CHUYỂN ĐỔI SỐ
Chuyển đổi số: Quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động thiết thực
Năm 2021, Bạc Liêu xếp hạng 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chuyển đổi số (CĐS). Để không tiếp tục “bị bỏ lại phía sau” trong “cuộc đua” về CĐS trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tỉnh đã nỗ lực từng bước thúc đẩy quá trình CĐS. Tuy nhiên, CĐS là nhiệm vụ mới và khó, do vậy quá trình triển khai thực hiện không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc, cũng như nhiều bất cập phát sinh. Để tháo gỡ những rào cản trên con đường CĐS của tỉnh, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục có định hướng đúng đắn, giải pháp tổng thể, đồng bộ và sát hợp với thực tế trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Bài 1: NHU CẦU CHO PHÁT TRIỂN
Do xuất phát điểm về CĐS thấp nên để vực dậy lĩnh vực này bắt nhịp với xu hướng phát triển của thời đại, thời gian qua cả hệ thống chính trị của Bạc Liêu đã nhập cuộc, quan tâm chỉ đạo kịp thời công tác CĐS trên địa bàn tỉnh. Từ đó đạt được một số kết quả nhất định, tạo nền tảng để tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quá trình CĐS của tỉnh.
Cán bộ Sở Tư pháp kiểm tra máy chủ quản lý, lưu trữ dữ liệu số hóa hộ tịch trên địa bàn tỉnh.
VÌ MỘT XÃ HỘI SỐ
Hơn 3 tháng nay, người dân đến bộ phận Một cửa của xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) luôn thấy ở đây có bố trí thêm một bộ máy tính và có cán bộ ngồi trực hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Đây là điểm truy cập làm các loại thủ tục hành chính (TTHC) qua mạng được xã Châu Hưng A triển khai nhằm từng bước tạo thói quen cho người dân thực hiện một số TTHC công trực tuyến mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở xã. Sau thời gian thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả, giúp người dân trải nghiệm, thực hiện thao tác trên Cổng dịch vụ công quốc gia bằng máy tính, điện thoại cá nhân. Từ đó thay đổi cách nhìn của người dân về sự thuận tiện trong việc đăng ký thực hiện các DVCTT. Theo thống kê của xã, đã có hơn 300 người dân được hướng dẫn, truy cập, trải nghiệm DVCTT, bao gồm các trường hợp đăng ký thường trú, tạm trú, thông báo lưu trú, đăng ký xe lần đầu.
Châu Hưng A là xã đầu tiên của huyện Vĩnh Lợi triển khai mô hình điểm truy cập DVCTT tại UBND xã. Việc ra mắt mô hình này góp phần giúp người dân giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ, nhận kết quả; tăng tính minh bạch, công khai của các TTHC, tiến tới thực hiện thắng lợi Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (gọi là Đề án 06).
Không chỉ xã Châu Hưng A, để góp phần cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục đăng ký, sử dụng DVCTT trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại cơ sở, UBND thị trấn Phước Long (huyện Phước Long) cũng đã ra mắt mô hình DVCTT theo Đề án 06. Thực hiện mô hình này, thị trấn Phước Long đã kiện toàn Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho công dân, bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, nhiều kinh nghiệm, bảo đảm thực hiện giải quyết TTHC nhanh chóng, chất lượng, hiệu quả. Cách làm hiệu quả trong mô hình này của thị trấn Phước Long là gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, vai trò của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt Đề án 06. Ông Huỳnh Văn Tèo - Chủ tịch UBND thị trấn Phước Long, cho biết: “Đến nay, thị trấn Phước Long đã thực hiện 100% tiếp nhận hồ sơ qua DVCTT. Việc tiếp nhận hồ sơ giao cho lực lượng công an phụ trách, sau đó chuyển hồ sơ đến từng bộ phận chuyên môn giải quyết. Quá trình thực hiện đều thao tác hoàn toàn trên máy vi tính”.
Trong CĐS, một nhân tố đóng vai trò quan trọng không thể xem nhẹ - đó chính là thanh niên. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027: “Thanh niên phải tiên phong trong lao động, sản xuất, sáng tạo, thực hiện chủ trương đẩy mạnh CĐS quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, quyết tâm tạo ra những giá trị mới, góp sức thực hiện kế hoạch CĐS của tỉnh và chủ đề “Năm dữ liệu số” của Chính phủ, Đoàn Thanh niên toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ số. Điển hình là ra mắt thí điểm mô hình Tuần lễ Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hệ thống tài chính số VNPAY tại chợ Hộ Phòng (TX. Giá Rai). Ngoài ra còn hỗ trợ, hướng dẫn người dân tạo tài khoản thanh toán điện tử, cấp mã QR cho các cơ sở kinh doanh; kiểm tra, đăng ký thuê bao chính chủ; hướng dẫn cách thức sử dụng tài khoản để thực hiện các DVCTT (cấp hộ chiếu, bảo hiểm xã hội…).
Công an thị trấn Phước Long (huyện Phước Long) hướng dẫn người dân đăng ký hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: H.T
PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG SỐ VÀ NHÂN LỰC SỐ
Hạ tầng là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả và sự bền vững của CĐS, nên việc đầu tư, xây dựng hạ tầng viễn thông, Internet để đáp ứng yêu cầu kết nối, sử dụng dữ liệu của chính quyền, người dân trên địa bàn tỉnh được tỉnh chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Hiện toàn tỉnh có 1.412 trạm thu phát sóng di động (BTS), tất cả xã, phường, thị trấn có cáp quang tới trung tâm xã và sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy cập Internet băng rộng. Toàn bộ trường học, bệnh viện trong tỉnh có kết nối Internet băng rộng, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã kết nối mạng nội bộ và Internet. Hệ thống tại Trung tâm dữ liệu tỉnh được duy trì hoạt động liên tục, ổn định, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, đơn vị để phục vụ tốt việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước tại tỉnh.
Hạ tầng được đầu tư, phát triển đã đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC thuận lợi, giảm chi phí, thời gian. Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh cung cấp 1.356 DVCTT toàn trình và dịch vụ trực tuyến một phần và tích hợp 1.212 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, thúc đẩy bước tiến về kinh tế số, trong đó có hoạt động tiêu thụ sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Hiện tại, trên sàn Postmart, Voso có 300 hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh đươc tạo tài khoản, có 30 tài khoản bán và 150 tài khoản mua, tổng số sản phẩm được đưa lên sàn là 306 sản phẩm.
Bên cạnh đầu tư hạ tầng số, tỉnh cũng quan tâm phát triển về nhân lực số. Toàn tỉnh đã thành lập 100% Tổ Công nghệ số cộng đồng, trong đó có 64 Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, 508 Tổ Công nghệ số cộng đồng với gần 4.180 thành viên. Với nhân lực này đã kịp thời hỗ trợ thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác CĐS tại địa phương. Đây cũng là nguồn nhân lực trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, DVCTT.
Từ thực tế, có thể đánh giá quá trình CĐS của tỉnh đã có những tín hiệu khởi sắc. Đây chính là kết quả của sự thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về CĐS.
HOÀNG LAM
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ
- Bổ nhiệm bà Đỗ Ái Ngọc giữ chức Phó Chánh Thanh tra tỉnh
- Giải bóng đá mi ni chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam
- Đảng bộ Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu báo công dâng Bác
- Trao chứng chỉ bồi dưỡng tiếng Khmer cho 58 học viên