CHUYỂN ĐỔI SỐ
Chuyển đổi số ở Bạc Liêu: Phải nhanh để không bị bỏ lại phía sau!
Bài cuối: Nhiều cách làm để đi nhanh!
>>Bài 1: Bước chuyển của thời đại
>>Bài 2: Những “bước chân” đầu tiên
>>Bài 3: Vẫn giậm chân tại chỗ!
Trải nghiệm ứng dụng du lịch thông minh trong khuôn khổ Hội thảo chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu năm 2023. Ảnh: N.Q
Xây dựng “nguồn nhân lực số”
Theo Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, trong phát triển kết cấu hạ tầng có phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu tạo nền tảng CĐS, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 9,5 - 10,5%/năm, quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,5 - 4 lần so với năm 2020 và kinh tế số chiếm 20 - 25% GRDP. Và đến năm 2050, Bạc Liêu có hệ thống đô thị thông minh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả.
Để biến tầm nhìn thành hiện thực, ông Ngô Vũ Thăng - Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, thông tin: Bạc Liêu sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới viễn thông băng rộng bảo đảm dung lượng lớn, tốc độ cao, công nghệ hiện đại, hạ tầng Internet vạn vật (IoT) được tích hợp rộng rãi bảo đảm phát triển hài hòa, phục vụ tốt CĐS. Song song đó, huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Nhận rõ chất lượng nhân lực làm công tác CĐS còn nhiều hạn chế, tỉnh sẽ ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước có chất lượng, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Giữ vai trò quan trọng trong giải pháp đào tạo nhân lực, Trường đại học Bạc Liêu được đặt kỳ vọng vào việc sẽ tạo ra một “nguồn nhân lực số” với đầy đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng. TS. Phan Văn Đàn - Hiệu trưởng Trường đại học Bạc Liêu, cho biết: “Trường hợp tác với Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Công nghệ thông tin TP. Hồ Chí Minh mở mã ngành công nghệ số phục vụ cho CĐS, tuyển 40 sinh viên năm nay. Cùng với đó, Khoa Công nghệ thông tin của nhà trường đang được tập trung nguồn lực, kiện toàn. Còn về thiết bị, UBND tỉnh đầu tư cho trường dự án cải tiến cơ sở vật chất 98 tỷ đồng - hoàn thành năm 2025 và dự án số hóa phòng thí nghiệm trung tâm”.
Không chỉ là nguồn nhân lực, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, Bạc Liêu còn cần phát triển hệ thống đào tạo nghề thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, theo hướng ngành nghề sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ dựa trên IoT, nano silic; công nghiệp chế biến; sửa chữa thiết bị số; cơ khí chính xác; thương mại điện tử; du lịch trải nghiệm sinh thái, cộng đồng. Phải cập nhật thường xuyên các ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số vào nội dung đào tạo và nên mở rộng đào tạo trực tuyến trên nền tảng số.
.................................................................................................................................................................................................................................
GS.TS Huỳnh Xuân Hiệp - Phó Hiệu trưởng Trường CNTT&TT (thuộc Trường Đại học Cần Thơ): CĐS kết nối với cuộc cách mạng công nghệ 5.0
CMCN 4.0 là cuộc cách mạng tập trung vào công nghệ kỹ thuật số với sự trợ giúp của kết nối thông qua Internet vạn vật (IoT), truy cập dữ liệu thời gian thực. Sự phát triển bền vững là một mục tiêu quan trọng trong thế kỷ XXI. CMCN 4.0 có tiềm năng tạo ra các giải pháp và công nghệ mới để thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.
Theo đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng cần tập trung vào việc khám phá những cách thức mà công nghệ số có thể được áp dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững vùng. Với chương trình CĐS quốc gia, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức và đồng thời cũng là cơ hội để phát triển trong thời gian tới. Trên cơ sở 3 trụ cột CĐS quốc gia, ĐBSCL cần quan tâm: chính quyền số, hạ tầng số, nhân lực số, doanh nghiệp số, kinh tế số (nông nghiệp/thủy sản chính xác, chế biến số, dịch vụ số…), xã hội số, nhận thức số và thông tin số/an toàn thông tin mạng.
