CHUYỂN ĐỔI SỐ
Huyện Phước Long: Quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số
Chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu, là yêu cầu khách quan chung của sự phát triển. Nhận thức rõ điều đó, huyện Phước Long đã thực hiện CĐS với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đẩy mạnh công tác xây dựng chính quyền số, phát triển xã hội, kinh tế số.
TUYÊN TRUYỀN NÂNG CAO NHẬN THỨC
Hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia (10/10), mới đây, Phòng VH-TT huyện Phước Long đã phối hợp với Huyện đoàn, UBND thị trấn Phước Long, Vinaphone, Viettel huyện Phước Long và các ngành có liên quan ra quân tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng sản phẩm, dịch vụ số, các ứng dụng thanh toán trực tuyến… Thông tin, tuyên truyền về chương trình, tầm quan trọng của việc sử dụng tên miền quốc gia “.vn”, vận động khuyến khích người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện tham gia chương trình và đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia “.vn” nhằm góp phần trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá, bảo vệ thương hiệu trực tuyến và mở rộng thị trường.
Muốn CĐS có hiệu quả và thành công, trước tiên phải làm thay đổi nhận thức của người dân về CĐS, bởi nhận thức đóng vai trò quyết định trong CĐS. Xác định rõ điều này, thời gian qua, Ban chỉ đạo CĐS huyện Phước Long đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện CĐS vào các hoạt động cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo phù hợp. Đồng thời tuyên truyền rộng rãi để người dân, tổ chức hiểu và tích cực thực hiện công tác CĐS. Việc tuyên truyền về CĐS là nhiệm vụ thường xuyên lồng ghép với nhiều hình thức và nội dung khác nhau, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác này. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2024 đã phát thanh 110 tin, bài, phóng sự, ghi nhận thông tin tuyên truyền về CĐS.
Để hoạt động CĐS thuận lợi, huyện Phước Long cũng đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực CĐS. Theo đó, trên địa bàn huyện đã thành lập 87 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 628 thành viên, làm các nhiệm vụ như: hướng dẫn người dân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số; tham gia sàn thương mại điện tử uy tín; hướng dẫn người dân kỹ năng sử dụng phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản, kỹ năng sử dụng mạng xã hội văn minh, an toàn, nhận diện, phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian số… Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổ công nghệ số cộng đồng đã thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến 4.225 lượt người; hướng dẫn 2.623 lượt người sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phối hợp với đơn vị viễn thông cài đặt ví, tài khoản thanh toán điện tử cho người dân; hướng dẫn 6.000 lượt người sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, kích hoạt sử dụng App VNeID.
Phòng VH-TT, Huyện đoàn, UBND thị trấn Phước Long, Vinaphone, Viettel huyện Phước Long và các ngành có liên quan ra quân hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: H.L
NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC
Có thể thấy, nhờ đa dạng hóa các hoạt động truyền thông về CĐS đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số… Từ đó, giúp người dân dần hình thành thói quen chủ động, tích cực tham gia ứng dụng CĐS trong mọi mặt đời sống xã hội. Minh chứng là trong lĩnh vực y tế, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn huyện Phước Long đã áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong khám, chữa bệnh. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng có 100% trường tiểu học, trung học cơ sở ứng dụng sổ liên lạc điện tử vnEdu (hoặc tạo nhóm Zalo đối với cấp mầm non) để thông tin kịp thời kết quả học tập của học sinh; ứng dụng Google Drive lưu trữ hồ sơ giáo án, tạo nguồn học liệu; ứng dụng Microsoft Powerpoint trong thiết kế bài giảng điện tử; thực hiện tốt việc trao đổi thông tin, báo cáo qua hộp thư điện tử…
Bên cạnh đó, huyện Phước Long cũng có nhiều hoạt động trong phát triển kinh tế số và xã hội số. Cụ thể là giới thiệu, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ 28 sản phẩm OCOP của huyện trên Cổng thông tin điện tử của huyện, sàn Postmart, sàn thương mại điện tử tỉnh. Thực hiện mô hình “Chợ 4.0” tại chợ Phước Long với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, 6 tháng đầu năm, cấp 3.659 hồ sơ căn cước công dân; thu nhận 3.511 hồ sơ định danh điện tử.
Cùng với phát triển kinh tế số và xã hội số, chính quyền số được xác định là một trong 3 trụ cột ưu tiên hàng đầu của huyện. Thực hiện mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền số nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối thông suốt giữa 4 cấp, cơ bản phục vụ tốt các cuộc hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến địa phương. Trên địa bàn huyện có 9 điểm cầu (1 điểm cầu tại UBND huyện, 8 điểm cầu tại UBND các xã, thị trấn); 100% cơ quan nhà nước từ cấp huyện đến các xã, thị trấn có kết nối mạng Internet; 99% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy vi tính sử dụng phục vụ cho công việc. 100% các xã, thị trấn đã có cáp quang tới trung tâm xã và sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng; 100% số trường học, bệnh viện, trạm y tế trong huyện có kết nối Internet băng rộng; tỷ lệ dân số được phủ sóng di động (2G, 3G, 4G) đạt 100%.
Trong thời gian tới, huyện Phước Long sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nhiệm vụ về CĐS, đồng thời tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, phổ biến về các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện CĐS của Đảng và Nhà nước. Từ đó nâng cao nhận thức của toàn xã hội trên địa bàn huyện trong việc CĐS để thu hút, định hướng người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện CĐS, tham gia xây dựng chính quyền số.
GIA NGUYỄN
Mục tiêu cụ thể CĐS của huyện Phước Long năm 2024
- 100% cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước có máy tính sử dụng.
- Phủ sóng mạng di động 4G/5G và mạng Internet cáp quang đến 100% hộ dân trên địa bàn huyện.
- Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được kết nối thường xuyên; việc giao nhận văn bản trên hệ thống đảm bảo 100% được xử lý trên môi trường mạng, trừ các văn bản mật, đích danh.
- Duy trì, thường xuyên cập nhật tin, bài trên Cổng thông tin điện tử huyện vận hành tại địa chỉ https://phuoclong.baclieu.gov.vn.
- Duy trì, phát huy hệ thống hội nghị trực tuyến (1 điểm cầu ở UBND huyện và 8 điểm cầu ở UBND các xã, thị trấn).
- Đảm bảo 100% văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện, cấp xã được ký số thay văn bản giấy.
- Phấn đấu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 60%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 60%.
- Phấn đấu tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa các xã, thị trấn đạt 80% (không áp dụng đối với dữ liệu phục vụ công tác quân sự, quốc phòng).
- Phấn đấu tỷ lệ trường học, cơ sở giáo dục sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để đóng học phí đạt 50%.
- Phấn đấu đạt 30% hộ dân sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến (tiền điện, tiền nước...).
- Phấn đấu tỷ lệ cơ sở kinh doanh, dịch vụ ứng dụng giải pháp thanh toán trực tuyến đạt 30%.
- Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 40%; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng về bảo đảm an toàn thông tin đạt 100%.
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ
- Bổ nhiệm bà Đỗ Ái Ngọc giữ chức Phó Chánh Thanh tra tỉnh
- Giải bóng đá mi ni chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam
- Đảng bộ Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu báo công dâng Bác
- Trao chứng chỉ bồi dưỡng tiếng Khmer cho 58 học viên