của công cuộc CĐS và đánh giá đúng tình hình thực tiễn của tỉnh, từ năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo công tác CĐS, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, cấp huyện cũng ra đời và trải qua vài lần kiện toàn. Trong các văn bản này, lãnh đạo tỉnh luôn yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, chính quyền gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong CĐS; tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị, địa phương. Song, bảng xếp hạng DTI mấy năm qua cho thấy hoạt động CĐS của tỉnh vẫn ở giai đoạn đầu, chuyển biến không đáng kể. Những chỉ đạo, yêu cầu của tỉnh vẫn chưa thể biến thành hành động quyết liệt của các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm!

Từ năm 2022, hội thảo chuyển đổi số trở thành hoạt động thường niên của Bạc Liêu, được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10). Ảnh: N.Q

Nhân lực thiếu và yếu

Chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế là 2 trong 3 nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên (cùng với phát triển hạ tầng số) tạo nền móng CĐS. Trên thực tế, Bạc Liêu đã quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức số, cũng như tiến hành rà soát, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, tuy nhiên các hoạt động này chưa như mong đợi, thiếu đồng bộ và công tác báo cáo, cập nhật kết quả thực hiện về Trung ương vẫn chưa kịp thời. Thang điểm DTI cấp tỉnh là 1.000, thì thể chế số và nhận thức số đã chiếm 200 điểm. Nâng cao nhận thức số và xây dựng thể chế số nằm trong nhóm giải pháp phi công nghệ, không tốn kém nhiều tiền bạc, nhưng điểm số tối đa của mỗi chỉ số này đều bằng từng chỉ số còn lại trong nhóm nền tảng chung. Tỉnh chưa tranh thủ kiếm điểm ở những chỉ số ít tốn kinh phí đầu tư, chẳng hạn năm 2022, chỉ số nhận thức số của Bạc Liêu đạt 0,7 điểm, xếp hạng 35, thuộc nhóm trung bình thấp.  

Trước tình hình này, tháng 6/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 108 nâng cao DTI tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2023 - 2025. Bước đầu tiên trong thực thi Kế hoạch này là phân tích, đánh giá kết quả DTI của tỉnh, từ đó làm rõ điểm mạnh, điểm yếu và đề ra giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số này, nhằm thực hiện có hiệu quả CĐS. Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh phân tích: “Có lẽ nguyên nhân sâu xa là bộ máy TT-TT của Bạc Liêu khác hơn so với cả nước, hợp nhất vào Sở VH-TT&DL từ năm 2018 đến đầu năm 2023, nên hoạt động không hiệu quả”.

Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh cũng chỉ ra 6 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng CĐS yếu kém của Bạc Liêu trong thời gian qua, trong đó có nguồn nhân lực làm công tác CĐS, công nghệ thông tin, an toàn an ninh thông tin thiếu cả số lượng và chất lượng.

Nguồn nhân lực làm công tác CĐS của tỉnh gặp bất lợi là hệ lụy của tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đào tạo từ 3 tháng trở lên của Bạc Liêu thuộc nhóm thấp nhất Đồng bằng sông Cửu Long và chưa bằng một nửa mức bình quân của cả nước. Theo số liệu của ngành Thống kê xuất bản năm 2023, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ bình quân của Bạc Liêu chỉ đạt 12,2%, trong khi tỷ lệ này ở cả nước là 26,5%. Chất lượng nhân lực ở lĩnh vực này còn thể hiện rõ qua tiến độ chậm chạp trong triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Các ngành được giao làm chủ đầu tư các dự án thành phần chưa chủ động triển khai thực hiện, tiến độ thực hiện chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân được đưa ra là do cơ chế, nhưng không che giấu được biểu hiện “sợ trách nhiệm” của cán bộ trực tiếp tham gia dự án.

DTI thấp không chỉ nói lên thực trạng CĐS của Bạc Liêu, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ số đánh giá khác của tỉnh. Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) năm 2023 của Bạc Liêu xếp 45 cả nước và đứng thứ 9 trong khu vực miền Tây. Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Bạc Liêu năm 2019 là 57, đến năm 2022 có cải thiện đôi chút, tăng 5 bậc. CĐS gắn liền với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), bởi người dân, doanh nghiệp CĐS thành công, tham gia dịch vụ công trực tuyến thuận lợi thì họ đánh giá PCI tốt. PCI của Bạc Liêu từ năm 2016 - 2023 suy giảm và tụt từ nhóm trung bình thấp xuống nhóm thấp nhất.

Theo đánh giá của TS. Mai Chiếm Hiếu - Học viện Chính trị khu vực II: Tỉnh Bạc Liêu CĐS rất chậm, kéo theo trụ cột kinh tế số và trụ cột xã hội số hạn chế. Tuy nhiên, thứ hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh lại có sự bứt phá, từ hạng 54 năm 2020 lên hạng 6 năm 2022. Điều này có vẻ mâu thuẫn với PCI thấp.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.