Cùng với đó cần xác định kinh tế biển, không gian biển, tài nguyên biển là cực kỳ quan trọng của vùng ĐBSCL trong tiến trình CĐS; đồng thời, xác định động lực phát triển về CĐS của vùng ĐBSCL gắn với khoa học - công nghệ: công nghệ thông tin kết hợp với công nghệ sinh học.
Và một định hướng lâu dài cần tính đến là xác định mô hình CĐS kết nối với định hướng của cuộc cách mạng công nghệ 5.0: cá nhân hóa và hướng về con người.
………………............................................................................................................................................................................................................
Kinh nghiệm từ tỉnh bạn
Dẫu CĐS không thể là “chiếc áo may sẵn”, vẫn có thể rút ra những bài học hữu ích từ thực tiễn phong phú cũng như nỗ lực không ngơi nghỉ trong CĐS của các tỉnh, thành phố. Nhìn sang các địa phương lân cận - những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Bạc Liêu nhưng lại gặt hái thành công trong CĐS. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu từng khẳng định: “Không thiếu tiền để CĐS, phải chăng là do cách làm nên CĐS của tỉnh chậm, do đó, Bạc Liêu cần tham khảo cách làm của các tỉnh bạn”.
Cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang không sở hữu lợi thế sẵn có về công nghệ, song địa phương này giữ vững thứ hạng DTI cấp tỉnh, cụ thể là năm 2022 tiếp tục đứng vị trí thứ 17 cả nước, và xếp hạng 3 toàn vùng, nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang, kết quả này có được từ sự quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ có trọng tâm, trọng điểm theo lộ trình của tỉnh. Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang rộng 28,5ha ở TP. Vị Thanh đã có 4 doanh nghiệp công nghệ thông tin ngoài tỉnh vào đầu tư. Điểm nổi bật và khác biệt nữa của Hậu Giang là từ năm 2022, tỉnh đã phối hợp với Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh tổ chức Tuần lễ CĐS Mekong Delta thường niên, làm nơi chia sẻ mô hình CĐS của khu vực. Tuần lễ CĐS Mekong Delta lần thứ ba - 2024 đã diễn ra từ ngày 23 - 24/5 hướng tới thúc đẩy phát triển các giải pháp CĐS, tìm kiếm giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Còn với tỉnh Sóc Trăng, thành công ấn tượng trong CĐS có nguyên nhân cơ bản từ việc tiếp nhận Phó Cục trưởng Cục CĐS quốc gia được Bộ TT-TT biệt phái về và bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở TT-TT từ tháng 1/2022. Sau khi có người đứng đầu mới, Sở TT-TT đã thể hiện rõ vai trò tích cực trong việc tham mưu ban hành nghị quyết về CĐS tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như chủ động phối hợp với các sở, ngành, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ thông tin tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu về kỹ năng, nền tảng CĐS cho doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường kết nối, học hỏi chuyên môn, kinh nghiệm từ các chuyên gia Trung ương. Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết, DTI của tỉnh Sóc Trăng năm 2022 xếp hạng 36/63, tăng 20 bậc so với năm liền kề và đặt mục tiêu DTI năm 2023 nằm trong nhóm 30.
CĐS là tiến trình đầy gian nan, gian nan càng nhiều thì thách thức càng lớn. Vượt qua thách thức lớn thì kết quả đạt được càng ý nghĩa. Có những giải pháp đúng và sự quan tâm tích cực, trách nhiệm, nhất định Bạc Liêu cùng cả nước sẽ thành công với công cuộc CĐS, giúp đưa quê hương, đất nước đứng trong hàng ngũ các nước phát triển vào năm 2045.
Nguyễn Quốc
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ
- Bổ nhiệm bà Đỗ Ái Ngọc giữ chức Phó Chánh Thanh tra tỉnh
- Giải bóng đá mi ni chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam
- Đảng bộ Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu báo công dâng Bác
- Trao chứng chỉ bồi dưỡng tiếng Khmer cho 58 học viên