CHUYỂN ĐỔI SỐ
Năm 2025: Xây dựng nền tảng vững chắc cho chính quyền số và kinh tế số
Năm 2024 đã ghi nhận những thành tựu đáng kể của Bạc Liêu trong công tác CĐS. Tiếp nối đà phát triển đó, năm 2025, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục đặt mục tiêu xây dựng nền tảng vững chắc cho chính quyền số và kinh tế số, tập trung vào các định hướng trọng tâm sau: Hoàn thiện nền tảng số và chia sẻ dữ liệu; huy động nguồn lực và ưu tiên phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao kỹ năng số; tăng cường tuyên truyền và hoàn thiện hạ tầng.
Theo đó, sang năm mới, Bạc Liêu tiếp tục triển khai sâu rộng các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước và đời sống xã hội, tạo tiền đề cho các hoạt động CĐS toàn diện. Triển khai thí điểm Cổng dữ liệu mở nhằm phục vụ kết nối và chia sẻ dữ liệu hiệu quả giữa các cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn tỉnh, tạo hệ sinh thái dữ liệu mở, minh bạch, phục vụ công tác quản lý, điều hành và ra quyết định dựa trên dữ liệu. Cùng với đó là xây dựng và cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bạc Liêu phiên bản 3.0, hướng tới xây dựng chính quyền số hiện đại, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Sang năm 2025, Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Trong ảnh: Thành đoàn TP. Bạc Liêu và Viễn thông Bạc Liêu phối hợp cài đặt 20.000 tài khoản, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Song song với hoạt động hoàn thiện nền tảng số và chia sẻ dữ liệu, tỉnh sẽ tăng cường huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa và hợp tác công tư để thúc đẩy CĐS trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt ưu tiên phát triển kinh tế số và xã hội số, tạo động lực tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS, ứng dụng công nghệ số vào quản lý, quy trình sản xuất và phát triển sản phẩm công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.
Đồng thời phối hợp triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản. Không ngừng thúc đẩy CĐS và thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường thanh toán văn minh, hiện đại và minh bạch.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa là đào tạo nguồn nhân lực CĐS. Đây là nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CĐS, bao gồm cả cán bộ nhà nước và lực lượng lao động trong xã hội. Tiếp tục giáo dục kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ 4.0 cho người dân; thực hiện theo lộ trình phổ cập kỹ năng số và kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh mạng đạt trình độ cơ bản cho mọi người dân, thu hẹp khoảng cách số trong xã hội.
Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng thanh toán trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích trong việc gửi và nhận kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của hoạt động hành chính công.
Những định hướng trên thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong việc đẩy mạnh CĐS một cách toàn diện và hiệu quả, nhằm xây dựng một chính quyền số hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.
Bài, ảnh: Mạnh Quân
- Ngành Tuyên giáo Bạc Liêu đẩy mạnh định hướng công tác tuyên truyền Đại hội Đảng
- Huyện Hồng Dân: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ mỗi cán bộ, đảng viên
- Những quy định mới về bảo vệ môi trường đối với khí thải
- Lực lượng vũ trang Bạc Liêu: Đa dạng phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Quy định về “Gia đình văn hóa” trên địa bàn tỉnh