CHUYỂN ĐỔI SỐ

Hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số”: Nâng cao năng lực số cho người dân, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện

Thứ Sáu, 11/04/2025 | 14:39

Kế thừa tinh thần của phong trào “Bình dân học vụ” lịch sử, một phong trào “Bình dân học vụ số” (BDHVS) đang hình thành, hướng tới mục tiêu “xóa mù chữ số”, nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ số cho toàn dân, đặc biệt là ở những vùng còn nhiều khó khăn. Không đứng ngoài cuộc, Bạc Liêu đã và đang có những hành động cụ thể để hưởng ứng hiệu quả phong trào ý nghĩa này.

Một trong 512 tổ công nghệ số cộng đồng được Bạc Liêu xây dựng và duy trì hoạt động. Ảnh: N.Q

Từ xóa mù chữ viết đến xóa mù kỹ năng số

Nếu như phong trào “Bình dân học vụ” cách đây gần 80 năm đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, xóa nạn mù chữ, tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước, thì ngày nay, “BDHVS” mang một sứ mệnh tương tự trong bối cảnh mới. Mục tiêu của phong trào là trang bị cho người dân những kỹ năng số thiết yếu nhất để có thể tự tin tham gia vào môi trường số.

Đó là những kỹ năng rất cơ bản nhưng vô cùng quan trọng: biết sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng; biết cách truy cập Internet an toàn; biết khai thác thông tin hữu ích; biết sử dụng các dịch vụ công trực tuyến (như đăng ký thủ tục hành chính, tra cứu thông tin, thanh toán hóa đơn điện, nước...); biết các kỹ năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng và dần dần là biết cách sử dụng công nghệ số để phục vụ sản xuất - kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Việc phổ cập kỹ năng số không chỉ giúp người dân tiếp cận thông tin, dịch vụ thuận tiện hơn mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhóm dân cư, thúc đẩy xây dựng xã hội số - một trong ba trụ cột chính của chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia (bên cạnh Chính phủ số và kinh tế số).

Là một tỉnh còn nhiều dư địa phát triển và đang nỗ lực CĐS, Bạc Liêu có thể triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hưởng ứng phong trào “BDHVS”, đưa kỹ năng số đến gần hơn với mọi người dân.

Làm gì để hiện thực hóa BDHVS?

Trước hết, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai phong trào “BDHVS” trên địa bàn. Kế hoạch cần xác định rõ mục tiêu, đối tượng ưu tiên (người cao tuổi, nông dân, phụ nữ ở nông thôn, người yếu thế...), nội dung đào tạo, phương thức tổ chức, nguồn lực và lộ trình thực hiện.

Phát triển nội dung đào tạo dễ hiểu, thiết thực thông qua biên soạn tài liệu, video hướng dẫn ngắn gọn, trực quan, tập trung vào các kỹ năng số cơ bản và gắn liền với nhu cầu thực tế của người dân Bạc Liêu. Đó là hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh, cài đặt ứng dụng cơ bản (VNeID, ứng dụng ngân hàng, điện lực, “Bạc Liêu Smart”, Zalo...); chỉ dẫn truy cập và sử dụng Cổng Dịch vụ công tỉnh Bạc Liêu và Cổng Dịch vụ công quốc gia; cách thức tìm kiếm thông tin về chính sách, pháp luật, giá cả nông sản, kỹ thuật canh tác; một số kỹ năng an toàn thông tin mạng cơ bản...

Về hình thức tổ chức huấn luyện, cần đa dạng hóa, huy động các tổ chức trong và ngoài công lập cùng tham gia. Cụ thể, tổ chức các lớp tập huấn trực tiếp tại các trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa xã, ấp, khóm, điểm bưu điện văn hóa xã, thư viện... với sự tham gia hướng dẫn của cán bộ địa phương, đoàn viên - thanh niên, tình nguyện viên. Tiếp tục phát huy vai trò của 512 tổ công nghệ số cộng đồng đang hoạt động, biến họ thành những “giáo viên” phổ cập kỹ năng số tại chỗ, “cầm tay chỉ việc” cho bà con lối xóm. Song song đó, tận dụng các buổi họp dân, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể để phổ biến, hướng dẫn kỹ năng số. Tạo dựng các kênh hỗ trợ trực tuyến qua Zalo, Facebook, hoặc điện thoại đường dây nóng để giải đáp thắc mắc cho người dân trong tiến trình học và sử dụng.

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, việc huy động nguồn lực xã hội để thúc đẩy phong trào “BDHVS” là cần thiết. Chính quyền nên khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn trong việc hỗ trợ hạ tầng (điểm truy cập Internet công cộng), thiết bị (máy vi tính, điện thoại cũ tặng người còn khó khăn) và cử chuyên gia tham gia tập huấn. Vận động con em thành đạt ở xa quê hỗ trợ, hướng dẫn cho gia đình, người thân ở quê nhà.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc học kỹ năng số, về phong trào “BDHVS” trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, mạng xã hội, tờ rơi... để nâng cao nhận thức và cổ xúy người dân tích cực tham gia.

Phong trào “BDHVS” không chỉ là nhiệm vụ của ngành Khoa học và Công nghệ mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn xã hội và sự chủ động của mỗi người dân. Bằng những hành động thiết thực, không trông chờ vào hướng dẫn của Trung ương, Bạc Liêu hoàn toàn có thể tạo nên một làn sóng học tập kỹ năng số sâu rộng, góp phần quan trọng vào sự thành công của công cuộc CĐS tỉnh nhà và đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia, hướng tới một Việt Nam số phát triển, thịnh vượng và nhân văn.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.